"Xen canh” và “gối vụ”
"Xen canh” và “gối vụ” là hai phương thức canh tác cổ truyền, đã có từ lâu đời. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu chính xác nghĩa của hai từ này, kể cả các nhà biên soạn từ điển.
XEN CANH
Sách Từ điển từ và ngữ Việt Nam (GS. Nguyễn Lân - NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh) giảng: “xen canh: nói trồng vài ba thứ cây vào cùng một lúc, vào một nơi (trồng xen canh ngô và lạc)”.
Cách giảng trên đây chưa chính xác. Khi thực hiện kĩ thuật xen, người ta thường trồng xen cây này với cây kia (chỉ hai loại), và không hẳn phải “trồng cùng một lúc”. Mặt khác, đã gọi là xen là nói đến cách trồng có xác định cây chính (chiếm tỉ lệ nhiều) và cây phụ (cây trồng xen vào, chiếm tỉ lệ ít). Nếu trồng “vài ba thứ cây” mà không phân biệt chính phụ, không theo hàng lối như cách giải thích của từ điển, thì đó là “hỗn canh” chứ không phải xen canh. Ví dụ, khi xen canh lạc với mía hoặc cà phê, thì mía, cà phê được xác định là cây trồng chính, lạc là phụ. Mục đích trồng xen là dùng cây phụ để tận dụng đất, ánh sáng giữa hai hàng cây chính (khi cây chính chưa khép tán) và tận dụng loại dinh dưỡng mà cây chính ít cần đến. Trong quá trình này, cây phụ lại góp phần chống xói mòn, cải tạo đất cho cây trồng chính. Cách trồng xen cây ngắn ngày với dài ngày không dứt khoát phải “trồng cùng một lúc”, mà có thể chủ động theo thời vụ của cây trồng xen. Khi trồng xen ngô với lạc, thì lạc là cây chính, ngô là cây phụ (Viết “Trồng xen ngô và lạc” là không phân biệt cây nào là chính, cây nào là phụ). Ngô được trồng thành hàng theo rãnh của luống lạc để tận dụng đất trống và thứ dinh dưỡng mà ngô cần, lạc không cần. Đặc biệt, ngô sẽ tận dụng được nguồn ánh sáng dồi dào vì ngô cao, lạc thấp. Ngô lạc đều là cây ngắn ngày, có thời gian sinh trưởng tương đương nên trong trường hợp này, người ta mới “trồng cùng một lúc” để tiện chăm sóc và thu hoạch.
Trường hợp trồng xen lạc với cây ăn quả (ví như nhãn, vải) thì không có chuyện trồng cùng một lúc. Bởi trong khoảng 2 - 3 năm đầu, khi nhãn, vải chưa khép tán, thì cứ đến vụ lạc người ta lại trồng xen. Mặt khác, người ta chỉ trồng xen khi hai loại cây trồng khác nhau về đặc điểm sinh trưởng, nhu cầu về ánh sáng, dinh dưỡng... Nếu trồng hai loại cây giống nhau về đặc điểm sinh trưởng (ví dụ cùng là cây thân mộc, cây lấy gỗ) thì gọi là trồng hỗn giao. Như thế, “xen canh” phải được hiểu là biện pháp kỹ thuật mà trên cùng một diện tích, người ta canh tác hai loại cây trồng khác nhau về đặc điểm sinh trưởng, có xác định cây chính, cây phụ, nhằm tận dụng diện tích, ánh sáng, dinh dưỡng, để có thêm sản phẩm thu hoạch.
GỐI VỤ
Cũng Từ điển từ và ngữ Việt Nam, mục gối vụ được soạn giả giải thích là “Nói nhà nông làm lấn sang vụ sau, trong khi chưa xong hẳn vụ này. Nông dân phải gối vụ để tăng sản lượng”. Từ điển tiếng Việt (Văn Tân chủ biên) có cách giải thích tương tự: “gối vụ: Làm lấn sang vụ sau khi chưa xong hẳn vụ này để tăng vụ”.
Giải thích như vậy là ngược. Phải hiểu là vụ sau gối vào vụ trước, mới đúng. Nghĩa là khi vụ trước chưa xong thì đã triển khai vụ sau. Ví dụ, trồng cài một loại cây thứ hai vào diện tích hoa màu đã thành thục, sắp cho thu hoạch. Cách gối vụ này dựa trên nguyên tắc: cây trồng vụ trước sắp kết thúc chu kỳ sinh trưởng, ít có nhu cầu dinh dưỡng, không sợ bị cây trồng gối cạnh tranh. Trong khi đó, cây trồng gối là loại cây chịu được bóng trong giai đoạn đầu sinh trưởng. Ví dụ, trồng gối khoai lang, cà chua, rau đậu vào khoảng cách giữa hai luống ngô, khi ngô còn khoảng 15 - 20 ngày nữa là thu hoạch.
Còn có cách “gối vụ” là chuẩn bị ươm mầm cây giống, phân bón, để khi vụ trước vừa xong, thì gối ngay vào. Ví như, để trồng ngô đông trên đất hai vụ lúa, người ta gieo sẵn hạt ngô vào bầu trước khi trồng tới cả tuần. Đến vụ gặt mùa, thu hoạch lúa phía trước, cày ngay đất phía sau, rải phân bón đã chuẩn bị sẵn đầu bờ ruộng và đưa bầu ngô ra trồng. Những năm trước, “Sáng lúa, chiều ngô” chính là khẩu hiệu “gối vụ” của nhà nông, nghĩa là: buổi sáng đang là ruộng lúa, buổi chiều đã thành ruộng trồng ngô. Bằng cách làm này, cây ngô đông đã gối lên vụ trước được tới cả chục ngày. Theo đây, gối vụ phải được hiểu là trồng tiếp ngay một vụ cây khác trên cùng một diện tích đang trồng vụ cây sắp đến lúc thu hoạch.
Cũng cần phải nói thêm, ở mục gối vụ, soạn giả từ điển không chỉ thiếu am hiểu về sản xuất nông nghiệp, mà còn mắc thêm lỗi dùng từ, diễn đạt. Bởi, “gối” khác với “lấn”. Gối là một phần cái này gối, gác lên cái kia, sao cho trong cùng một không gian hoặc thời gian có hạn, người ta sắp xếp, bố trí được nhiều vụ gieo trồng. Trong khi “lấn” lại là cái này chiếm chỗ của cái kia, một mất một còn; có cái này thì không có cái kia. Nếu nói vụ trước “lấn sang vụ sau” có nghĩa thời gian của vụ trước bị kéo dài, gây ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai vụ sau, thì không thể gọi là “gối vụ để tăng sản lượng” được.
Mẫn Nông (CTV)
{name} - {time}
-
2024-11-24 16:45:00
Phụ nữ Thái giữ gìn bản sắc dân tộc
-
2024-11-24 13:15:00
Những bản đúc nổi trên 9 đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế là Di sản tư liệu thế giới
-
2023-12-25 13:00:00
♦ Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 25-12-2023
Xác lập kỷ lục Việt Nam với 100 món ăn chế biến từ khoai lang Bình Tân
Đạo diễn phim huyền thoại “Biệt động Sài Gòn” qua đời ở tuổi 87
♦ Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 24-12-2023
[Podcast] Truyện ngắn: Giấc mơ mùa giáng sinh
Năm 2023, Thường Xuân đón trên 200 nghìn lượt khách tham quan
“Thân thích”, “thân thiết” và “thiết thân”
♦ Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 22-12-2023
Lặng lẽ Đa Sỹ
Lượng khách đến Thành nhà Hồ tăng cao so với cùng kỳ