(vhds.baothanhhoa.vn) - Ác nghiệt cái là, lại cũng lũ trẻ nít chúng tôi ngày ấy, có đứa chơi ác bốc cả nắm cát bỏ vào cái bị cói của ông lão. Thành ra khi ông lão bỏ miếng cơm vào mồm, thì nước mắt ứa ra, câm lặng. Nhưng giọt nước mắt đặc quánh, như thể được cô lại bằng tháng ngày cô quạnh đằng đẳng vậy.

Ông "ba bị chín quai"

Ác nghiệt cái là, lại cũng lũ trẻ nít chúng tôi ngày ấy, có đứa chơi ác bốc cả nắm cát bỏ vào cái bị cói của ông lão. Thành ra khi ông lão bỏ miếng cơm vào mồm, thì nước mắt ứa ra, câm lặng. Nhưng giọt nước mắt đặc quánh, như thể được cô lại bằng tháng ngày cô quạnh đằng đẳng vậy.

Ông “ba bị chín quai”

(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Nhân vật dân gian truyền miệng này thì nổi tiếng quá rồi - một nỗi sợ hãi mơ hồ trong đầu óc non nớt của những đứa trẻ.

Làng tôi, từ lâu thật lâu rồi, có một ông “ba bị” bằng xương bằng thịt. Đó là một ông lão ăn mày mù với bộ quần áo bộ đội rách tươm bọc lấy thân hình còm cõi, cái mũ cối méo mó đội trên đầu và một bị cói cũ nát khoác trên vai. Một tay ông lão cầm gậy dò dẫm và một tay cầm cái bát tráng men đã gỉ chìa ra phía trước xin ăn.

Cứ lâu lâu lại thấy ông xuất hiện ở làng, khua gậy, dò dẫm đi từng bước. Bóng ông già mù xuất hiện ở đầu làng, chó trong làng đã sủa loạn xị. Lũ trẻ con ban đầu cứ nhao nhao chạy theo mà đồng thanh gào: “Ba bị chín quai. Mười hai con mắt. Đi bắt trẻ con”. Có đứa còn nghịch lấy đá mà ném, lấy gậy mà chọc vào người ông lão rồi cười ré lên chạy. Khổ tội! Ông lão giá không mù, thì chắc cũng chẳng có sức mà đuổi theo chúng. Thành ra ông cứ thế lầm lũi đi.

Chậm chạp, nhưng ông lão ăn mày chưa vấp váp bao giờ, ông cứ lầm lũi đi vào đầu làng, đi ra cuối làng. Nghe tiếng người, chạm cổng ngõ nhà ai thì dừng lại chốc lát. Có người bỏ vào bát cho ông nắm gạo, bát cơm nguội, có người vài củ khoai, lại có người trút cho ông cút rượu cúng, quả cau, miếng trầu. Làng tôi hồi đấy còn nghèo lắm, nhà tranh vách đất là chủ yếu. Nhà nào đắp được lò gạch, xây cái nhà tường vôi, mái ngói đã được coi là sung túc. Thế nên, cũng chẳng mấy ai có tiền bạc mà cho ông lão.

Ai cho gì, ông lão cũng cúi người, giọng khàn đục: “Đội ơn ông bà. Phúc đức cho nhà ông bà”. Rồi, hôm thì ông lão ngồi ở bụi tre, quờ quạng trong cái bị cói lôi ra củ khoai ngồi ăn với mấy hạt muối trắng. Có hôm thì dò dẫm bốc nắm gạo bỏ vào trong cái ống bơ làm nồi, cũng đánh lửa nấu thành cơm - nhưng như trẻ con nấu chơi đồ hàng vậy.

Ác nghiệt cái là, lại cũng lũ trẻ nít chúng tôi ngày ấy, có đứa chơi ác bốc cả nắm cát bỏ vào cái bị cói của ông lão. Thành ra khi ông lão bỏ miếng cơm vào mồm, thì nước mắt ứa ra, câm lặng. Nhưng giọt nước mắt đặc quánh, như thể được cô lại bằng tháng ngày cô quạnh đằng đẳng vậy.

Bà nội tôi biết chuyện, mới tất tả chạy đến, đem về nhà sàng sảy sạch mấy bơ gạo cho ông lão, còn mang cho ông lão nắm cơm nguội với con cá khô. Ông lão lại nói: “Đội ơn bà...”.

Ông giáo trong làng biết chuyện, mới răn đám trẻ - lũ học sinh của ông, rằng không nên ác với người già, phải tội. Lũ trẻ từ đấy mới thôi những trò nghịch phá ông lão mù.

Nghe chuyện từ ông giáo, bà nội kể lại cho tôi nghe rằng, ông lão từng là bộ đội đi B. Trước khi vào tiền tuyến, ông cũng có vợ. Rồi một hôm, người nhà nhận được tin ông bị mất tích sau trận đánh ở biên giới. Hơn chục năm sau hòa bình, ông mới trở về quê – không báo trước, một mình với chiếc ba lô, đứng lặng trước cổng nhìn cảnh cũ, người xưa trong bóng chiều nhập nhoạng. Mâm cơm có 3 người vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ. Vợ ông, người chú ruột ngang tuổi vốn ở nhà kế bên và cậu thanh niên.

Vợ ông ngước nhìn thấy ông thì gào lên, đánh rơi đôi đũa, lảo đảo vào nhà, ôm lấy bàn thờ ông, gào tên ông mà khóc rũ rượi. Ông gọi thảng: “Mình ơi...!”, chưa kịp chạy với theo thì cậu thanh niên đã vội lao vào, ôm lấy vai mẹ mà lay: “Mẹ ơi, chuyện gì thế, mẹ ơi...?”. Ông và người chú ruột đứng ngây người nhìn nhau, câm lặng.

Vết thương trên đầu nhức buốt, khiến ông giật mình thoát khỏi màn sương mờ trước mắt. Ông quay người chạy đi và không bao giờ trở lại.

Ông lão ăn mày có quay trở lại làng tôi thêm một đôi lần và trở thành ký ức của người làng tôi từ lúc nào chẳng rõ!.

Nguyên Phong


Nguyên Phong

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]