(vhds.baothanhhoa.vn) - Những ngày này, vườn cây mắc ca của gia đình ông Hà Văn Thính, bản Chong, xã Thiên Phủ (Quan Hóa) đang bước vào mùa thu hoạch. Gia đình ông Hà Văn Thính là hộ đầu tiên của xã Thiên Phủ đưa cây mắc ca về trồng thay thế cho các loại cây trước đây không mang lại hiệu quả.

Về thăm Thiên Phủ

Những ngày này, vườn cây mắc ca của gia đình ông Hà Văn Thính, bản Chong, xã Thiên Phủ (Quan Hóa) đang bước vào mùa thu hoạch. Gia đình ông Hà Văn Thính là hộ đầu tiên của xã Thiên Phủ đưa cây mắc ca về trồng thay thế cho các loại cây trước đây không mang lại hiệu quả.

Về thăm xã Thiên PhủVườn cây mắc ca của gia đình ông Hà Văn Thính, bản Chong, xã Thiên Phủ.

Đưa cây trồng mới lên vùng đất Thiên Phủ

Dẫn chúng tôi tham quan vườn mắc ca xanh tốt, quả lúc lỉu, ông Hà Văn Thính chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi chủ yếu trồng luồng, ngô, lúa. Tình cờ tôi tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, thấy nhiều người trồng mắc ca đã thành công. Nhà có sẵn đất đồi, nên tôi vừa tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc, rồi tìm địa chỉ uy tín mua cây giống. Tôi cũng sang các vườn trồng mắc ca ở Như Xuân, Thạch Thành để tìm hiểu thực tế về cây mắc ca và học hỏi kinh nghiệm. Năm 2015, tôi bắt đầu trồng thí điểm 200 cây. Nhờ công chăm sóc, áp dụng kỹ thuật nên cây mắc ca phát triển tốt, đến năm thứ 4 cho thu hoạch. Tôi nhận thấy loại cây này phù hợp với đất, khí hậu ở Thiên Phủ nên mở rộng thêm diện tích. Đến nay gia đình tôi có hơn 400 cây mắc ca. Năm 2022, vườn mắc ca cho thu hoạch 2 tấn quả, giá bán 40.000 đồng/kg quả tươi. So với cây trồng khác thì mắc ca cho năng suất và giá cả cao hơn, lại có đầu ra ổn định. Vừa bán quả mắc ca tươi, tôi đầu tư thêm máy sấy, máy cắt, máy hút chân không, để tạo ra sản phẩm, giá cao hơn so với bán quả thô”.

Nhìn thấy gia đình ông Hà Văn Thính trồng cây mắc ca mang lại hiệu quả nên nhiều hộ dân ở các bản khác trên địa bàn xã Thiên Phủ đã học hỏi và trồng mắc ca. Đến nay, toàn xã có hơn 20 hộ trồng mắc ca với tổng diện tích hơn 7ha. Mong muốn của các hộ trồng mắc ca là thành lập HTX Nông – Lâm nghiệp xã Thiên Phủ để giúp bà con tiêu thụ, giới thiệu, quảng bá sản phẩm địa phương, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập.

Việc người dân chuyển đổi từ diện tích trồng cây kém hiệu quả sang trồng mới cây mắc ca mang lại năng suất, giá trị kinh tế cao, phù hợp đất đai, khí hậu ở Thiên Phủ là nằm trong định hướng phát triển kinh tế của cấp ủy, chính quyền địa phương. Những năm qua, xã Thiên Phủ chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để trồng cây lúa lai, cây ăn quả, rau màu các loại. Hiện nay, xã Thiên Phủ có 110ha trồng cây lúa nước, chủ yếu lúa lai, năng suất ước đạt 55,5 tạ/ha/vụ. Thiên Phủ là một trong các xã có diện tích trồng cây lúa nước nhiều nhất của huyện Quan Hóa. Xã còn có 71ha trồng cây ngô vụ đông, 90ha trồng ngô vụ xuân. Diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao từ năm 2020 đến 2023 là 33,14ha. Diện tích rừng luồng toàn xã hơn 2.600 ha, cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn xã, huyện. Hiện nay, xã Thiên Phủ có 3 cơ sở chế biến lâm sản, thu mua, chế biến, tiêu thụ lâm sản như đũa, nan thanh… cho người dân trong vùng.

Tận dụng tiềm năng, thế mạnh về diện tích đất tự nhiên, xã Thiên Phủ cũng phát triển đàn gia súc, gia cầm. Hiện nay, toàn xã có hơn 1.500 con trâu, bò, lợn và gần 12.000 con gia cầm.

Nỗ lực xây dựng xã đạt chuẩn NTM

Xã Thiên Phủ có 792 hộ, hơn 3.700 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, Mường, Kinh… Xã có tuyến Quốc lộ 15C qua 4 bản và là tuyến đường huyết mạch lên huyện Mường Lát, 1 tuyến đường liên thôn Na Sao – Dồi - Bâu chạy qua 3 bản nối liền địa phận huyện Quan Sơn. Xã Thiên Phủ có 7 bản, trong đó có 4/7 bản đạt chuẩn NTM.

Ông Nguyễn Văn Thao, Chủ tịch UBND xã Thiên Phủ cho biết: Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, cấp ủy, chính quyền địa phương đã triển khai, quán triệt các chủ trương, tiêu chí về XDNTM đến toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong xã và được Nhân dân đồng thuận cao. Giai đoạn 2020-2023, được sự quan tâm của nhà nước về hỗ trợ xi măng kích cầu để làm đường giao thông nông thôn, các bản tuyên truyền, vận động Nhân dân chung tay cùng chính quyền về xây hệ thống giao thông nông thôn gắn với nâng cao chất lượng tiêu chí NTM. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng huy động nguồn lực cho chương trình XDNTM của xã là 5.591 triệu đồng, đầu tư xây dựng các hạng mục công trình trên địa bàn xã như sửa chữa, xây dựng hệ thống mương tưới tiêu, đường giao thông nông thôn, xây dựng sân vận động xã. Ngoài ra, cộng đồng dân cư đóng góp ngày công, hiến đất, hiến cây…với tổng số tiền 83 triệu đồng.

Qua rà soát, đánh giá, đến cuối tháng 7-2023, xã Thiên Phủ đạt 7/19 tiêu chí theo Quyết định 318/QĐ-TTg về Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài 7 tiêu chí đã đạt, xã Thiên Phủ có khả năng hoàn thành 10 tiêu chí năm 2023; riêng 2 tiêu chí thu nhập và nghèo đa chiều là khá khó khăn. Nguyên nhân chính vì Thiên Phủ là xã miền núi nghèo, xuất phát điểm XDNTM thấp; dân trí không đồng đều; địa hình rộng, đồi, núi, khe, suối nhiều; tập quán sinh hoạt, sản xuất, chăn nuôi lạc hậu, manh mún, nội lực của địa phương và của người dân khó khăn, hạn chế…

“Giải pháp của địa phương đối với tiêu chí thu nhập và nghèo đa chiều đó là, tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, tạo điều kiện cho Nhân dân, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế; chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đặc biệt, tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện, hướng dẫn Nhân dân trong độ tuổi lao động đi làm ăn ngoài huyện, ngoài tỉnh và tham gia xuất khẩu lao động. Hướng dẫn tạo điều kiện cho Nhân dân tiếp cận khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị để các hộ dân được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi… Từ đó, đẩy nhanh quá trình XDNTM, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Thiên Phủ lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025”, ông Nguyễn Văn Thao nhấn mạnh.

Bà Hà Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa cho biết: "Nhờ sự nỗ lực quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng thuận, chung sức của người dân, cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã Thiên Phủ từng bước được quan tâm đầu tư hoàn thiện, sản xuất đã có những chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng lên. Năm 2023, xã Thiên Phủ đang nỗ lực “về đích” NTM. Tuy nhiên, hiện nay xã Thiên Phủ khó khăn trong thực hiện tiêu chí như tỷ lệ nghèo đa chiều, thu nhập,… Đây đều là những tiêu chí khó đối với các xã miền núi nghèo. Huyện Quan Hóa đặc biệt quan tâm lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án khác để tập trung ưu tiên cho xã Thiên Phủ XDNTM. Đồng thời chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi; triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đến Nhân dân, tạo sự đồng thuận của Nhân dân trong XDNTM. Với tiềm năng lợi thế của địa phương và tinh thần quyết tâm của cán bộ và Nhân dân trong xã, tin tưởng xã Thiên Phủ sẽ xây dựng thành công xã NTM trong thời gian tới, góp phần cùng Đảng bộ và Nhân dân huyện Quan Hóa thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quan Hóa lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025 và phấn đấu đến năm 2025 Quan Hóa thoát khỏi huyện nghèo, đến năm 2030 trở thành huyện khá của khu vực miền núi".

Bài và ảnh: Huấn Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]