(vhds.baothanhhoa.vn) - Cuối năm nhiều áp lực, từ công sở đến khu dân cư. Mới hôm trước còn ám ảnh với lời phàn nàn của anh bạn về chuyện tổng kết, kiểm điểm ở cơ quan, rồi kế hoạch liên hoan tất niên cấp phòng, cấp đơn vị, thì hôm nay đến lượt bác trưởng khối phố, bác bí thư chi bộ nơi cư trú hỏi thăm.

Cuối năm, chuyện nên bỏ

Cuối năm nhiều áp lực, từ công sở đến khu dân cư. Mới hôm trước còn ám ảnh với lời phàn nàn của anh bạn về chuyện tổng kết, kiểm điểm ở cơ quan, rồi kế hoạch liên hoan tất niên cấp phòng, cấp đơn vị, thì hôm nay đến lượt bác trưởng khối phố, bác bí thư chi bộ nơi cư trú hỏi thăm.

Cuối năm, chuyện nên bỏ

Đang trên đường đi thì gặp bác bí thư. Bác hỏi: Năm nay chú không định lấy giấy nhận xét đảng viên ở nơi cư trú à. Hay là chi bộ cơ quan chú không cần nữa. Người ta lấy đông lấy tây, còn mỗi gia đình chú. Biết bác nói mát vì sự chậm trễ, tôi phải lựa lời: Có chứ, quy định mà, sao bỏ được. Em bận quá, chưa kịp lên xin bác đấy thôi. Em tính cuối tuần này vậy.

Tôi vừa trả lời thì bác bí thư nói luôn: Vẫn như thường lệ nhé. Tôi hiểu cái thường lệ ấy là việc nộp quỹ chi bộ và liên hoan.

Dù kinh phí liên hoan không nhiều, nhưng nhiều đảng viên có phần hoàn cảnh, mỗi nơi đóng góp một ít, thành ra gánh nặng. Có lần một số đảng viên sinh hoạt ở nơi cư trú sau khi đóng tiền quỹ, tiền liên hoan nhưng không đi liên hoan, ý là để bác bí thư chi bộ biết phản ứng của họ. Nào ngờ bác bí thư nói thẳng ở buổi liên hoan rằng, chả sao, thưa tằm thì béo kén. Các anh, chị cứ liên hoan thật vui vào. Những người vắng mặt hôm nay đều đóng tiền cả rồi.

Bác bí thư nói là các đảng viên cứ liên hoan vui vẻ, nhưng tình thật mấy ai vui được khi còn có những người vắng mặt bởi lý do mà ai cũng biết. Và nữa, có những người đi liên hoan vì muốn giữ mối quan hệ, chứ cuối năm công việc bận tối mắt, được ngày nghỉ thì phải giải quyết công việc riêng....

Câu chuyện liên hoan dường như đang trở thành mặc định, cứ cuối năm là phải ăn nhậu. Không chỉ ở chi bộ, ở khu dân cư cũng thế.

Hôm rồi, khi vừa về đến nhà, chị khối trưởng sang đôn đốc. Chị bảo: Chú cho ý kiến đi chứ. Tôi hỏi chuyện gì, thì chị bảo chuyện liên hoan khu phố đó. Tôi trả lời là đã đồng ý chủ trương trên nhóm zalo khu phố rồi mà, thì chị khối trưởng bảo: Không phải. Chú cho ý kiến vào mục thực đơn ấy. Năm nay ta thuê nhà hàng nấu, thực đơn khác hơn đấy. Tôi nói chị cứ quyết định đi, cánh đàn ông tham gia chuyện thực đơn không nên chút nào. Chị khối trưởng lại bảo phải dân chủ chứ. Tôi chả biết phải nói thế nào nữa. Bao nhiêu chuyện trong khu dân cư, người bàn ra tán vào, thì chả thấy dân chủ, mà chuyện món ăn lại cứ nhất thiết phải cho ý kiến. Chị khối trưởng vùng vằng ra về.

Liên hoan khu phố là chuyện xuân thu nhị kỳ, năm nào chả tưng bừng loa đài, phông bạt. Từng có ý kiến là giảm bớt để thực hành tiết kiệm, cũng giảm phiền hà, tốn kém cho một số gia đình có hoàn cảnh, nhưng rồi nhiều người lại có ý kiến, ăn uống đáng gì, quan trọng là ngồi ăn với nhau. Tôi thấy cũng đúng, nhưng cũng sai. Có những người trong khu phố cả năm chẳng hỏi nhau thì sao ngồi với nhau được. Làm sao có thể cụng ly để nói những câu nói hay bây giờ. Gọi là bữa cơm đoàn kết, nhưng gần như năm nào cũng thể, chỉ có mấy người thích hoạt náo là đi chúc tụng, còn vẫn là những người cùng sở thích, cùng nhóm chơi ngồi cùng bàn với nhau. Buổi liên hoan mở, nhưng thực ra là một không gian khép kín.

Cuối năm tiệc tùng, đám xá trở thành hiệu ứng dây chuyền. Trong khi rất nhiều người phải bò ra để làm việc, thì vẫn không tránh được những buổi liên hoan không mong muốn, cả ở khu dân cư, cả ở cơ quan. Chúng ta đang chủ trương đẩy mạnh chống lãng phí, và những thứ tiệc tùng như vậy cũng dần phải loại bỏ. Không nhất thiết cứ phải liên hoan mới vui, mới gọi là đoàn kết.

Hạnh Nhiên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]