Cất giữ mùa hạ
Những múi mít vàng ươm mật sau vài ngày phơi được nắng đã chuyển màu nâu vàng, dẻo thơm. Đến ngày đông lạnh giá, nhâm nhi cùng chén nước chè xanh cũng thật thú vị. Và mẹ tôi, vẫn thường “cất giữ” mùa hạ như thế.
Sau những ngày nắng, mít đã chuyển màu vàng nâu, khô dẻo được mẹ tôi cẩn thận cất đi cho ngày đông giá lạnh.
Đến bây giờ, tôi vẫn không thể tưởng tượng xóm núi mà gia mình đang sống, chỉ hơn nửa thế kỷ trước vẫn là một vùng hoang rậm, dù nó chỉ cách làng nhà ông bà nội, ngoại một quãng vài cây số.
Mẹ kể, ngày mẹ về nhà chồng, đêm tân hôn chỉ có một chiếc giường nhỏ kê dưới gian nhà ngang. Đêm ấy, bên ngoài lại mưa, đôi vợ chồng trẻ nằm co kiểu gì cũng chẳng tránh được những giọt nước rơi xuống. Thành thử, cứ thức như vậy mà đợi trời sáng.
Sáng hôm sau, dù không muốn nhưng bố vẫn phải tạm biệt mẹ để ra nhà máy. Người vợ trẻ ở nhà, vừa đến trường dạy học, vừa lo việc đồng áng, rồi cả lên xã làm đơn xin cấp đất ở. Khu đất người ta phân cho gia đình tôi khi đó là một mỏm đồi hoang vắng.
Mẹ bảo, khi xuống nhận đất, quả thực chẳng biết nên cười hay khóc. Đất đá lởm chởm, cây cối rậm rịt, chằng chịt dây leo. Vậy nhưng nếu không nhận đất thì gia đình biết ở đâu?! Mà ngày ấy, máy móc nào đã có gì, mọi sự san lấp đều chỉ bằng sức người, có chiếc xe bò cũ của ông bà ngoại cho mượn, thêm vài chiếc cuốc, xẻng... Cứ như thế, phải đến hơn hai năm chẳng quản vất vả, trên mỏm đồi lởm chởm đá mới san được một khoảng nhỏ đủ dựng ngôi nhà.
Sau vài năm với bao nhọc nhằn, dành dụm, ngôi nhà nhỏ trên mỏm đồi của gia đình tôi mới thành hình, bố mẹ tôi mừng biết bao. Nhưng có nhà rồi, chuyện gia đình tôi ở đây cũng thật nhiều điều để nói.
Do là hộ đầu tiên đến xóm núi nên ban ngày còn đỡ, đêm xuống thì cũng thật ái ngại giữa muôn vàn thanh âm hoang vu. Bố tôi làm việc ở nhà máy dù cách nhà chỉ độ chưa đầy 20 cây số nhưng phương tiện đi lại ngày ấy khó khăn, có cố gắng thu xếp thì cũng chỉ có thể mỗi tuần về được một lần. Thành thử, chỉ có mẹ và mấy anh chị em tôi ở nhà. Vậy nên, cứ mặt trời vừa khuất bóng, gà lên chuồng là cửa nhà chúng tôi cũng đóng kín.
Giữa mênh mông đất được chia, mẹ tôi bắt đầu trồng những cây trái. Ngày ấy không có cây giống để mua nên chủ yếu cứ ăn quả xong thì lấy hạt gieo xuống đất chờ cây nảy mầm, thậm chí có những cây còn do chim ăn hạt rơi xuống mà thành. Khi chúng tôi lớn lên cũng là lúc cây tạp trong vườn đã dần được thay thế bằng các loại cây ăn quả. Từ dổi, trứng gà, thị... và nhiều nhất là mít. Mẹ tôi trồng mít ở quanh nhà. Mỗi khi đến mùa quả là lại mang chia cho mọi người. Có lần, quả mít trước nhà to như thùng gánh nước, chín thơm mà bố tôi chưa kịp về. Thế là mẹ lạch cạch buộc lên xe đạp đèo ra nhà máy chỗ bố làm việc. Mãi chiều muộn mẹ mới về đến nhà, bà kể ai ăn cũng khen ngon.
Bố tôi mất sớm, mẹ tảo tần nuôi các con trưởng thành. Bà thảo tính nhưng cũng là người tiết kiệm. Bà sẵn sàng cho nhà hàng xóm cả yến gạo nhưng lại tức giận khi các con chẳng may bỏ thừa bát cơm ăn dở. Đến ngay cả bây giờ, khi cuộc sống chẳng còn thiếu thốn như xưa thì mẹ tôi vẫn cứ tẩn mẩn ngồi khâu vá những chiếc quần áo đã sờn cũ, dù cho không ít quần áo mới vẫn để trong tủ. Có lẽ, mẹ tôi vẫn chưa quên những tháng ngày tem phiếu khó khăn.
Năm nào cũng vậy, tranh thủ những ngày nắng hạ gay gắt, những trái mít bị sâu hoặc bên ngoài nhìn không đẹp, không thích hợp đi biếu, đi cho thì mẹ tôi sẽ bổ, bóc lấy múi rồi phơi trên tràn. Chỉ vài ngày được nắng là mít khô dẻo, ngả màu vàng nâu. Mít phơi nắng không giòn tan như mít sấy ngoài hàng, thay vào đó là dẻo dai và ngọt lừ - một phong vị rất riêng. Tất cả sẽ được bà gói ghém cẩn thận, đợi đến ngày đông giá lạnh mang ra nhâm nhi cùng chén nước chè xanh đặc cũng thật thú vị. Cứ như vậy, không nhiều thì ít, năm nào mẹ tôi cũng “cất giữ” được chút nắng hạ qua những cánh mít phơi khô.
Cuộc sống ngày một đủ đầy và với anh chị em chúng tôi, thú thực những cánh mít phơi khô ấy cũng giảm đi nhiều sự hấp dẫn. Nhưng mẹ tôi thì vẫn vậy, bà vẫn cứ cần mẫn cẩn thận cất giữ mùa hạ như thế, giống như một thói quen.
Thấm thoát, cái xóm núi nhà tôi cũng dần được “lấp” đầy. Những nhà cửa san sát, cũ mới đan xen, cuộc sống người dân từng ngày khấm khá, nhiều gia đình trong xóm xây nhà cao tầng, sắm được cả xe ô tô... Mừng cho hàng xóm, nhưng rồi mẹ tôi cũng thường chép miệng, bảo chẳng mấy chốc mà hết đời người!
Đúng rồi, trăm năm ngỡ dài, đời người rốt cuộc cũng chỉ là “chớp mắt” của thời gian. Nhìn những cánh mít cong mình dưới nắng hạ chói chang, tôi bỗng vẩn vơ nghĩ, đời người hữu hạn, rồi có thể những năm tháng về sau, liệu có còn ai thay mẹ tiếp tục “cất giữ” mùa hạ nữa chăng?!
Khánh Lộc
{name} - {time}
-
2024-11-20 20:00:00
[Podcast] - Tản văn: Cô giáo của tuổi thơ
-
2024-11-20 15:18:00
Tìm trong ký ức: Hoa rau muống tặng cô!
-
2024-07-17 20:00:00
[Podcast] - Tản văn: Hương vị tình thân, vương vấn người ở lại
[Podcast] - Tản văn: Hạ vẫn về tinh khôi trong mắt con
[Podcast] - Tản văn: Xa xăm lắm nhưng dễ gì phai nhạt
[Podcast] - Tản văn: Ngôi nhà lưng chừng đồi
Có một Sầm Sơn “huyền thoại” trong kí ức tuổi thơ
[Podcast] - Tản văn: Nhớ những mùa mưa xa
[Podcast] - Tản văn: Bồ hóng phất phơ trên mái bếp
[Podcast] - Tản văn: Tết Đoan ngọ ai có trở về
Ngày con tốt nghiệp mầm non
[Podcast] - Tản văn: Lá thư ngày xanh