(vhds.baothanhhoa.vn) - Anh Cà Cuống tạt xe vội vào quán tạp hóa nhà tôi, vừa kịp dựng chân chống thì cơn mưa rào ập xuống.

Mất toi bình xăng

Anh Cà Cuống tạt xe vội vào quán tạp hóa nhà tôi, vừa kịp dựng chân chống thì cơn mưa rào ập xuống.

Mất toi bình xăng

-Biết thế này, tôi ở nhà quách cho xong... - anh than thở.

Anh Cà Cuống vừa tham gia tổ bảo nông của làng tôi, cùng với mấy người nữa chịu trách nhiệm bảo vệ, coi sóc đồng ruộng chung cho cả làng. Chẳng biết làng quý vị thế nào, chứ làng tôi - cái làng mà tôi vẫn phải nhắc lại rằng, có giống thì cũng không phải là bất kỳ làng nào quý vị từng biết, chuyện làng tôi nhất định chỉ của làng tôi - trước kia, khi kinh tế còn khó khăn, mới xảy ra chuyện phá bờ trộm nước, rồi vì mâu thuẫn lặt vặt trong cuộc sống mà có chuyện nhà nọ thả trâu ăn mạ nhà kia, phá ngô, trộm lúa... Chứ thời bây giờ, lúa gạo nhà ai cũng đầy bồ, nên việc bảo vệ, giải quyết mâu thuẫn của tổ bảo nông ít đi mà đảm nhận các khâu dịch vụ thì nhiều hơn. Ngoài phần định mức khoán bảo vệ đồng ruộng ra, các thành viên của tổ bảo nông tham gia từ khâu làm đất, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, lấy nước vào đồng ruộng..., quanh năm không hết việc. Nguyên nhân là do lao động làm nông của làng tôi ngày càng ít đi, việc đồng áng chủ yếu do lớp trung niên đã quá tuổi đi làm ở các nhà máy, nên nhà nào cũng phải thuê mượn.

Anh Cà Cuống lại còn tham gia cùng mấy hộ trong làng nhận thầu lại khu đất bãi vàn cao khô khốc của làng để canh tác, với mục tiêu xây dựng thành một trang trại tổng hợp. Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia quản lý, bảo vệ đồng ruộng, anh Cà Cuống đã quy hoạch, đầu tư bài bản lắm, nào đào ao để trữ nước, lựa chọn cây trồng chống chịu được khô hạn, xen canh lấy ngắn nuôi dài, dựng lán nuôi giun quế để tạo nguồn phân bón tại chỗ... Mấy hôm trước anh xuống giống mấy hàng xoài và ổi, dù đây là những cây chịu hạn tốt, nhưng vẫn cần nước tưới thời gian đầu. Ấy vậy mà không có nước nguồn để bơm vào ao trữ. Cả khu đất bãi mênh mông cũng trong tình trạng khô kiệt. Được phân công phụ trách, nên anh Cà Cuống sốt ruột phải lên xã để hỏi vấn đề nước nôi.

- Ấy thế là tôi lên xã - anh Cà Cuống kể - gặp cái cậu cán bộ nông nghiệp mà lâu nay tôi hay làm việc. Thế nhưng lần này cậu ấy bảo, bây giờ làm việc gì cũng phải đúng quy trình, nhỡ sai sót chỗ nào còn phân biệt trách nhiệm rạch ròi, nên bảo tôi lên xin ý kiến đồng chí lãnh đạo phụ trách nông nghiệp.

- Thì rõ là thế rồi ạ, làm việc phải rõ người rõ việc, em trông quán thì vợ em phải đi chợ nấu cơm chẳng hạn... - tôi tiếp nước và a dua theo câu chuyện của anh Cà Cuống.

- Khổ, lãnh đạo họ trăm công nghìn việc, có phải muốn gặp là gặp được đâu. Chờ cả tiếng đồng hồ mới gặp, thì vị lãnh đạo nói: “Tôi thống nhất với đề xuất của anh thôi, cây trồng mà không có nước tưới dưỡng thì có mà chết hết à. Việc này cần kíp nhưng nhất định anh phải chịu khó lên huyện gặp cái đơn vị phụ trách cấp nước. Nước thì đầy ngoài kênh chính ấy, nhưng xã có được giữ mà cấp cho các anh đâu”.

- Nước thì đầy kênh ấy, chiều nào em cũng cho bọn con nít ra đấy tập bơi, mát đáo để... - tôi đế thêm vào cái sự bức xúc đang tăng dần của anh Cà Cuống.

- Hỏi thăm mãi thì tôi cũng đến được cái chỗ đơn vị phụ trách cấp nước. Cái cô văn phòng trẻ trẻ, xinh xinh ở đơn vị ấy rõ nhiệt tình, dẫn tôi lên tận phòng lãnh đạo. Cái vị lãnh đạo ấy chăm chú nghe tôi trình bày lắm, rồi nói rành rọt: “Việc của anh đúng là rất cần kíp, không có nước thì cây nào sống được. Nhưng việc cấp nước cho cây trồng, tôi đã phân công cho cấp phó phụ trách rồi, vị ấy có trách nhiệm chỉ đạo, giám sát. Nhỡ thất thoát giọt nước nào, có phải tôi vừa sai, vừa bị mang tiếng lạm quyền không. Thôi anh chịu khó”.

- Thế thì anh còn mỗi việc đi gặp cái ông cấp phó thôi mà...!

- Mỗi thế thì tôi chẳng rã cả chân. Cái ông cấp phó đúng là được phân công phụ trách cấp nước cho cây trồng. Nhưng mà cái địa bàn cấp nước, cụ thể là ở cái xã ta, lại được giao cho một đơn vị đầu mối trực thuộc phụ trách. Thế là tôi lại phải đánh xe đến cái đơn vị đầu mối ấy.

- Cuối cùng mọi việc cũng ổn thỏa.

- Nào đã...! Cái cậu phụ trách đơn vị đầu mối ấy nói, nước tưới của cả cái làng ta, được giao cho một nhân viên vận hành cái cửa cống. Cậu ta có trách nhiệm đến khảo sát, đánh giá tình hình khô hạn, báo cáo lên cấp trên, cấp trên mới xem xét, chỉ đạo cậu ta mở cống. Nhỡ thất thoát, lãng phí nước thì ai chịu trách nhiệm?.

- Tức là cái cậu ấy phải báo cáo lại với cái vị đầu mối, vị phó giám đốc rồi giám đốc...

- Chính thế, chính thế... Mà nào đã hết. Tôi phải chở cậu ta về tận làng để kiểm tra. Khổ, cây cối đã héo rũ cả ngọn. Đến lúc chở cậu ta quay lại đơn vị đầu mối để báo cáo, thì ở cái cậu phụ trách đơn vị đầu mối lại bảo, việc cấp nước này là để cứu hạn cho chỉ một khu vực, vì thế phải xin ý kiến của huyện, sợ ảnh hưởng đến khung lịch thời vụ chung, cứu hạn được khu vực này nhỡ đâu gây ngập khu vực khác. Tôi bảo, hệ thống kênh mương của làng đã hoàn thiện, đồng bộ cả rồi, không ngập được, nhưng cậu ta không nghe, bảo xảy ra việc gì ai chịu trách nhiệm hộ.

- Thì đằng nào cũng mất công mấy ngày trời rồi, bác lên huyện một chuyến. Người ta ai chẳng sợ sai. Thời buổi này, kiếm được một công việc để làm cán bộ không dễ dàng gì.

- Thì tôi có tiếc công đâu. Nhưng chưa kịp lên huyện thì trời mưa sập xuống đấy. Thật là cơn mưa vàng mưa bạc. Tiếc cái là... mất toi bình xăng!.

Nguyên Phong



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]