(vhds.baothanhhoa.vn) - ...đường lên miếu thành hoàng xưa kia là đường đất. Rồi làng đặt ra lệ, trai gái mà nên duyên vợ chồng thì góp mỗi người một viên gạch, nhà có con cái đỗ đạt hay thành danh thì cũng góp một vài viên...

Ông già cổ lỗ sĩ

...đường lên miếu thành hoàng xưa kia là đường đất. Rồi làng đặt ra lệ, trai gái mà nên duyên vợ chồng thì góp mỗi người một viên gạch, nhà có con cái đỗ đạt hay thành danh thì cũng góp một vài viên...

Ông già cổ lỗ sĩ

(Ảnh minh họa)

Như tôi đã nói đấy, làng tôi chẳng giống và chẳng phải bất kỳ làng nào khác, đến cái tên làng cũng là duy nhất. Nhưng làng tôi cũng như bao làng khác, cũng có bến nước, mái đình và đương nhiên là có cả miếu thờ thành hoàng làng.

Ngôi miếu nằm ở gò đất cao giữa làng, có cổ thụ trùm bóng mát và chim chóc ríu ran. Miếu được dân làng chăm nom nghiêm cẩn, giữ nguyên được những nét cổ kính, trầm mặc. Nối từ trục đường chính của làng lên miếu là một con đường lát gạch chỉ nghiêng uốn lượn giữa hai hàng bạch đàn. Những viên gạch chỉ xếp chéo, mấp mô chứ không phẳng như lát đá, lát gạch vỉa hè ngày nay. Theo thời gian, nhiều mảng gạch đã mòn vẹt, rêu phong bởi mưa nắng và bước chân của lớp lớp người làng.

Năm ấy, gần đến ngày hội làng, những người con thành đạt của ông bà Mẽng Mèng làng tôi lại về quê. Ông bà Mẽng Mèng chết trong đói rét, rồi được con cái đưa lên đỉnh núi, nằm trong cái sinh phần to nhất làng - trong chuyện “Cái sự báo hiếu mới to làm sao” - mà tôi đã kể ấy!.

Cho rằng được thành hoàng phù trì làm ăn phát đạt, nên những người con của ông bà Mẽng Mèng đề xuất với hội đồng làng cho được góp tiền, thuê thợ xây dựng lại con đường dẫn lên miếu thờ. Dĩ nhiên là hội đồng làng không chỉ chấp thuận mà còn cảm ơn lắm lắm tấm lòng thơm thảo của những người con xa quê thành đạt. Làng chẳng đã muốn làm lại con đường từ lâu, nhưng ngặt là nguồn lực có hạn, lại còn biết bao công trình phải đầu tư xây dựng để trở thành làng quê tiên tiến.

Duy chỉ có ông giáo già, người đã cố sức giữ lại hàng rào chè mạn từ đời ông cha, để rồi từ đó lan tỏa phong trào trồng hàng rào xanh cho làng tôi, là không đồng ý. Ông nói rằng, đó là di sản của cha ông để lại từ thủa lập làng và là một trong những biểu tượng cố kết cộng đồng của làng.

Ý kiến của ông lần nào cũng thế, lọt thỏm giữa những hồ hởi, phấn khởi đón nhận một con đường mới khang trang, rộng rãi hơn. Có người còn nói ông giáo già tư duy cổ lỗ sĩ.

Máy múc chỉ mất một buổi để bốc gọn con đường gạch. Ông giáo già bần thần tiếc nuối, mang xe rùa ra cặm cụi nhặt nhạnh chở được một vài xe gạch về vườn nhà, rồi lại cặm cụi ngồi xếp đặt lại ngay hàng thẳng lối. Người qua lại và thợ thuyền nói ông giáo hà tiện, tiếc rẻ gì đống gạch vụn mà mang về cho chật nhà.

Con đường bê tông phẳng phiu, khang trang được khánh thành trước ngày tế lễ thành hoàng trong niềm hân hoan của dân làng. Người đi lễ chẳng còn phải dò từng bước chân tránh những thớ gạch gồ ghề, lũ con nít tha hồ chạy đùa không lo vấp ngã. Đầu đường có một phiến đá được dựng lên khắc tên công đức những người con của ông bà Mẽng Mèng.

Hết những ngày lễ hội, con đường cũng thưa vắng bóng người, thành ra nhìn giống tấm khăn quàng mới vắt lên tấm áo tràng đã nhuốm màu năm tháng. Vẻ trầm mặc của không gian khu miếu cũng cảm giác bớt đi đôi phần. Những người làng tôi mỗi lần thành tâm lên miếu dâng hương, không khỏi nhớ về con đường gạch đã hằn trong ký ức. Nhiều người lại tìm đến nhà ông giáo già uống nước, hỏi chuyện và nhìn lại phần ít ỏi còn sót lại của con đường gạch năm xưa, được ông giáo xếp lại ở khoảnh vườn nhỏ trước nhà.

Ông giáo bảo, đường lên miếu thành hoàng xưa kia là đường đất. Rồi làng đặt ra lệ, trai gái mà nên duyên vợ chồng thì góp mỗi người một viên gạch, nhà có con cái đỗ đạt hay thành danh thì cũng góp một vài viên, muốn góp nhiều cũng không được... Gia đình nào được góp gạch thì vinh dự lắm. Đời này qua đời khác ghép từng viên gạch mà thành đường. Gạch thì to nhỏ, ngắn dài khác nhau, nên khi ghép lại thì thành ra mấp mô. Nhưng cũng bởi sự mấp mô có chủ đích ấy, để ngầm nhắc nhở người làng mỗi khi lên miếu đi lễ phải bước chậm và cúi đầu để tỏ lòng thành kính với tiền nhân.

Nguyên Phong


Nguyên Phong

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]