(vhds.baothanhhoa.vn) - Thành phố vừa hết giãn cách xã hội, tôi mới có dịp ngồi nói chuyện với anh bạn hàng xóm. Anh nói: “Sắp đến tết Trung thu rồi, năm nay khu phố mình chắc không tổ chức gì đâu vì đang dịch bệnh, không nên tập trung đông người. Với lại, bây giờ mọi thứ đủ đầy quá rồi, bọn trẻ con cũng không còn háo hức trung thu như thời chúng mình ngày xưa nữa nên chắc cũng không lấy thế làm buồn”. Tôi cũng nghĩ vậy vì cho đến tận bây giờ, ánh trăng của những đêm trung thu ngày ấy vẫn sáng vằng vặc trong tâm trí tôi để rồi mỗi khi nhắc đến, biết bao kỷ niệm xưa cũ lại ùa về.

Trăng rằm ngày ấy...

Thành phố vừa hết giãn cách xã hội, tôi mới có dịp ngồi nói chuyện với anh bạn hàng xóm. Anh nói: “Sắp đến tết Trung thu rồi, năm nay khu phố mình chắc không tổ chức gì đâu vì đang dịch bệnh, không nên tập trung đông người. Với lại, bây giờ mọi thứ đủ đầy quá rồi, bọn trẻ con cũng không còn háo hức trung thu như thời chúng mình ngày xưa nữa nên chắc cũng không lấy thế làm buồn”. Tôi cũng nghĩ vậy vì cho đến tận bây giờ, ánh trăng của những đêm trung thu ngày ấy vẫn sáng vằng vặc trong tâm trí tôi để rồi mỗi khi nhắc đến, biết bao kỷ niệm xưa cũ lại ùa về.

Trăng rằm ngày ấy...

Trung thu xưa là những điều giản dị mà khó phai nhòa (ảnh minh họa)

Đó là những năm 90 của thế kỷ XX, bọn trẻ con chúng tôi đa số đều nhà nghèo nên sáng đi học, chiều về đứa thì đi chăn trâu, bò, đứa lại bắt cua, tát cá hoặc hái rau, kiếm củi cháy đen hết cả mặt mày. Khi mặt trời chuẩn bị xuống núi cũng là lúc tụi con trai chúng tôi tụ tập đá bóng trên sân bãi. Nhiều hôm mải chơi, có đứa để trâu ăn lúa nhà người ta, đứa lại để lạc mất bò nên tối về bị ăn đòn quắn đít cũng là chuyện thường. Tối thứ bảy và chủ nhật không phải làm bài tập, chúng tôi lại rủ nhau ra khu ao làng chơi trốn tìm, bịt mắt bắt dê dưới ánh trăng lúc tỏ, lúc mờ.

Ngày ấy, người dân trong làng sống tình cảm lắm, không phân biệt giàu nghèo nên bọn trẻ con chơi với nhau cũng rất hòa đồng, vui vẻ. Chúng tôi sang nhà bạn chơi, thi thoảng lại được người lớn hái quả trong vườn ra chiêu đãi. Đứa nào hư, người lớn ở quê tôi cũng quan tâm dạy bảo như con cháu trong nhà. Chính bởi cuộc sống cứ trôi qua trong những điều bình dị ấy mà chúng tôi luôn háo hức chờ đón trung thu đến như một sự kiện lớn trong cuộc đời mình.

Tôi nhớ, gần đến trung thu năm ấy, bố tôi cẩn thận lột da một con ếch mà mẹ đi làm đồng về bắt được rồi làm cho tôi một cái trống ếch từ ống bò sữa Ông Thọ. Anh cả thì hì hục chẻ tre để làm cho các em mỗi đứa một chiếc đèn ông sao có dán giấy màu lấp lánh. Chúng tôi cứ chạy vòng quanh chỗ bố và anh mà hò hét lấy làm thích lắm. Có lẽ vì nhà nghèo nên mẹ tôi thường mua kẹo bánh trước cả tuần cho rẻ. Những khi như thế, chúng tôi lại reo lên phấn khích rồi tưởng tượng cảm giác được nhai kẹo dính răng, mỏi miệng mà vẫn không thấy chán. Mâm cỗ trung thu bao giờ cũng có cả bánh kẹo và hoa quả. Thế nên, các gia đình phải nhấm chuối, nhấm hồng trước đó vài ngày cho đến hôm trung thu ăn được là vừa. Nhà nào không trồng được cây ăn quả hoặc có ít thì họ hàng, chú bác lại đem cho để con cháu đứa nào cũng được phá cỗ linh đình.

Chờ mãi rồi cũng đến Tết trung thu. Hôm ấy, cả bọn chăn bò bảo nhau về sớm để tắm rửa rồi chọn những bộ quần áo đẹp nhất mặc đi nhận kẹo. Nói là “đẹp” vậy thôi chứ quần áo đứa nào cũng đều sờn màu, có khi còn dúm dó bởi những đường chỉ vá vội. Thông thường, cứ 6 giờ chiều các anh chị thanh niên trong làng mới phát kẹo nhưng trước đó trẻ con đều đã tập trung đông đủ. Tôi cầm theo chiếc trống ếch chạy tung tăng quanh nhà họp xóm (vì lúc đó chưa có nhà văn hóa như bây giờ nên mỗi khi có sự kiện gì thì sẽ họp ở một nhà dân nào đó). Mấy đứa bạn tôi, đứa chơi ống phóc, đứa xách theo đèn ông sao rất đẹp. Trước lúc chia kẹo, bác trưởng thôn bao giờ cũng phát biểu rất nghiêm túc. Chúng tôi hân hoan, vui sướng cầm những gói kẹo vừa được phát rồi đếm từng cái một. Có đứa tay cứ khu khư giữ chặt túi kẹo, thi thoảng chỉ dám lấy ra một chiếc để ăn, còn lại đem về để giành. Sau phần chia kẹo là đến tiết mục văn nghệ. Hồi đó, chúng tôi nhút nhát lắm nên các anh chị thanh niên chỉ định ai thì người đó mới dám đứng lên thể hiện. Rồi có lúc tất cả cùng hòa nhịp chung những bài hát như: “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ”, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”…

Trở về nhà, chúng tôi thấy bố mẹ đã dọn mâm cỗ trung thu để sẵn ở giữa sân. Đó cũng là lúc trăng lên cao khỏi ngọn tre đầu làng. Cả ông bà, bố mẹ và anh em tôi quây quần bên mâm cỗ dưới ánh trăng soi tỏ, vừa ăn vừa nói chuyện rất vui vẻ. Tôi thích nhất là khoảnh khắc mẹ cắt chiếc bánh nướng chia cho cả nhà. Vì sợ chưa ăn đã hết nên tôi nhâm nhi từng chút một để cảm nhận vị béo ngậy của nhân bánh mà có khi phải cả năm chúng tôi mới được ăn một lần. Bình thường, trăng vẫn luôn hiện hữu theo tôi trong những đêm rong ruổi đi chơi, nhưng vào những ngày đặc biệt như thế, tôi mới nhận ra mặt trăng tròn như chiếc đĩa bạc, ánh sáng cũng dịu dàng và ấm áp đến lạ thường.

Trăng càng lên cao càng soi sáng rạng ngời. Bọn trẻ chúng tôi lại “nhót” ra khu ao làng để đùa vui với chúng bạn. Có lẽ vì được ăn no nên đứa nào, đứa ấy vừa cầm đèn ông sao chạy nhảy, vừa hò hét đuổi bắt nhau như hề biết mệt. Thi thoảng, có đứa lại ngồi nghỉ bóc kẹo rồi bỏ vào mồm nhai bỏm bẻm như mấy bà nhai trầu; có đứa vì nóng quá cởi phăng luôn chiếc áo, mình trần trùng trục như củ khoai lang dưới ánh trăng vàng.

Nhớ về trung thu xưa, tôi lại nghĩ đến bọn trẻ bây giờ. Có lẽ ngày thường chúng đã quá đủ đầy với những bánh kẹo, đồ chơi… nên ngoài mấy chương trình giải trí trên ti vi, điện thoại, có lẽ chẳng điều gì còn làm chúng hứng thú chờ đợi. Giờ đi đến đâu cũng là những bóng điện cao áp xuyên đêm nên trăng vẫn sáng đấy nhưng có khi người lớn còn chẳng nhận ra huống hồ là bọn trẻ chỉ ham thích khám phá những điều mới lạ. Tuổi thơ mỗi người chỉ có một lần nhưng tiếc là những điều giản dị giúp bồi đắp, dung dưỡng nên tâm hồn của một đứa trẻ giờ đây lại không dễ gì có thể tìm được trong những dịp trung thu nữa rồi.

Mai Vui


Mai Vui

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]