(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền ở nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân và xem đây là một trong những nhiệm vụ công tác trọng tâm, trọng điểm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Công tác phổ biến pháp luật ngày càng được quan tâm chú trọng

Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền ở nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân và xem đây là một trong những nhiệm vụ công tác trọng tâm, trọng điểm.

Để công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật vùng dân tộc thiểu số đạt kết quả cao nhất, trong những năm qua, huyện Bá Thước đã thực hiện đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; kết hợp, lồng ghép với các chương trình, đề án có nội dung về phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đang triển khai tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Lựa chọn xây dựng mô hình điểm ở các xã, thôn, bản vùng điều kiện khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên đài truyền thanh huyện, qua các buổi họp dân, họp bản. Chú trọng bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho những người làm công tác này. Tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật điểm tại thôn, bản, phát huy tốt nhất vai trò của các già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Điền Trung là một xã khó khăn của huyện Bá Thước, người dân hầu hết là dân tộc Mường, trình độ dân trí không đồng đều, vì vậy, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Theo ông Cao Văn Quang - Phó Bí thư Đảng ủy xã Điền Trung cho biết: Công tác giáo dục pháp luật vùng dân tộc thiểu số có những điểm mới, khác biệt so với giai đoạn trước, như: Tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc và đại đoàn kết dân tộc; chú trọng tuyên truyền Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; Chương trình 135; các chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi... để người dân hiểu rõ được các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước. Ngoài phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội để tuyên truyền, cấp ủy, chính quyền còn phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; tham gia phát triển kinh tế; phát huy phong tục tập quán tốt đẹp, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, nhất là nêu cao cảnh giác, tham gia đấu tranh với các phần tử xấu, góp phần giữ gìn sự bình yên và xây dựng thôn, bản vững mạnh.

Khác so với Bá Thước, công tác tuyên truyền, PBGDPL ở huyện Thạch Thành chú ý nhiều tới công tác hòa giải. Hiện Hội đồng PBGDPL huyện Thạch Thành có 24 thành viên, 17 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 297 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Năm 2018 và 3 tháng đầu năm 2019, phòng tư pháp huyện - cơ quan thường trực và các ngành thành viên của Hội đồng PBGDPL huyện đã tổ chức 4 lớp tập huấn pháp luật cho hơn 300 người là cán bộ tư pháp - hộ tịch 28 xã, thị trấn, thành viên hội đồng PBGDPL, lãnh đạo chủ chốt các ngành, địa phương...; cấp xã mở 155 lớp tập huấn pháp luật cho gần 27.000 lượt người, phát sóng tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh gần 1.500 lượt... Các xã, thị trấn đã thực hiện 65 vụ hòa giải, trong đó hòa giải thành 56 vụ, đạt tỷ lệ 86,2%.

Xã Thành Vân - một xã miền núi huyện Thạch Thành có 10 tổ hòa giải ở các thôn với 70 hòa giải viên am hiểu kiến thức pháp luật, tâm huyết, nhiệt tình trong công tác hòa giải, được sự tín nhiệm của nhân dân. Theo ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Tỷ lệ hòa giải thành công trong số các vụ việc phát sinh hàng năm tăng cao, góp phần ngăn chặn kịp thời các mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở, giữ gìn sự đoàn kết, gắn bó trong địa bàn dân cư, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương...

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL, nhận thức và ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của người dân trong xã Thành Vân nói riêng và huyện Thạch Thành nói chung được nâng lên, thể hiện trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, khai báo tạm trú, tạm vắng, đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi xã hội...

Công chức tư pháp - hộ tịch xã Anh Sơn (Tĩnh Gia) và các thành viên tổ hòa giải thôn Bài trao đổi công việc.

Xã Anh Sơn (huyện Tĩnh Gia) công tác tuyên truyền, PBGDPL đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc đưa pháp luật vào cuộc sống, nâng cao kiến thức và hiểu biết pháp luật cho cán bộ, nhân dân. Xác định được vai trò đó, công tác PBGDPL luôn được cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể xã Anh Sơn (Tĩnh Gia) tích cực triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và tạo được điểm nhấn quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Nổi bật, xã Anh Sơn nhiều năm liền không phát sinh các tệ nạn xã hội, như: Ma túy, cờ bạc, mại dâm, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội luôn được bảo đảm... Trong đó, việc tuyên truyền trực tiếp đến từng người dân được chú ý hơn cả. “Đến với dân, gặp gỡ nhân dân và tuyên truyền trực tiếp để họ hiểu” - đó là câu nói của ông Đặng Đình Chiên, hiện là công chức tư pháp - hộ tịch tại UBND xã Anh Sơn khi được hỏi về hình thức PBGDPL nào hiện được sử dụng hiệu quả nhất tại địa phương.

Theo thống kê của UBND xã Anh Sơn, từ năm 2016 đến hết tháng 6/2019, xã Anh Sơn đã tổ chức được 37 buổi tuyên truyền, PBGDPL thu hút gần 2.980 lượt người tham dự. Bên cạnh đó, đài truyền thanh xã cũng tăng thời lượng phát các bản tin, nội dung tuyên truyền, PBGDPL với hơn 300 lượt phát sóng; hệ thống loa tại các thôn cũng ưu tiên, dành thời gian cho công tác tuyên truyền pháp luật. Xã đã chỉ đạo các bộ phận liên quan thực hiện kẻ, vẽ, treo trên 90 pa-nô, áp-phích, băng-zôn; phát hơn 400 tài liệu liên quan đến nội dung tuyên truyền pháp luật, xây dựng nông thôn mới cho người dân...

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến từng người dân vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực còn thấp; năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ cơ sở, đặc biệt cán bộ là người dân tộc thiểu số chưa đáp ứng yêu cầu. Hoạt động tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số còn mang tính thời vụ, sự kiện. Việc phát huy vai trò của người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được coi trọng đúng mức.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, thời gian tới cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội ở các huyện cần tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền, để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với các nguồn thông tin về pháp luật, về quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, hiểu rõ thêm về quyền lợi và nghĩa vụ của mình đối với Đảng, Nhà nước, nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật, góp phần tích cực vào sự phát triển của địa phương, đất nước.

Tuy vậy, vẫn cần khẳng định, trong những năm qua, nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, người dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ngày một nâng lên.

Minh Chuyên


Minh Chuyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]