(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Bữa cơm gia đình với nhiệm vụ quan trọng là gắn kết các thành viên trong gia đình, xây dựng mối quan hệ bền chặt và nâng cao hạnh phúc gia đình. Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương cũng chính là chủ đề cho Ngày gia đình Việt Nam năm nay (28/6).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bữa cơm gia đình ấm áp, yêu thương

(VH&ĐS) Bữa cơm gia đình với nhiệm vụ quan trọng là gắn kết các thành viên trong gia đình, xây dựng mối quan hệ bền chặt và nâng cao hạnh phúc gia đình. Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương cũng chính là chủ đề cho Ngày gia đình Việt Nam năm nay (28/6).

“Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” sẽ được phát động vào đúng Ngày Gia đình Việt Nam trong khung giờ từ 17h-19h ngày 28/6/2017, tiếp tục giáo dục cho các thành viên trong gia đình nhận thức được giá trị của những giây phút sum họp bên bữa cơm gia đình, từ đó giáo dục trách nhiệm của mỗi thành viên trong xây dựng gia đình đầm ấm, hạnh phúc; khẳng định ý nghĩa của bữa cơm gia đình đó là thành quả lao động của các thành viên trong gia đình, là nơi truyền đạt những kinh nghiệm giáo dục, đạo đức, lối sống trong gia đình... Đặc biệt, thông qua bữa cơm gia đình có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển, hình thành nhân cách con trẻ.

Nói đến bữa cơm gia đình làm chúng ta nhớ đến một câu nói dễ đã thành quen “Tối nay ăn gì?”. Trong thời buổi hiện nay, bữa tối dường như mới là bữa chính, có sự sum họp đầy đủ của các thành viên trong gia đình. Tối nay ăn gì? Một câu hỏi như một sự nhắc nhở, sự quan tâm, như “đánh thức” trách nhiệm của những người làm chủ gia đình mà trong đó không thể thiếu vai trò của người phụ nữ. Bữa tối bao giờ cũng tươm tất hơn, bận rộn hơn và vui hơn là vì thế.

(Ảnh minh họa từ Internet)

Câu chuyện về những bữa cơm ở gia đình bà Lê Thị Đề, thôn 8, xã Định Liên (Yên Định) khiến cho chúng ta thật sự xúc động. Gia đình bà Đề là gia đình văn hóa nhiều năm của xã. Ông bà vốn là bộ đội phục viên. Hiện ở với ông bà là vợ chồng người con út và đứa cháu nội 4 tuổi. Con trai và con dâu đi làm công nhân, cháu nội thì đi học mầm non bán trú. Do buổi trưa vợ chồng con út không về được nên buổi tối cả gia đình bà Đề mới có thời gian để có một bữa cơm gia đình. “Thường nếu các cháu không làm tăng ca thì khoảng 5h là cả 2 đứa có mặt ở nhà. Các cháu ăn chung với vợ chồng tôi mà tôi cũng không muốn các cháu ăn riêng vì như vậy sẽ rất buồn. Có hôm 8h tối 2 đứa đi làm mới về thì vợ chồng tôi vẫn đợi cơm để cùng ăn. Thành nếp rồi, không thay đổi được”, bà Đề chia sẻ.

Một bữa cơm có đầy đủ các thành viên mà ở đó để mọi người hỏi han, chuyện trò về công việc, học tập, về điều chỉnh uốn nắn những hành vi của con cháu... Tuy nhiên, dường như cuộc sống càng hiện đại thì những bữa cơm gia đình đang xa dần, nhất là ở chốn thành thị, nơi có quá nhiều những quán xá, nhà hàng, những cuộc vui... Đây cũng là lý do khiến những thành viên khó có một bữa cơm gia đình. Nhưng nếu như mỗi thành viên đều nhận thức được tầm quan trọng của bữa cơm gia đình, của sự sum họp thì sẽ có một bữa cơm thực sự ấm áp, yêu thương.

Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Hương ở phố Cột Cờ, phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa) lại cho chúng ta có cái nhìn thông cảm hơn nhưng cũng rất đỗi ngọt ngào từ cách ứng xử của người lớn. Chồng chị Hương là kỹ sư nông nghiệp làm việc tại huyện Ngọc Lặc, cuối tuần mới được về nhà. Cuối tuần đó là cả một sự chờ đợi của người vợ và 2 cậu con trai để có cuộc “gặp gỡ” cả gia đình. Chị Hương chia sẻ: “Cuối tuần như bận rộn hơn, phấn khởi hơn vì mình được nấu cho chồng những món ăn anh ấy thích, ba mẹ con mới có điều kiện để ngồi cùng mâm với bố. Cả nhà rất vui và rất ít khi nghĩ đến việc ra nhà hàng...”.

Ngày gia đình Việt Nam 28/6 năm nay với chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” như một lần nữa nhắc nhở chúng ta về sự sum họp, về tình yêu gia đình. Hạnh phúc không ở đâu xa mà nó ở ngay trong bữa cơm gia đình của chúng ta. Nói như tiến sỹ tâm lý Nguyễn Tùng Lâm: “Bữa cơm gia đình là hình ảnh biểu trưng của hơi ấm gia đình, là nơi để chia sẻ chứ không phải đơn thuần là chúng ta ngồi ăn với nhau một bữa cơm. Nếu cứ suốt ngày đi rồi tối ai về phòng nấy thì chỉ là duy trì sự tồn tại của gia đình chứ không phải xây dựng một gia đình theo đúng nghĩa”.

Hoàng Việt Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]