(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau bữa cơm trưa, tôi nghe mẹ nói bâng quơ: “Dịch bệnh thế này, chắc là không họp”. “Họp gì hả mẹ?”, tôi hỏi. “Thì họp các cụ đấy con, đến giờ này vẫn không thấy thông báo trên loa như mọi năm”. Tôi chợt nhớ, hôm nay là Ngày quốc tế người cao tuổi (1-10). Ngày được Liên Hợp Quốc lựa chọn nhằm tuyên truyền cổ động cho việc quan tâm, chăm sóc và bảo vệ người cao tuổi trên khắp thế giới.

Yêu thương khi còn… có thể

Sau bữa cơm trưa, tôi nghe mẹ nói bâng quơ: “Dịch bệnh thế này, chắc là không họp”. “Họp gì hả mẹ?”, tôi hỏi. “Thì họp các cụ đấy con, đến giờ này vẫn không thấy thông báo trên loa như mọi năm”. Tôi chợt nhớ, hôm nay là Ngày quốc tế người cao tuổi (1-10). Ngày được Liên Hợp Quốc lựa chọn nhằm tuyên truyền cổ động cho việc quan tâm, chăm sóc và bảo vệ người cao tuổi trên khắp thế giới.

Yêu thương khi còn… có thể

Hãy dành sự quan tâm, chăm sóc cho ông bà, cha mẹ khi chúng ta còn có thể.

Theo thống kê, năm 2020 số người cao tuổi ở Việt Nam (trên 65 tuổi) là khoảng 7,4 triệu, chiếm 7,7% tổng dân số cả nước.

Chúng ta vẫn thường nhắc đến mô hình gia đình Việt truyền thống. Ở đấy là “Tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường” với nhiều thế hệ cùng nhau chung sống dưới một mái nhà. Trong đó, ông bà, cha mẹ không chỉ nuôi dạy cháu con nên người, còn là “điểm tựa” tinh thần để duy trì giá trị văn hóa truyền thống của gia đình. Đến chơi những gia đình có nhiều thế hệ cùng sinh sống, không khó để bắt gặp hình ảnh “nền nếp” gia phong được giữ gìn, coi trọng, từ lời ăn tiếng nói đến cách ứng xử.

Tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển, mô hình gia đình “Tam đại, tứ đại” dần ít đi. Thay vào đó là những gia đình “hạt nhân” với cha mẹ và con cái chiếm số lượng lớn. Nhưng không vì thế mà ta quên đi trách nhiệm với ông bà, cha mẹ của mình. Tuổi thơ của chúng ta, chẳng phải đã lớn lên trong tình yêu thương của ông bà, cha mẹ.

Tôi chợt nhớ bà nội mình. Khi chị em tôi đang học phổ thông, bà nội chẳng may bị tai biến phải nằm một chỗ. Đồng nghĩa với việc mọi sinh hoạt, ăn uống đều phải có người hỗ trợ. Tuy bà nội không thể đi lại, cử động bình thường nhưng đầu óc lại minh mẫn. Có lẽ vì thế, thi thoảng tôi thấy Nội mình khóc, có lẽ bà mặc cảm bởi sự bất tiện. Nhưng bố mẹ tôi thì khác, chăm sóc bà bằng tất cả trách nhiệm, tình yêu thương. Mẹ tôi thường nói, con người ta “sống chết có số”, bà nội bị như thế đã là rất khổ, con cháu không thể khiến bà suy nghĩ thêm. Mỗi người sống trên đời không thể làm những việc “thẹn” với lòng. Và sau nhiều năm phải nằm một chỗ, ở tuổi ngoài 80 bà nội tôi đã về với tiên tổ. Sau đám tang bà, mẹ tôi nhẹ nhàng: “Lo hậu sự cho bà xong, mẹ thấy lòng mình thanh thản”!

Tôi cũng nhớ bà ngoại mình. Khi ba chị em tôi còn nhỏ xíu, nhà nghèo. Mỗi lần bà tôi đi chợ hôm (chợ buổi chiều) về trên tay cầm chiếc làn cói cũ kĩ, kiểu gì bà cũng “dấm dúi” cho chúng tôi hôm thì mấy quả mận, hôm vài chiếc kẹo mấu đùm trong lá chuối. Tôi nhớ bà ngoại mình thích ăn bánh đậu xanh vô cùng. Vậy nhưng khi tôi có thể tự dùng tiền mình kiếm được để mua cho bà hộp bánh ngon nhất, thì ngoại đã không còn trên cõi đời!

Tuy nhiên, “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, không ít trường hợp người cao tuổi bị chính cháu con của mình bạo hành, bỏ bê. Những câu chuyện đau lòng đưa lên truyền thông, mạng xã hội khiến người có lương tri không khỏi xót xa. Và khi ấy xã hội lại gióng lên những hồi chuông về đạo đức, tình người.

Nghĩ lại, khi ta còn là những đứa trẻ, lớn lên nhờ sự chăm sóc và tình yêu thương của cha mẹ, ông bà. Vậy thì cớ gì, khi chính những người thân yêu của chúng ta cần đến sự chăm sóc của con cháu, không ít trường hợp lại coi đấng sinh thành như là gánh nặng?. Chúng ta đi chùa, lễ Phật nhưng có một điều răn dạy có lẽ không thể quên: “Trăm điều thiện chữ hiếu đứng đầu”. Và đã là người Việt, có ai không biết đến câu “Uống nước nhớ nguồn”.

Nhờ có ông bà, cha mẹ mới có ta sinh ra trên cõi đời này. Cũng nhờ họ mà ta mới có thể lớn khôn. Khi ta trưởng thành, có cuộc sống của riêng mình cũng đồng nghĩa cha mẹ, ông bà sẽ già đi, tuổi ngày một lớn, sức khỏe suy giảm cần được con cháu quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng. Là đồng quà tấm bánh mỗi lần đi xa trở về, hay hành động xoa vai, bóp chân mỗi khi trái gió trở trời; một vài lời động viên, hỏi han cũng sẽ khiến người già thấy mình được quan tâm.

Đã từng nghe ở đâu đó, người già sợ nhất sự cô đơn. Cô đơn khi phải sống một mình, cô đơn khi không có người trò chuyện và đáng sợ nhất là cảm giác cô đơn trong những năm tháng cuối cuộc đời. Mà con người, có ai lại không già. Khi còn trẻ, ta kiếm tìm sự mới mẻ, tự do. Nhưng về già rồi, được sống cùng với những người thân, dưới mái nhà ấm êm mới là vẹn tròn hạnh phúc.

Vậy nên, khi còn có thể, mỗi người trẻ chúng ta, trong những bộn bề cuộc sống, xin hãy đừng quên dành tình yêu thương cho ông bà, cha mẹ của mình.

Khánh Lộc


Khánh Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]