(vhds.baothanhhoa.vn) - Tôi biết nói gì về việc mình tìm gặp Ngân được nhỉ?

Hai lẻ một

Tôi biết nói gì về việc mình tìm gặp Ngân được nhỉ?

Hai lẻ mộtMinh họa: Minh Chi

Việc tôi về Việt Nam thì cả làng này biết, đâu chỉ mình Ngân. Chỉ là không ai nghĩ tôi sẽ về. Mọi người nghĩ ở bên Mỹ thì ai cũng vô cùng bận rộn, nói gì đến một người nhập cư. Người nhập cư càng phải cố gắng gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp nhiều người bản địa, nếu không muốn bị đào thải… Hơn nữa, người mà tôi về chịu tang là bố vợ cũ của tôi. Đành rằng tôi và vợ cũ chẳng còn ràng níu gì, nhưng ông vẫn là ông ngoại của con trai tôi, và còn là thầy dạy tôi hồi tiểu học.

Người thầy ấy, mỗi khi tôi nhớ đến ông, là nhớ đến vuông sân gạch đỏ của lớp học, vốn được mượn tạm từ cái nhà kho của hợp tác xã. Cái sân gạch to đùng, nhưng một phần ba được che mát gần như quanh năm bởi một cây táo cổ thụ. Cây táo thơm thảo, mùa quả chín, nó hào phóng chia cho lũ học trò và trẻ trong làng những quả chín vàng thơm lựng, ngọt ngào. Dưới bóng mát cây táo, vào giờ ra chơi, lũ chúng tôi khoái nhất trò chơi Hai lẻ một. Có một cái ghế đẩu đặt trên sân gạch, cứ một tốp ba đứa chạy vòng quanh. Khi nào thầy An hô “Ngồi!” thì ba đứa xô vào ngồi. Chiếc ghế chỉ đủ chỗ cho hai đứa trẻ, đứa trẻ thứ ba chậm chân hay thiếu may mắn sẽ thua cuộc.

Ngân là đứa con gái duy nhất trong lớp luôn ở vào nhóm của tôi, bởi, chúng tôi ngồi cùng bàn, và lạ lùng làm sao, cả ba đứa tôi: tôi, Ngân và Đặng lại học giỏi nhất lớp, sau này còn nhất trường. Trong lần chơi nào, Đặng cũng luôn là đứa thứ ba, đứa lẻ bị bỏ lại. Mặc dù vậy, chẳng bao giờ cậu ấy buồn hay tị nạnh. Để động viên bạn, Ngân thường mời Đặng những quả táo chín mà cậu ấy nhanh chân nhanh tay nhặt được khi thầy An bảo: “Đến giờ rồi nhỉ, ta nghỉ giải lao chút nhé!”. Thời gian vào học, ra chơi, hết buổi đều phụ thuộc vào cái đồng hồ đeo tay của thầy. Lớp học của chúng tôi biệt lập với trường chính, nên tiếng trống chuyển tiết là câu chuyện xa xôi sau này mới thấy.

Bây giờ Ngân sống một mình trong ngôi nhà xây kiểu mới, không lộng lẫy hoành tráng nhưng đẹp và hiện đại.

“Tự mình kiếm được tiền và xây đấy”, Ngân nói, như để thanh minh.

Tôi lấy làm lạ lùng. Phải chăng Ngân đã quá quen với các cách hỏi, cách nghĩ của những người khác về việc một cô giáo còn độc thân, ngày đi làm đúng giờ hành chính, gia cảnh bình thường lại có tiền khủng để xây một ngôi nhà, mà không cần đến sự hỗ trợ của bất cứ ai, trong khi nhiều chị em khác, dựa vào nhan sắc, dựa vào chồng và cả… bồ, mới có tiền chưng diện. Ngân chưa có chồng và chỉ có ít nhan sắc.

"Đàn bà, bất hạnh nhất là xấu nhưng lại quá thông minh”, thầy An, bố vợ cũ của tôi đã có lần nói như vậy khi nhắc đến Ngân. Tôi không biết ông kết luận có phải dựa trên những chiêm nghiệm của cuộc đời, hay cảm thương cho đứa học trò xuất sắc, nhưng lại kém may mắn tình duyên, bởi hầu như đám con trai trong làng và cả những chàng trai Ngân gặp sau này đều không ai dám tán tỉnh. Có lẽ không phải vì Ngân không xinh, mà vì cậu ấy quá thông minh. Hồi ấy, thầy An bảo trời sinh ra Ngân và Đặng, hai người ấy phải cưới nhau mới phải.

Nhưng Đặng thích Hằng, người sau này trở thành vợ tôi. Hằng xinh, mũm mĩm, da trắng hồng, lúc nào trông cũng như đang ngại ngùng xấu hổ. Cô ta là một bông hồng ngậm sương đêm. Thật trớ trêu, nhan sắc luôn là quyền năng của phụ nữ. Mọi điều may mắn, mọi cơ hội tốt nhất chỉ dành cho những người đàn bà nhan sắc mà thôi.

Ba năm trước, một buổi chiều muộn Missouri, khi tôi đang lái xe về nhà, Ngân đã gửi một tin nhắn: “Cậu còn nhớ Đặng không? Hôm nay cậu ấy bị công an bắt, cậu ấy có thể đã giết người…”.

* * *

… Khi biết tôi và Hằng yêu và muốn cưới nhau, thầy An bảo: Nếu chọn một chàng rể tốt nhất cho mình, thầy sẽ chọn Đặng. Còn nếu chọn một người chồng tốt nhất cho con gái, thầy sẽ không chọn tôi.

Thầy An thương Đặng nhất. Thầy bảo người quá tốt thì không nên quá giỏi, vì cuối cùng sẽ chỉ luôn là mục tiêu để những kẻ xấu hãm hại.

Ở lớp học nhà kho, ba chúng tôi là ba đứa giỏi nhất. Vì cả ba đều giỏi ngang ngửa nên sẽ không đứa nào phải tham khảo ý kiến đứa nào, kể cả phương pháp giải những bài toán khó mà thầy An đặc biệt giao, nên cứ đến giờ kiểm tra, là cái bàn của chúng tôi thành ra láo nháo nhất. Ngân và Đặng luôn bận rộn với việc cho bạn học xem đáp án, cách giải bài kiểm tra, trong khi với tôi thì đừng hòng. Tôi sẽ không dễ gì chia sẻ thành quả của mình cho bất cứ ai, khi họ chẳng muốn bỏ tí công sức nào mà muốn hưởng thụ. Tôi không đồng tình cách làm của Ngân và Đặng. Cho bạn chép đáp án của bài kiểm tra là hại bạn.

Bây giờ, những đứa bị Ngân, Đặng “hại” năm xưa, đứa nào cũng có trang trại, nhà lầu, xe hơi. Cánh đồng làng trước đây thẳng cánh cò bay, nay um tùm cây ăn quả và chuồng trại, đều là của họ hết. Họ làm ăn khấm khá, ngày càng mở rộng quy mô. Mừng cho họ.

“Hồi đại học, có lần mình thấy cậu đang trả lời phỏng vấn trên ti vi”, Ngân rót cốc nước chè xanh mời tôi.

Tôi nhìn rất lâu màu chè xanh mát trong chiếc cốc thủy tinh. Nhớ hồi đó, ở đầu hè lớp học luôn có một nồi nước chè xanh và ba, bốn cái bát sứ Hải Dương thô thô, có cái còn méo miệng, vành bát chỉ trang trí những vạch sọc màu đỏ. Không rõ ai đã nấu nước chè cho thầy trò chúng tôi uống, và thầy An luôn bảo uống chè xanh bằng bát mới là đúng kiểu.

“Ừ, rồi sau đó mình sang Mỹ làm cho công ty đã trao học bổng cho mình ngày ấy”.

Nghĩa là, từ ngày đại học cho đến nay chúng tôi mới gặp nhau. Đúng ra, có một lần gặp trước đó qua tin nhắn mà Ngân đã gửi trong buổi chiều hôm nào: “Cậu còn nhớ Đặng không? Hôm nay cậu ấy bị công an bắt, cậu ấy có thể đã giết người…”.

Tôi đã không trả lời tin nhắn đó, Ngân cũng không gửi thêm tin nhắn nào. Chúng tôi im lặng như hơn hai mươi năm trước đã im lặng. Mặc dầu vẫn luôn theo dõi tình hình quê nhà qua một nhóm được lập trên mạng xã hội, nhưng tôi không kết bạn facebook, twitter với Ngân hay ai đó trong nhóm bạn bè hồi tiểu học ở quê. Có lẽ Ngân đã cố gắng tìm được tôi, chỉ để gửi cái tin nhắn đó, trong nỗi buồn, sự hẫng hụt và chênh chao. Lẽ ra, tin nhắn sẽ rơi vào tình trạng “chờ”, nhưng tôi đã đọc nó ngay khi được gửi đến.

Giá như tôi gửi lại cho Ngân một phản hồi, có thể đơn giản chỉ là hai từ: “Ừ, cậu”… nhưng tôi đã không làm. Những ngày ấy, trên nhóm “Hóng biến” ở quê, người ta rần rần chia sẻ cái clip ghi lại cảnh người nhà của cô gái bị Đặng hành hung khi trên đường về nhà từ khu công nghiệp đang gầm gào, la hét, đòi đốt nhà Đặng, đòi đánh chết Đặng. Người ta bàn tán về lời khai của Đặng, rằng anh ta đã rình, đợi thời cơ để giết cô gái trẻ ấy. Anh ta tấn công cô không phải vì yêu, cũng không mâu thuẫn tình cảm, thậm chí, cô ấy còn không quen thân gì với anh ta. Từ lâu, kẻ rắp tâm giết người này đã bị anh em họ hàng và xóm làng xa lánh...

Tôi lướt qua rất nhanh những clip ấy, vì không muốn tự làm phiền bản thân bởi những chuyện tiêu cực, nhưng trong sâu thẳm, tôi vẫn tự đặt câu hỏi về cô gái đồng hương. Cô ấy hiện vẫn đang hôn mê sâu, không biết sau này thế nào. Có rất nhiều chuyện đau lòng, chuyện hại và bị hại hàng ngày ở trên đời, nhưng cô gái ấy bị hành hung bởi người bạn học hồi tiểu học, người bạn cùng bàn, người bạn trong trò chơi “Hai lẻ một" của tôi. Đặng, người có đôi mắt to tròn, sáng rực, đến mức ai gặp cũng phải thốt lên: “Mắt sáng như sao”… ở tuổi bốn mươi, có thể đã giết một con người…

Ngày tôi và Hằng cưới nhau, cả Đặng và Ngân đều không có mặt. Ngân khi đó đang rất bận, vì đó là thời điểm quan trọng trong quá trình học tập của cậu ấy, là Ngân giải thích như vậy. Còn Đặng. Đặng không muốn gặp ai cả.

Thầy An, bố vợ tôi bảo: Những ngày mới về làng, Đặng cả ngày thơ thẩn ngoài bờ sông. Cậu bảo cậu suy nghĩ rất mông lung. Có quá nhiều điều hay ho ở trên đời, và dường như chúng trở nên quá tải cho não bộ của cậu.

Vì sao đang là thủ khoa của một trong những trường đại học sáng giá nhất cả nước, Đặng lại phải về quê? Cậu không vi phạm pháp luật, không nghèo đến mức không đủ tiền để tiếp tục theo học, nhưng giấc mơ làm khoa học của cậu đã phải tạm dừng một thời gian, và khi đó, cả làng, có lẽ chính Đặng nữa, không biết rằng nó sẽ dừng lại vĩnh viễn...

Sợi dây mỏng mảnh duy nhất kết nối chúng tôi chính là cái tin nhắn đã rơi vào im lặng của Ngân gửi cho tôi ba năm trước. Lẽ ra, Ngân đã có thể gửi cho tôi những tin nhắn khác, trước đó, kiểu như: “Vợ cậu ngoại tình”.

Ngân không học để trở thành giáo sư hay tiến sĩ cao siêu nào đó, mà chỉ khiêm tốn là một giảng viên của trường đại học. Vô tình, Hằng cũng làm việc tại ngôi trường ấy, ở bộ phận hành chính. Sau khi cưới, tôi sang Mỹ làm việc cho công ty đã trao học bổng cho tôi thời sinh viên, Hằng ở nhà sinh con, và trong khi đợi tôi hoàn tất thủ tục bảo lãnh vợ con sang Mỹ cùng, thì cô ta ngoại tình. Chuyện Hằng ngoại tình ai cũng biết, nhưng không ai nói gì với tôi, kể cả dưới dạng một tin nhắn…

Cái tin nhắn kia gửi cho tôi có chủ đích, không phải kiểu viết một tin và gửi cùng lúc cho nhiều người. Khoảnh khắc soạn tin và tìm được địa chỉ gửi cho tôi, hẳn trong lòng Ngân nhiều bấn loạn. Đặng, ngôi sao sáng nhất trong số ba ngôi sao nhỏ năm ấy, đã có một cuộc đời tẻ nhạt vì một ngã rẽ bất ngờ. Thanh xuân của cậu ấy đắm chìm trong nỗi buồn mênh mông của sự cô đơn đằng đẵng.

“Cậu… có muốn sang thăm Đặng không? Ý tớ là... nhà cậu ấy?”

Thầy An bảo, “chúng ta phải cứu lấy Đặng".

“Cậu ấy là một tài năng, một trí tuệ khác thường. Nhưng giống như khi người ta bước đi trên một chặng đường dài, đường càng dài, đi càng lâu thì tất có những biến cố bất ngờ xảy ra... nhiều khi chúng ta bỗng trở nên bối rối, ngớ ngẩn, không biết phải nên thế nào...". Ngân vừa nói, vừa thở mạnh, như thể cậu ấy đã học thuộc lòng những lời thầy An và nén nó thật lâu trong lòng, đã đợi chờ rất lâu, rất lâu để được nói ra. Tội ác của Đặng không thể biện minh bằng bất cứ lý lẽ gì, nhưng nếu cậu ấy được cứu, thì cô gái kia có thể không gặp họa...

Không ai cứu Đặng cả.

Cậu ấy cứ ngồi đó, trong căn nhà buồn bã cùng bố mẹ già ngày một héo hon vì đứa con sáng giá của họ bỗng dưng trở nên vô dụng, thừa thãi. Phần lớn không ai hiểu chuyện gì xảy ra với Đặng. Tôi cũng ở trong phần lớn ấy. Tôi không biết cậu ta đã gặp chuyện gì, vì sao đang học giỏi, sáng láng như thế, cậu ta lại “phát điên”. Những người làng thì có vẻ an tâm hơn vì đứa con hay cháu của họ học dốt. Học dốt, hay ít ra là đừng giỏi quá sẽ an toàn. “Học làm gì cho lắm, như anh Đặng ấy, phát điên kia kìa”. Họ nói với nhau như thế, và họ tin như thế.

Có thể chính Đặng cũng không muốn tự cứu mình.

"Ngày xưa, nếu Đặng không yêu Hằng, thì tớ sẽ cưới cậu ấy”.

Ngân nói, và nhìn tôi cười, như vừa hờn giận, vừa tiếc nuối.

Ngôi nhà Đặng sống những năm tuổi trẻ buồn bã trước khi gây tội ác, ba năm nay nó đã thành nhà hoang. Cỏ mọc um tùm lấn cả vào kẽ hở của những vuông gạch đỏ. Tôi và Ngân đứng nhìn nó qua bức tường bao thấp và bị ai đó phá, đẽo rồi lấy đi những viên gạch. Có nhiều hoa trong vườn, hoa cúc, hoa huệ... tất cả chúng đều tự mọc, tự nở, tự tàn...

Một cái ghế gỗ kiểu đơn giản, thô mộc bị nắng mưa phai bạc đứng lặng lẽ ở góc sân, nơi bóng mát của một cây lựu cảnh. Ai đó đã để nó ở đó, hay Đặng đã dùng nó để suy tư trong những ngày tháng qua. Chỉ là, nó gợi tôi nhớ đến trò “Hai lẻ một” năm nào dưới gốc táo cổ thụ của sân kho hợp tác xã. Sau mỗi lần vui chơi, dù là kẻ thua hay người thắng, thì tất cả đều được cây táo hào phóng chia đều những quả chín của nó. Những quả táo chín vàng, thơm lựng...

Truyện ngắn của Phạm Thanh Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]