(vhds.baothanhhoa.vn) - Vàng mã và bông hồng cài áo trong mùa vu lan đều khiến chúng ta liên hệ đến việc báo hiếu, nhưng sự chọn lựa của mỗi người là khác nhau.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bông hồng và đồ mã trong mùa vu lan

Vàng mã và bông hồng cài áo trong mùa vu lan đều khiến chúng ta liên hệ đến việc báo hiếu, nhưng sự chọn lựa của mỗi người là khác nhau.

Bông hồng và đồ mã trong mùa vu lan

(Ảnh minh họa. Nguồn: vnexpress)

Mỗi tháng bảy - mùa vu lan báo hiếu, tôi lại bước trên phố hòa trong dòng người đi sắm đồ vàng mã. Họ đốt, và tôi cũng từng đốt, vì tôi nghĩ mình không thể khác phần còn lại được. Bởi tháng bảy mà không đốt gì cho người đã khuất, thì chẳng phải là người dương trần biết nghĩ. Đó là một quan niệm đã tồn tại nhiều năm. Người ta nghĩ thế rồi làm thế, ít ai tự vấn xem mình làm như thế là đúng hay sai.

Tôi biết một người có mẹ già nằm liệt giường, lúc đầu anh chăm lắm bởi sợ người đời chê là bất hiếu. Nhưng được vài tháng thì sức kiên nhẫn của người con vơi cạn, anh chẳng còn bận tâm xem thiên hạ nghĩ gì. Người mẹ sống trong đau đớn, rồi ra đi trong dòng nước mắt của người con. Dòng nước mắt ra vẻ hiếu thuận, thường tiếc tuôn chảy cho thiên hạ nhìn. Tháng bảy đầu tiên sau khi người mẹ ra đi, người con đã làm lễ đốt vàng mã, mời thầy về tụng kinh, cầu siêu. Một buổi lễ như nhiều hàng xóm nhà anh kể lại là tiêu tốn hàng triệu đồng!

Bông hồng và đồ mã trong mùa vu lan

(Ảnh minh họa. Nguồn: vnexpress)

Có lần tôi đến chùa vào rằm tháng bảy để khấn nguyện cho gia tiên thêm phần siêu thoát, đã được nhà chùa hỏi gia cảnh để cài lên áo một bông hồng. Việc làm đó khiến tôi nhớ lại lời dạy của Hòa thượng Thích Nhất Hạnh trong ấn phẩm “Bồng hồng cài áo” xuất bản năm 1962 sau khi ông tiếp thu nghi thức này trong “Ngày của mẹ” tại Nhật Bản - một đất nước mà văn hóa khá tương đồng với Việt Nam.

Lời dạy rằng: “Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng. Người được cài hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương, không quên mẹ dù đã khuất. Người được cài hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi, có khóc than cũng không còn kịp nữa”.

Tính triết lý, nhân văn, sự hiếu thuận đầy đủ cả ở đó; và đây là một nghi thức không nhất thiết chỉ dành riêng cho Phật tử, mà cho tất cả những ai một lòng hướng thiện, trân quý đấng sinh thành.

Hiện nay đã có những quy định mang tính pháp luật về việc cấm đốt vàng mã ở nơi linh thiêng, nhất là chốn thiền tu. Việc đốt vàng mã cũng được khuyến cáo không nên lạm dụng ở nhiều khu dân cư. Thế nhưng nó vẫn được đốt bởi những lý do khác nhau, trong đó có cả những người con suốt năm chạy theo để làm vui lòng cha mẹ người khác, những người đã bất hiếu khiến cha mẹ buồn đau phải ra đi.

Vàng mã và bông hồng cài áo trong mùa vu lan ít nhiều đều khiến người ta liên hệ đến việc báo hiếu, nhưng sự chọn lựa của mỗi người lại khác nhau bởi suy nghĩ, nhận thức không phải ai cũng giống nhau.

Lam Vũ


Lam Vũ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]