(vhds.baothanhhoa.vn) - Lần đầu tiên có thơ được đăng trên Văn nghệ giải phóng vào năm 1976, khi ấy ông vừa tròn 21 tuổi. Và sau gần 45 năm, người ta mới thấy ông làm đơn xin vào Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Ông là nhà thơ Nguyễn Thanh Xuyết.

Với nhà thơ “trẻ” Nguyễn Thanh Xuyết

Lần đầu tiên có thơ được đăng trên Văn nghệ giải phóng vào năm 1976, khi ấy ông vừa tròn 21 tuổi. Và sau gần 45 năm, người ta mới thấy ông làm đơn xin vào Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Ông là nhà thơ Nguyễn Thanh Xuyết.

Với nhà thơ “trẻ” Nguyễn Thanh Xuyết

“Nhớ lại cách đây gần 45 năm, khi đó đang là lính ở Quân đoàn 3, Sư đoàn 320, nhận được tin có thơ in trên Văn nghệ giải phóng, tôi vui lắm”. Từ thuở đó ông đã gặp các nhà thơ Nguyễn Duy, Mai Quỳnh Nam, Thái Thăng Long, Trần Mạnh Hảo... còn rất trẻ và đã nổi tiếng. Ngoài ra ông còn gửi cộng tác với tờ Sài gòn giải phóng một thời gian.

Đến bây giờ dù nhiều người gặng hỏi thì ông vẫn không nói lý do tại sao kể từ khi tham gia chiến trường Campuchia năm 1979, ông không có nhu cầu viết hay làm bất cứ bài thơ nào nữa. Mãi đến năm 2014, tham gia Câu lạc bộ thơ Đường tại quê nhà xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa), chủ yếu là cho vui với tuổi già, không khí văn chương lại hồi sinh con người thơ của ông. Tập thơ “Quê” (NXB Thanh Hóa, 2020) vỏn vẹn 41 bài nhưng khiến nhiều người ngạc nhiên. Chẳng mấy ai nghĩ một ông nhà thơ phong trào lại làm thơ hay thế, tình thế và sâu lắng thế.

Là nhà thơ “trẻ”, có hơn 1 năm tuổi hội viên mà giành ngay giải nhất cuộc thi thơ “Linh thiêng Tổ quốc - Hào khí xứ Thanh” năm 2021, thực chẳng nhiều người tin. “Khúc tưởng niệm” đã vượt qua 500 tác giả ở hầu khắp các địa phương trong cả nước với hơn 2.000 tác phẩm, hẳn phải có sức mạnh riêng của nó.

Với nhà thơ “trẻ” Nguyễn Thanh Xuyết

Duyên cớ với ông cũng đơn giản lắm. Biết được có cuộc thi thơ, cũng là khoảng thời gian mà ông nghĩ nhiều về cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đã đi qua gần 1/2 thế kỷ. Khi ấy, tháng 12-1972, đang học lớp 10 ở trường cấp 3 Hậu Lộc, ông lên đường nhập ngũ. Trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai, Mỹ điên cuồng trút xuống cầu Hàm Rồng và khu vực xung quanh hàng trăm nghìn tấn bom đạn. Chùa chiền, miếu mạo, nhà thờ, bệnh viện, trường học... đều trở thành mục tiêu ném bom. “Sau thảm họa đêm 21-4-1972 ở Hoằng Phượng, Hạc Oa khiến hai làng cháy rụi, chìm trong chết chóc thì tháng 6-1972, bọn Mỹ ném bom ở khu vực đê Nam Ngạn đã làm rất nhiều người chết, trong đó có 64 giáo viên, học sinh hy sinh”. Ký ức đau thương ấy khiến tôi đã nhiều lần trở đi trở lại đài tưởng niệm và từ đó mà viết “Khúc tưởng niệm”.

Tính đến nay, nhà thơ Nguyễn Thanh Xuyết có khoảng hơn 100 bài thơ. Ông thành thật chia sẻ: Tôi viết ít, chỉ khi có cảm xúc thì tôi mới viết. Không có cảm xúc mà cố viết là tôi biết chắc bài thơ ấy hỏng, kiểu thơ không có sự sống, thơ bị phô. Chầm chậm viết, nghĩ thật nhuyễn, thấy mình đã gửi được tâm hồn vào câu chữ thì mới dám công bố”.

Điều dễ nhận thấy khi đọc tập “Quê” và 6 bài thơ tham dự cuộc thi “Linh thiêng Tổ quốc - Hào khí xứ Thanh” là thơ Nguyễn Thanh Xuyết có trường cảm xúc và trường liên tưởng rộng. Nhiều người lo sợ nếu nhà văn nhà thơ không mở biên độ sáng tác thì sẽ ở tình trạng quanh quẩn. Nhưng thực ra, mỗi người một không gian riêng, cứ khai thác hết những gì gắn bó máu thịt với mình đã là tốt lắm rồi, có khi cả đời người còn chưa xong. Cũng như câu chuyện “Từ ngày phố mở về quê” của bao nhiêu làng quê trong quá trình đô thị hóa, dù cố gắng với cái nhìn rất thơ: “Từ ngày phố mở về quê/ Quê phải lòng phố, phố mê hương đồng/ Ngược, xuôi đôi ngả lòng vòng/ Người ra phố thị môi hồng mắt xanh” song con người nhà thơ vốn tâm hồn quá nhạy cảm, nhưng lại quá lạc hậu với sự đổi thay: “Quê mình cứ ngỡ quê đâu/ Xập xình nhạc nhảy chói màu đèn đêm” hay “Làng có tuổi, xóm có tên/ Ngàn năm tạo dựng mới nên hồn làng / Người ơi sao nỡ vội vàng / Tình quê vội nhạt, mơ màng nẻo xa...”.

“Quê” trong thơ của Nguyễn Thanh Xuyết không chỉ là không gian, đó còn là ý niệm, là tâm tưởng và cả những mong chờ. Ngay cả trong những ngày tháng ai ai cũng sợ bệnh dịch COVID-19 thì dù ở Sài Gòn hay bất cứ nơi nào khác, chỉ cần nghe giọng quê mình cũng đủ ấm lòng: “Ta ấm lòng khi nghe một giọng quê”.

“Khúc tưởng niệm” không đơn giản chỉ là sự hoài tưởng mà còn là sự suy ngẫm về khí chất và con người sinh ra nơi vùng đất văn hóa và anh dũng. Hình ảnh núi Ngọc, núi Rồng, rồi là cảnh “Làng tôi cháy mấy lần bom Mỹ thả/ Pháo giặc từ biển Đông bay qua làng tôi dội xuống Hàm Rồng” cũng để thể hiện cái khí chất của trai Thanh. Bởi “Những bài sử tôi học/ Chảy rần rần trong huyết quản tôi đây” và bởi “Tôi lính trận suốt một thời lửa đạn... Thương đồng đội tuổi hai mươi về đất/ Nhặt bao nhiêu cũng không đủ hình hài!”.

Có đi qua những ngày tháng đau thương và hào hùng ấy, có yêu Tổ quốc và đồng đội mình thì mới có thể cất lên những câu thơ “huyết lệ”. Dù trong đề tài quê, cụ thể là quê nhà Hoằng Lộc, nhưng “Cánh màn đã khép lại rồi/ Thôi mình chốt hạ cuộc chơi phập phù/ Rời xa những chốn phù du/ Ta về quê mẹ trùng tu lại mình”. Rõ ràng, quê hương nơi neo đậu tâm hồn, nhưng cũng là nơi ta gắng sửa mình. Câu thơ vừa có sự diễu nhại nhưng cũng sâu lắng vô cùng. Đằng sau tấm màn sân khấu cuộc đời, việc về quê không đơn giản chỉ là “chốt hạ cuộc chơi phập phù” mà còn là: “Bao năm bèo bọt nhấp nhô/ Đi mua những cái vẩn vơ chợ trời/ Phấn son gột hết đi rồi/ Cho thanh sạch lại con người quê ơi!...” (Về quê tìm lại).

Gần 70 tuổi, ông vẫn giữ được vóc dáng nhanh nhẹn. Còn mạch ngầm văn chương thì cứ chảy từng giọt để kết tinh thành những vần thơ có ý, có tứ, có ma lực hấp dẫn. “Kể từ khi tham gia Hội Văn học nghệ thuật và các câu lạc bộ thơ, tôi cố gắng để mình không tụt hậu, thậm chí việc được gặp gỡ giao lưu với các nhà thơ chuyên nghiệp đã kích thích tôi có thêm động lực để sáng tác”. Tôi biết, xung quanh ông vẫn là đề tài về sự hy sinh của đồng đội, về tình làng nghĩa xóm, về những mất mát một thời và sự đổi thay của ngày hôm nay. Nó không còn là chuyện thời sự, mà là máu thịt, là khí chất của một người lính nghỉ hưu và một nhà thơ “trẻ” đầy xúc cảm. Ông dự tính trong khoảng 1 - 2 năm nữa sẽ ra mắt tập thơ mới để khẳng định đời thơ của ông... không trẻ.

Mỗi con người một cuộc đời... thơ. Nguyễn Thanh Xuyết đã từng bỏ quên thơ trong cuộc đời mình và khi những thảnh thơi của tuổi già đến ông lại bận bịu với thơ và những bạn thơ. Đọc thơ ông, đôi khi cũng thấy tiếc tiếc vì những ý thơ không được đẩy đến tận cùng. Dường như ông có chút lo sợ người đọc không hiểu hết những điều mình muốn nói nên đôi khi chất kể lấn át chất thơ. Tôi tin, mỗi nhà thơ đều có những rung cảm và cách thể hiện khác nhau. Riêng với Nguyễn Thanh Xuyết, thơ là phương tiện, là xúc cảm “Nỗi nhớ đưa ta về đất mẹ/ Ra đình làng tạ lỗi với quê!”.

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]