(vhds.baothanhhoa.vn) - Cũng như ngôi làng thân yêu của các bạn thôi, làng tôi cũng có một cái ao rất rộng, ở dưới trồng hoa súng, trên bờ là sum suê cây trái nào bưởi, nhãn, vải, dừa, vú sữa... Qua nhiều năm được người làng góp công góp của kè lại bờ, lát gạch, dựng cột điện chiếu sáng, đặt ghế đá, thiết bị tập thể dục... nên ao làng trở thành một công viên mi-ni, nơi bà con tập thể dục, trò chuyện, thư giãn. Cái ao thực sự là niềm tự hào của người làng tôi.

Cái ao làng

Cũng như ngôi làng thân yêu của các bạn thôi, làng tôi cũng có một cái ao rất rộng, ở dưới trồng hoa súng, trên bờ là sum suê cây trái nào bưởi, nhãn, vải, dừa, vú sữa... Qua nhiều năm được người làng góp công góp của kè lại bờ, lát gạch, dựng cột điện chiếu sáng, đặt ghế đá, thiết bị tập thể dục... nên ao làng trở thành một công viên mi-ni, nơi bà con tập thể dục, trò chuyện, thư giãn. Cái ao thực sự là niềm tự hào của người làng tôi.

Cái ao làng

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Nói ra điều này thì ít người tin, nhưng quả thật, tôi và đám bạn từ cái thời chăn trâu cắt cỏ với nhau, tức cách đây vài chục năm, là những người có công làm nên cái ao làng tôi như ngày nay đấy.

Vị trí cái ao bây giờ, ngày xưa là một bãi đất trống nhỏ ven đường, trẻ con trong xóm hay tụ tập chơi bắn bi, với những viên bi nặn bằng đất sét, sau đấy vùi vào bếp để nung. Trẻ con bây giờ chơi bi trên sân trường lát gạch hoặc trải bê tông, thì phải vẽ vòng tròn làm “lồ” - đưa bi của mình vào được “lồ” thì mới được bắn để ăn bi của “địch”, còn hồi đấy chúng tôi đào lỗ. Hết mùa bi, cái lỗ ấy lại được dùng để chơi khăng.

Cứ thế, cái lỗ nằm trên bãi đất trống năm này qua năm khác cho đến khi lũ trẻ chúng tôi lớn lên, mà lớp trẻ con về sau không còn chơi đến các trò chơi “cũ rích” ấy nữa. Sau vài trận mưa, cái lỗ bị nước mưa khoét rộng ra. Lại thêm vài trận mưa nữa, cái lỗ đã đủ chỗ cho mấy con vịt xéo vào, hoặc vục mỏ theo bản năng để tìm mồi. Lại thêm vài trận mưa nữa, cái lỗ đã được khoét thành một vũng nước đủ chỗ cho con trâu nhà lão Chột nằm đằm mình. Những cái cựa mình khoái trá của con trâu khiến vũng nước ngày thêm rộng ra, sâu hơn, thành cả một cái “hàm ếch” ăn lẹm cả vào đường.

Cũng nhờ con trâu mà lão Chột đỡ mất công ra tận cánh đồng để lấy đất sét đắp bếp lò, lão chỉ việc mang thuổng ra cái vũng trâu đằm gần nhà ấy mà sấn lấy lớp sét đã lộ ra. Thấy vậy, một số hộ trong xóm cũng bắt chước ra lấy đất về đắp bếp, trát vách... khiến cái vũng dần trở thành một cái hố. Thấy bà con đua nhau ra đào đất, lão Chột mới huy động con cháu ra cắm cọc, rào một khoảng rộng quanh khu đất để “độc quyền” khai thác. Bà con ngại va chạm với lực lượng con cháu hùng hậu nhà lão nên cũng đành nhắm mắt làm ngơ. Mà dạo ấy, đất đai còn mênh mông, mạnh nhà nào nhà ấy giữ, dân cư thì thưa thớt, nên Lão Chột được đà mới dựng luôn một cái lò gạch trên đấy. Cái lỗ chơi bi ngày nào, ngày càng được khoét sâu, mở rộng ra một khoảng rộng như cái sân đình. Cũng từ cái lỗ chơi bi ấy, mà nhà lão Chột dựng được cả căn nhà ba gian xây gạch, lợp ngói.

Cho đến khi các lò gạch thủ công bị “khai tử”, thì cái khu vực khai thác đất của lão Chột cũng bị xã thu hồi, rồi để hoang. Nước mưa cứ thế dồn lại, biến cái hố thành cái ao tù. Dân cư trong xóm cũng dần đông lên, cái ao trở thành nơi đổ rác thải của cả xóm, thậm chí là của cả làng. Ai cũng tặc lưỡi, người ta đổ được thì mình cũng đổ được và mặc định coi đấy là bãi rác công cộng của làng. Ban đầu rác nổi phập phều từng mảng trên mặt nước, lâu dần dồn ứ, ken đặc lại và nhô dần lên thành một bãi rác, đồi rác, rồi núi rác. Những nhà ở cạnh núi rác thì quanh năm phải cửa đóng then cài, che lưới, căng bạt kín mít để ngăn chuột bọ, ruồi muỗi và mùi hôi thối. Những hộ ở cách xa cũng bị tra tấn khứu giác bởi những cơn gió đưa xộc thứ mùi đặc trưng của rác vào nhà. Cho đến lúc bệnh tật liên miên xảy ra, thì người làng tôi mới than vắn thở dài, thật là tự mình hại mình.

Phải qua rất nhiều cuộc họp, rất nhiều chuyến điều tra, khảo sát, thì cuối cùng cái núi rác của làng tôi mới được giải tỏa. Máy múc và xe tải làm việc dễ phải đến cả tháng trời mới đào, múc và vận chuyển được toàn bộ rác thải đi xử lý. Rồi không biết bao nhiêu cuộc họp dân, kêu gọi, huy động nguồn lực từ cấp trên hỗ trợ, con em xa quê làm ăn thành đạt hướng về quê hương, mà cái hố rác mới được kè mái, lát bờ, trồng cây, trữ nước... để rồi qua năm tháng trở thành cái ao làng đẹp như hôm nay.

Có dịp về dạo bước trên bờ ao làng tôi, các bạn nhớ đừng vứt rác bừa bãi, vì cho đến tận ngày nay, người làng tôi vẫn bị ám ảnh với cái núi rác năm xưa. Và bởi xung quanh bờ ao đều có đặt các thùng rác công cộng và luôn có các cụ cao niên trông chừng, nhắc nhở.

Tôi thì chỉ hay nhắc mấy đứa con nít, có chơi bi thì nhớ vẽ vòng tròn làm “lồ” thôi, chớ có đào lỗ.

Nguyên Phong



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]