(vhds.baothanhhoa.vn) - Tâm linh là một phạm trù xã hội, ở đó phản ánh mối quan hệ triết lý rất sâu sắc về con người đối với thiên nhiên và lịch sử mà người ta thường nói “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Mỗi khi con người đã tìm đến niềm tin thì mọi sự vật và hiện tượng trong xã hội đều là những yếu tố cấu thành trong tâm thức, dẫn đến niềm tin hướng thiện. Sự hướng thiện mang tính tâm linh ấy để con người tìm tòi, cảm thụ, khám phá thông qua con đường du lịch, tham quan, nghiên cứu, trải nghiệm được thông qua văn hóa vật thể và phi vật thể mà lịch sử xã hội và thiên nhiên ban tặng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Từ những cách thức hiểu biết về mối quan hệ tâm linh và du lịch, Thanh Hóa có tiềm năng đa dạng và phong phú đến phát triển du lịch bền vững.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vài suy nghĩ về nâng cao chất lượng du lịch tâm linh ở Thanh Hóa

Tâm linh là một phạm trù xã hội, ở đó phản ánh mối quan hệ triết lý rất sâu sắc về con người đối với thiên nhiên và lịch sử mà người ta thường nói “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Mỗi khi con người đã tìm đến niềm tin thì mọi sự vật và hiện tượng trong xã hội đều là những yếu tố cấu thành trong tâm thức, dẫn đến niềm tin hướng thiện. Sự hướng thiện mang tính tâm linh ấy để con người tìm tòi, cảm thụ, khám phá thông qua con đường du lịch, tham quan, nghiên cứu, trải nghiệm được thông qua văn hóa vật thể và phi vật thể mà lịch sử xã hội và thiên nhiên ban tặng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Từ những cách thức hiểu biết về mối quan hệ tâm linh và du lịch, Thanh Hóa có tiềm năng đa dạng và phong phú đến phát triển du lịch bền vững.

Trong bài viết này, chỉ đề cập đến mối quan hệ giữa quy hoạch với kế hoạch thực hiện như thế nào cho có hiệu quả để du lịch tâm linh Thanh Hóa phát triển trong thời kỳ mở cửa.

Một là, cần có quy hoạch tổng thể và chi tiết về các vùng, địa phương trong tỉnh về sự liên hệ, tác động qua lại của văn hóa tâm linh với con người quản lý du khách và người làm du lịch, trên cơ sở đó mà có kế hoạch chỉ đạo thực hiện một cách bài bản theo lộ trình. Ở Thanh Hóa đã có nhiều cuộc hội thảo về văn hóa phi vật thể, nhưng mới chỉ dừng lại mỗi người mỗi ý kiến riêng lẻ về mặt chuyên môn, tốn kém kinh phí, lại chưa được ngành du lịch khái quát lại thành quy hoạch, kế hoạch để phát triển du lịch tâm linh một cách có bài bản, khoa học ví như:

Thành Nhà Hồ đã được vinh danh là Di sản văn hóa thế giới, nhưng bao năm nay rồi, du khách đến tham quan khoảng một giờ rồi họ ra về. Hiện tại chưa có gì để xem ngoài cổng thành đá, còn thiếu nhiều thứ mà du khách cần. Đó có thể là hành lễ tâm linh hướng thiện, văn hóa nghệ thuật, dịch vụ ăn, nghỉ, mua sắm hàng lưu niệm, xem múa hát cổ truyền, tham quan làng nghề,... Chỉ riêng nói về văn hóa phi vật thể, ngành văn hóa, du lịch cần có quy hoạch cụ thể và sát thực với đặc điểm riêng ở Thành Nhà Hồ, có loại hình dân ca, dân vũ gì, múa hát cung đình, lễ hội “Thành Tây Giai” xưa là như thế nào và ai là người tái hiện lại những trò chơi, trò diễn cộng với trang phục thời đó?... Mặt khác, ngoài vùng lõi trung tâm, vùng đệm, rất cần đến một công trình tâm linh để nhân dân thường xuyên dâng hương tưởng niệm những người yêu nước, dựng nước, chống ngoại xâm ở vương triều Trần, Hồ. Nếu như chúng ta biết thổi hồn vào khu văn hóa di sản này những yếu tố tâm linh, chắc chắn du khách sẽ đông hơn.

Nhiều lần giáo sư Phan Huy Lê cũng đã đề nghị lãnh đạo ngành văn hóa đề xuất với tỉnh xây dựng đền thờ Hoàng đế Hồ Quý Ly ở khu vực di sản Thành Nhà Hồ trong quy hoạch cho phép, qua đó du khách có thể thắp nén hương tưởng nhớ vị vua là tác giả di sản Thành Nhà Hồ và là người chủ trương chỉ đạo cách tân hành chính nhà nước ở cuối thế kỷ 14.

Lam Kinh là khu sơn lăng, nơi an táng các vị vua, hoàng hậu, công chúa thời Lê sơ và Lê Trung Hưng, đã được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt và tôn tạo, phục dựng kiến trúc cơ bản hoàn tất, song vẫn còn thiếu nhiều việc phải làm. Nếu Thành Nhà Hồ phát triển mạnh mẽ du lịch kiến trúc cổ thì Lam Kinh có thế mạnh về du lịch tâm linh. Vì vậy rất cần quy hoạch lại tổng thể và chi tiết phần lễ và phần hội một cách có bài bản về nghi thức tế lễ sát với thời xưa. Nếu phải đưa vào quy hoạch và theo một kịch bản chuẩn mực kèm theo đó là lực lượng biểu diễn như thế nào là phù hợp với lịch sử. Ở Thành Nhà Hồ và Lam Kinh rất nên thành lập một đội chuyên, lấy từ nguồn nghệ nhân chuyên nghiệp đã nghỉ hưu, hoặc tại chức ở các đoàn văn công của tỉnh,... cần được đưa vào kế hoạch của Nhà nước để chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn trên tinh thần xã hội hóa. Ngoài ra những điểm di tích vệ tinh, mua sắm, ẩm thực, làng nghề truyền thống,... cũng được xem trong nội dung tour du lịch. Điều cần của du khách là phải cảm thụ được sắc thái riêng của lễ hội giữa vùng di sản này. Trên tinh thần ấy, Lễ hội đền Bà Triệu cũng vậy. Lễ rước kiệu Triệu Trinh Nương là một hoạt động vừa mang tính vật thể và vừa đậm nét phi vật thể, rất độc đáo ít nơi nào có được. Vấn đề này cũng cần có sự kết hợp của lễ và hội tại đền thờ Bà Triệu, lăng, đình làng Phú Điền. Để có hệ thống chuẩn mực về giá trị di sản phi vật thể thông qua lễ hội rất cần một quy hoạch kịch bản nằm trong mối quan hệ Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, đền Bà Triệu. Nhận biết được cả ba điểm tâm linh này có gì giống, khác nhau để du khách trải nghiệm là rất cần thiết trong du lịch.

Nếu đẩy mạnh du lịch tâm linh ở xứ Thanh mà không nói đến lễ hội đền Sòng là một sự thiếu vắng rất quan trọng. Vì vậy ngành Du lịch Thanh Hóa cần phải có hoạch định rất rõ ràng, vì đây là lễ hội mang tính huyền thoại khác với tâm linh lịch sử. Có thể nói đền Sòng là trung tâm thờ mẫu của cả nước, cần chú ý phát huy giá trị đúng bài bản và hướng thiện của “tín ngưỡng thờ mẫu” một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc về niềm tin của con người đối với đức mẹ thánh linh được lưu truyền trong dân gian mà thế giới đã vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể. Về thắng cảnh thiên nhiên không thể không nói đến suối cá thần Cẩm Lương, Cẩm Thủy đẹp nhưng rất huyền bí mà du khách trong nước và quốc tế muốn đến để khám phá, tham quan tìm hiểu từ nhiều thế kỷ nay.

Đông đảo người dân và du khách tham quan Lễ hội đền Bà Triệu. (Ảnh: Ngọc Huấn)

Tất cả những ví dụ trên, dù ở di tích lịch sử, hay kiến trúc gắn với sự tích hào kiệt dân tộc cho đến thắng cảnh huyền bí, vẫn thiếu sự quản lý của Nhà nước về quy hoạch, kế hoạch. Chế tài và đặc biệt là kịch bản chuyên môn cho từng di tích là như thế nào để phát triển du lịch tâm linh hướng thiện một cách bền vững là việc hết sức quan trọng.

Hai là, tính chủ động của ngành du lịch một cơ quan vừa là quản lý vừa tham mưu cho tỉnh về phát triển du lịch tâm linh trên địa bàn Thanh Hóa.

Đây là vấn đề mũi nhọn của mũi nhọn, nhằm đưa du lịch thành ngành kinh tế quan trọng. Ta mới chú trọng đến tôn tạo, phục dựng di tích nhưng chưa đồng thời khai thác thế mạnh của di sản hiện có trên mảnh đất được gọi là nghìn năm văn vật, văn hiến, địa linh nhân kiệt xứ Thanh. Để giải quyết vấn đề nói trên rất cần phải xác định đúng sản phẩm du lịch? Khi mà hiện nay còn có những ý kiến đơn giản là chỉ chú trọng về điểm đến tham quan, song khách du lịch đến tham quan không phải họ chỉ đến địa danh, kiến trúc, đền, chùa, xem thắng cảnh,... mà họ muốn trải nghiệm tổng thể bao gồm điểm đến có hấp dẫn không, thuyết minh, lữ hành, dịch vụ ăn nghỉ, hạ tầng giao thông có tốt không, văn hóa phi vật thể như lễ hội, dân ca, dân vũ, chợ quê, làng nghề như thế nào,... tất cả đó có thể gọi là một sản phầm du lịch tương đối đầy đủ. Để làm được điều này, vấn đề chế tài và nguồn lực làm du lịch chuyên nghiệp phải là chủ đạo. Nhưng không thể không nói đến nhân dân ở các vùng miền có tiềm năng du lịch như thắng cảnh thiên nhiên hay là kiến trúc lịch sử, lễ hội tâm linh hướng thiện,... phải có tinh thần xã hội hóa, họ tự bỏ tiền của, sức lao động để cùng Nhà nước làm du lịch mới có hiệu quả.

Chúng ta có nhiều giải pháp để đưa văn hóa tâm linh vào du lịch làm chủ đạo. Trước mắt, ngành văn hóa du lịch phải quy hoạch một cách khoa học các gói sản phẩm thành phần như lễ hội ở Lam Kinh như thế nào, văn tế, cách thức hành lễ, bài trí đồ cúng tế, thời gian lễ, phần hội là những bài hát, ca, múa, vũ đạo ra sao, đặc sản, quà lưu niệm, ăn, nghỉ,... phải nằmtrong một gói. Gói này có gì khác ở Thành Nhà Hồ, đền Bà Triệu, đền Sòng, suối cá Cẩm Lương,... Nếu chúng ta làm được như Malaysia, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan,... về việc phân định văn hóa đặc thù, từng tour, gói thì sẽ đạt kết quả tốt hơn nhiều. Cần nói đến các vùng miền di sản của xứ Thanh là rất phong phú, mỗi nơi mỗi khác, có sắc thái riêng, khách tham quan được trải nghiệm văn hóa riêng mà không bị chán, đến một lần sau lại muốn đến nữa.

Ba là, để phát triển du lịch tâm linh bền vững, Thanh Hóa rất cần một công trình mới tại TP Thanh Hóa. Ở nhiều tỉnh như: Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ... đã và đang đi theo hướng xây dựng khu văn hóa sinh thái phục vụ du khách. Thanh Hóa là tỉnh đất rộng, người đông, riêng TP Thanh Hóa đã có nửa triệu dân sao lại không có một khu vui chơi giải trí cho các cháu thiếu nhi, thanh niên và người già, phục vụ bốn mùa. Tuy tỉnh đã có khu nghỉ dưỡng Sầm Sơn nhưng thực chất cũng chỉ được mùa hè, mùa lạnh hầu như là vắng khách. Nếu muốn phát triển du lịch tâm linh bền vững bốn mùa, Thanh Hóa rất cần điểm xuất phát của công tác lữ hành đến các vùng miền trong tỉnh đó chính là khu văn hóa sinh thái tổng hợp ngay tại TP Thanh Hóa. Khu văn hóa sinh thái Đầm Sen, Suối Tiên ở TP Hồ Chí Minh, khu văn hóa sinh thái tâm linh Bái Đính - Ninh Bình, Quảng Ninh... thu hút khách quanh năm, sao Thanh Hóa không làm được. Đây là vấn đề cần được đặt ra trong mối quan hệ giữa khu văn hóa mới với văn hóa tâm linh của tỉnh.

Song song với việc tôn tạo, phục dựng di tích, xây dựng công trình văn hóa mới, Thanh Hóa cũng cần chỉnh sửa một số tên gọi mang tính nhạy cảm của xã hội như khách sạn Lê Lợi ở Sầm Sơn, đường Lê Lợi, Lê Hoàn. Ở Hà Nội người ta đặt đường phố Lê Thái Tổ, Lê Đại Hành nhưng ở Thanh Hóa nơi sinh và lập nghiệp đức vua Lê Lợi lại lấy tên húy “cúng cơm” để gọi, hơn thế đưa tên Hoàng đế đặt tên khách sạn, điều này rất nhiều ý kiến không đồng tình, trong đó có các nhà khoa học.

Thanh Hóa mấy năm gần đây có nhiều khởi sắc trên nhiều lĩnh vực trong đó có du lịch song du lịch tâm linh còn kém hơn hẳn so với một số tỉnh trong nước. Vì vậy tỉnh cũng cần có cơ chế khuyến khích xã hội hóa cụ thể hơn nữa “trong thông, ngoài thoáng” để người dân đầu tư vào du lịch nói chung, du lịch tâm linh nói riêng. Tiềm năng du lịch Thanh Hóa là rất lớn, nhưng để biến thành tiềm lực không ai khác ngành văn hóa du lịch tỉnh nhà phải có những phương án cụ thể mang tính đột phá, kịch bản thiết thực đậm sắc thái để nâng cao chất lượng lễ hội tâm linh hướng thiện trong thời kỳ mới, thời kỳ vàng son kinh tế văn hóa du lịch xứ Thanh.

Hoàng Hoa Mai


Hoàng Hoa Mai

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]