(vhds.baothanhhoa.vn) - Dịch COVID-19 khiến tôi ngại chỗ đông người, vì thế ít đi chợ, chợ quê lại càng thấy xa lơ, xa lắc. Bắt nhịp và thích ứng an toàn trong tình hình mới, chuyến đi đầu năm, tôi cùng cả gia đình về quê sớm để ghé chợ chọn mua ít đồ cho ông bà.

Ấm áp chợ quê

Dịch COVID-19 khiến tôi ngại chỗ đông người, vì thế ít đi chợ, chợ quê lại càng thấy xa lơ, xa lắc. Bắt nhịp và thích ứng an toàn trong tình hình mới, chuyến đi đầu năm, tôi cùng cả gia đình về quê sớm để ghé chợ chọn mua ít đồ cho ông bà.

Ấm áp chợ quê

Bước vào cổng chợ, rộn ràng tiếng cười nói, tiếng mời chào. Rau bạt ngàn, cá thịt tươi rói, giá bằng một phần ở thành phố. Đang nhẩm tính mua cái gì, về cho ai, thì một bà cụ ghé lại với cái ổ còn nguyên rơm “mua cho bà 13 quả trứng gà ri, 37 nghìn thôi con ạ”. “Dạ, cụ để con lấy hết ạ”.

- Cô ơi, lấy mớ trai này cho tôi, về nấu bát canh ngon lắm.

- Cháu ơi, có mấy mớ rau cúc.

- Chị ơi lấy cho em cân thịt, mới mổ xong...

- Có mấy xâu xà lách sạch, cháu lấy cho bà về sớm.

Tiếng mời chào đon đả, thân tình. Phút chốc tôi thấy mọi người vây quanh mình, cảm giác thân thương đến dễ chịu.

Chợ quê mộc mạc chỉ có vài mái tranh tre, cả người bán lẫn người mua là người làng với nhau hoặc người ở làng kế bên. Ở phiên chợ có đủ các mặt hàng, thường là rau quả trong vườn nhà. Những bó rau gói bằng lá chuối, buộc cái lạt, xanh ngăn ngắt. Rễ còn dính đất, dính bùn. Dăm ba bắp ngô, đôi con gà còn buộc cổ chân, con vịt nhà nuôi... ai ưng thì mua. Không mua vẫn có thể ngồi sà xuống chuyện trò cứ như lâu lắm rồi chưa gặp. Cả phiên chợ đượm mùi giản dị, dân dã của một miền quê.

Chẳng giống ở thành phố, chiều đến sau giờ làm về, tôi vội vàng tấp xe vào ven đường, vẫn đeo khẩu trang kín mặt, xe máy nổ lạch bạch. Tiếng chị bán hàng: “Gái yêu ơi, mua gì cho chị nào?”. -“Em 2 bìa đậu, một mớ rau muống đã nhặt, 40 nghìn thịt, nhé”. Lời yêu nói ra dễ dàng đến thế nhưng thực chất chưa một lần nhìn thấy mặt nhau, mua hàng vài ba năm cũng không biết tên.

Cuối tuần rảnh rỗi, tôi thường rủ chồng hoặc con qua siêu thị, hoặc trung tâm thương mại. Không gian thoáng đãng mang màu sắc hiện đại cùng với các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc khách hàng chu đáo; thậm chí còn có cả nơi dành cho trẻ em vui chơi. Hàng hóa được bày bán rất phong phú với chất lượng đảm bảo. Đi để ngắm nghía, khảo sát thị trường. Đi cho vui, cho biết. Đó chẳng phải là chỗ mua hàng ngày, lại càng không phải là thú vui.

- “Này, cháu bà Tươi hả, mới về hả cháu, chịu khó về quê chơi với các bà. Mấy lần về nữa là các ông, bà xuống dưới gặp các cụ đấy”, tiếng một bà cụ khiến tôi giật mình trở về với cảm xúc đang có.

Những câu nói này, ở thành phố tôi sẽ thấy phiền phức, khó chịu, thậm chí có lúc còn nghĩ thầm: thôi bà đừng bao đồng, cứ lo chuyện nhà mình đi.

Đã lâu lắm rồi tôi chẳng có dịp đi chợ quê, bởi thỉnh thoảng về thăm ông, bà; mắt trước mắt sau, quýnh quáng chào người này, hỏi người kia rồi vội vàng đi. Bà tôi mỗi năm một yếu, móm mém và lảng tai nặng. Bà không còn chọc cây trứng gà gom vài ba quả, nhặt dăm bó mùi, tỉa mấy nhánh dọc mùng ra chợ ngồi cho vui. Bà chỉ thích ngồi bậu cửa, nhìn ra xa, thỉnh thoảng huých mấy con gà đang mổ nhau, rồi “nhìn bọn trẻ lao xe máy như ăn cướp”. Ông tôi thì có cái thú vui tụm dăm ba ông bên ấm trà, đánh cờ hết ngày này qua ngày kia không chán.

Một năm trôi qua thật nhanh. Tôi có thể cà kê cả buổi sáng nói chuyện phiếm bên ly cà phê nhưng để phóng xe 30 phút về quê thì cứ ngại ngại. Ngại vì ông bà kiểu gì cũng giữ lại ăn bữa cơm, ngại gặp ai cũng phải trả lời rất nhiều câu hỏi, đại loại: Mày dạo này thế nào; Sao không cho bọn trẻ về đây; Dạo này béo lên, hử; Đã xây nhà lầu chưa?

Bố tôi giải đáp thắc mắc này: Con ăn cơm thành phố, uống nước qua máy lọc, quen nói những lời xã giao, lúc nào cũng cố gắng không làm phật lòng ai, nên nghe những lời chân quê mới khó chịu đến vậy. Nhưng kể cả con có là ông nọ bà kia, cũng cần nhớ, gốc rễ của mình là người quê, uống nước giếng, đi chợ làng...

Ngẫm lại, có những lúc tôi chợt tiếc và thấy mình vô tình bỏ đi rất nhiều điều giản dị, thô mộc và thật thà. Sau những va chạm, chao chát nơi phố thị, thảng hoặc tôi quay được về tuổi thơ, được rút ví mua thực phẩm lành sạch của bà con và nhận được cả những nụ cười móm mém, phúc hậu, bàn tay nhăn nheo ấm áp.

Buổi chợ quê ngày đông như được phả thêm hơi ấm, chỉ còn chút se se lạnh. Êm dịu và dễ chịu.

Trần Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]