(vhds.baothanhhoa.vn) - Mùa hoa xà cừ nở cũng đúng vào mùa phượng cháy, mùa hoa bằng lăng tím lịm trên những con đường, nên nó ít được chú ý là điều đương nhiên. Nhưng với tôi, lúc nào cũng thế, hoa xà cừ, mùi thơm nhè nhẹ từ những sắc hoa li ti ấy luôn có một chỗ đứng trong lòng. Nó nhắc tôi về hương xưa, người cũ, về đức hy sinh và sự thủy chung.

Hương xưa xà cừ

Mùa hoa xà cừ nở cũng đúng vào mùa phượng cháy, mùa hoa bằng lăng tím lịm trên những con đường, nên nó ít được chú ý là điều đương nhiên. Nhưng với tôi, lúc nào cũng thế, hoa xà cừ, mùi thơm nhè nhẹ từ những sắc hoa li ti ấy luôn có một chỗ đứng trong lòng. Nó nhắc tôi về hương xưa, người cũ, về đức hy sinh và sự thủy chung.

(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Tôi lớn lên cây xà cừ đã có rồi. Đó là cặp xà cừ hoa, thân thẳng đứng, vươn cao um tùm tỏa bóng mát ngay sau vườn nhà che những vạt nắng tây ngày chói chang. Tôi thích cặp xà cừ ấy vì nghe nói bố đem giống từ một vườn ươm nào đó xa lắm về trồng.

Bố công tác trong ngành lâm nghiệp, đi biền biệt, mẹ ở nhà nuôi chúng tôi lớn lên. Mỗi lần bố về nhà thường đem theo cây, con gì đó, có khi là một bộ da sóc đã nhồi bông. Bố nâng niu và ngắm nhìn khi chúng được treo lên tường hoặc cẩn thận đặt trong khung kính của chiếc tủ ly ở gian chính giữa ngôi nhà. Bố là một kỹ sư lâm sinh yêu nghề. Nơi nào có đất bố đều muốn có sự hiện diện của cây. Cây lớn lên theo năm tháng và tuổi trẻ của bố cũng dặm dài sải bước khắp những cánh rừng đông Trường Sơn. Bố tự hào vì mình được gắn bó với rừng, sống cùng đại ngàn bao la và hùng vĩ...

Có những lần bố viết thư hẹn về nhưng rồi chờ mãi mẹ vẫn không nghe thấy tiếng đằng hắng quen thuộc của người từng sốt rét rừng nơi đầu ngõ. Mẹ biết bố lại có công việc đột xuất. Nghề lâm nghiệp phải sống với rừng, thức cùng rừng. Cả bố và mẹ đều xác định cho mình điều đó. Ngày bố tìm hiểu mẹ cũng là khi một cô giáo làng có nhiều người để ý. Nhiều người dèm pha rằng chỉ dại mới lấy kỹ sư lâm nghiệp, địa chất, tối ngày ăn ngủ với rừng, sốt rét và ốm đói. Mẹ nghe, nhưng không thay đổi quyết định. Mẹ chọn bố, cũng chính là chọn một tình yêu với rừng. Có lần mẹ lên thăm đúng dịp bố tham gia đoàn công tác đi điều tra rừng. Mẹ chờ cả tuần nhưng bố vẫn chưa quay về đơn vị lâm sinh. Nghề điều tra rừng là thế. Khi vào rừng không thể hẹn chính xác ngày quay ra.

Cặp xà cừ trồng trong vườn nhà, như bố nói là để sau này cây lớn lên dùng để đóng bộ bàn ghế sa lông đẹp như của nhà hàng xóm. Nhưng đến khi đủ lớn, tôi hiểu phần nào ý tứ của bố. Mỗi lần nhớ bố, mẹ lại dẫn tôi ra gốc cây xà cừ. Mẹ mắc lên đó chiếc võng, hai mẹ con cùng nằm. Mẹ nhìn lên ngọn cây, những tán lá xà cừ xum xuê, dường như không muốn chớp mắt. Có lẽ đó là một cách để giải tỏa nỗi nhớ. Nhiều người phụ nữ trước kia chọn cách biểu đạt tình cảm rất lạ lùng, thường nuốt vào trong lòng mình những điều mà đáng lẽ phải nói ra. Đó là sự hy sinh để người đi xa yên tâm làm nhiệm vụ. Đó cũng là một cách để tiếp thêm nghị lực cho chính mình. Bố mẹ hiểu nhau và cặp xà cừ bố đem về trồng trong vườn nhà là thế. Nhớ bố, mẹ lại nhìn vào cây xà cừ để nguôi ngoai, để thêm yêu, thêm tin vào người chồng của mình vì yêu cầu của đất nước nên cứ mãi biền biệt xa nhà. Điều đó vượt hẳn lên giá trị trồng cây để lấy gỗ đóng bộ sa lông như bố nói.

Tôi gắn bó với cặp xà cừ trong vườn sau nhà suốt mười mấy mùa hoa. Cho đến khi tôi đi học xa, rồi lập nghiệp ở thành phố và sau đó bố, mẹ cũng lần lượt thành người thiên cổ. Căn nhà cũ được nhượng bán khi mà cặp xà cừ vẫn còn trong vườn. Bố mẹ không nỡ hạ cây xuống để lấy gỗ đóng bộ sa lông như vẫn thường nói, bởi đó là kỷ niệm. Nhưng khi mà nhà cũ gắn tên với người chủ mới, cặp xà cừ ngay lập tức bị đốn hạ. Chủ nhân mới nói rằng để cặp xà cừ ấy làm gì cho cớm đất vườn ra. Cặp xà cừ ấy chẳng gắn với kỷ niệm nào của họ cả, nên chặt hạ là điều đương nhiên. Họ cần mảnh vườn tráng nắng để trồng những cây trồng mới có giá trị kinh tế cao hơn. Tôi cứ thẫn thờ người mỗi khi có việc đi qua căn nhà cũ. Không còn những tán lá sum suê và những bông xà cừ li ti thoảng hương trong những ngày tháng sáu.

(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Khu phố tôi sống cũng có nhiều cây xà cừ cổ thụ. Những cây xà cừ hỗn lá cứ sau vài năm lại phải cắt tỉa cành. Những người qua đường và ngay cả nhiều người trong khu phố chỉ nhìn thấy cây lớn lên, lá mọc nhanh ra rồi cùng tán thưởng về độ che nắng, chắn bão của những cây xà cừ, nhưng ít ai để ý đến những mùa hoa xà cừ ngay trên khu phố. Một mùi hương nhè nhẹ trong cái nắng chói chang tháng sáu, tháng bảy tỏa ra từ những bông xà cừ nấp mình trong tán lá dày, rồi sau đó rắc những hạt li ti, mịn màng xuống đường phố.

Mùa hoa xà cừ nở cũng đúng vào mùa phượng cháy, mùa hoa bằng lăng tím lịm trên những con đường, nên nó ít được chú ý là điều đương nhiên. Nhưng với tôi, lúc nào cũng thế, hoa xà cừ, mùi thơm nhè nhẹ từ những sắc hoa li ti ấy luôn có một chỗ đứng trong lòng. Nó nhắc tôi về hương xưa, người cũ, về đức hy sinh và sự thủy chung.

Lam Vũ


Lam Vũ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]