(vhds.baothanhhoa.vn) - Mọi người đều có chung nhận thức bữa cơm gia đình là niềm vui của cuộc sống mỗi ngày, là nơi, là lúc sự yêu thương đầm ấm được thể hiện sâu sắc và trọn vẹn, góp phần duy trì tổ ấm vững chắc bền lâu. Bữa cơm gia đình ấm áp, yêu thương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn là chủ đề nhân dịp 15 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28-6-2016).

Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương

Mọi người đều có chung nhận thức bữa cơm gia đình là niềm vui của cuộc sống mỗi ngày, là nơi, là lúc sự yêu thương đầm ấm được thể hiện sâu sắc và trọn vẹn, góp phần duy trì tổ ấm vững chắc bền lâu. Bữa cơm gia đình ấm áp, yêu thương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn là chủ đề nhân dịp 15 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28-6-2016).

Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương

Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương là nền tảng tạo dựng gia đình hạnh phúc. Ảnh nguồn: Internet

Lúc ấy ông bà, vợ chồng, con cái vui vẻ quây quần, gần gũi; có dịp gặp gỡ, chăm sóc và trò chuyện bày tỏ ý kiến, quan điểm và sự quan tâm săn sóc lẫn nhau. Ở đó con trẻ học cách lắng nghe, cảm nhận thế nào là cho, thế nào là nhận. Cha mẹ có dịp để lắng nghe con cái tỏ bày và dạy bảo khuyên răn, truyền thụ kinh nghiệm sống, sự khôn ngoan trường đời và “điều hơn lẽ thiệt”. Lúc ấy cũng là thời điểm mà những khát vọng của cuộc sống đời thường có điều kiện để thỏa mãn được đáp ứng.

Bữa cơm gia đình là điều kiện để nhân lên niềm vui, sẻ chia nỗi buồn. Cổ nhân cho đây là dịp ông bà, cha mẹ “tỏa hơi ấm” cho con cháu nhân lên sức mạnh. Phan Bội Châu, nhà cách mạng tiền bối cũng đã từng nói rất sâu sắc điều này: “Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch” (Mỗi bữa cơm hàng ngày không quên đem sách ra học, ghi nhớ). Theo ông, đây là lúc để ghi nhớ công ơn của người làm ra hạt lúa, củ khoai để nuôi sống con người, ghi nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của bố mẹ sống sao cho trọn hiếu, vẹn trung và phấn đấu vươn lên trong cuộc sống mỗi ngày.

Chú ý đến bữa cơm gia đình sao cho có chất lượng, có niềm vui là trách nhiệm của tất cả các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên tạo hóa đã ban cho phụ nữ khả năng diệu kỳ: Sự chu toàn vun vén, khả năng nội trợ nữ công gia chánh. Chẳng thế mà cộng đồng đã đúc kết: “Đàn ông trên nhà đàn bà dưới bếp”. Ngoài thiên chức cao cả làm mẹ, làm vợ họ còn là “nhạc trưởng” trong bữa cơm gia đình. Tài năng của người nhạc trưởng ấy không chỉ biết lắp ghép các nốt nhạc - tạo ra những món ăn ngon, mà còn biết chỉ đạo cả dàn nhạc để tạo nên buổi hòa nhạc trong bữa ăn ấm cúng nặng đầy yêu thương của gia đình.

Làm gì và làm thế nào để có được bữa cơm chất lượng cao? Từ kinh nghiệm trong cuộc sống, cá nhân tôi cho rằng: Người phụ nữ nội trợ giỏi là biết được món ăn chung nhiều người trong gia đình cùng thích để chuẩn bị cho bữa ăn của gia đình. Lại phải biết khẩu vị ăn của các thành viên để làm phong phú thêm món ăn cho mỗi bữa sao cho không lặp lại nhàm chán. Chú ý đổi món ăn cho từng ngày phải là ý thức thường trực trong đầu mỗi lần ra chợ của chị em.

Cùng với đó, người nội trợ phải biết tạo dựng được không khí vui tươi thoải mái nhất, biết gạt sang bên những lo âu phiền muộn, những bực dọc không đáng có để chung vui. Muốn vậy phải chú ý đến vệ sinh sạch sẽ, trang hoàng phòng ăn. Người xưa đã dạy: “Sạch nhà thì mát, sạch bát ngon cơm”. Trong phòng ăn cần trang trí bức tranh gợi cảm xúc như tranh thiên nhiên, tranh hoa quả. Không nên để ti vi trong phòng ăn và càng không nên vừa xem vừa ăn, vì điều ấy rất có hại, nhất là với lứa tuổi nhỏ. Nên ít nói chuyện, nếu có nói thì lựa chọn những câu chuyện vui để nói nhằm góp việc vui vẻ để thông báo ngắn gọn, thêm những tiếng cười trong bữa ăn hoặc tỏ sự quan tâm bằng việc hỏi han công việc của mỗi người.

Trong mỗi tuần vào ngày cuối tuần hoặc các ngày nghỉ lễ có thể cùng “biểu quyết” chung một thực đơn cho bữa tiệc nhỏ, để tất cả các thành viên cùng tham gia sửa soạn, vừa tạo dựng không khí nhộn nhịp vui tươi, giúp đỡ chia sẻ từ việc nhỏ nhất, vừa là điều kiện để các thành viên thể hiện năng lực và sự đóng góp nhỏ của họ, tạo dư vị cho bữa tiệc, tạo sự gắn bó dài lâu, xây dựng ý thức vì nhau, ý thức sẵn sàng phục vụ. Từ những việc làm tưởng như rất nhỏ đó, các thành viên sẽ hiểu nỗi vất vả, sự công phu của nghề nội trợ, biết chia sẻ với các “nội tướng”; biết cách ăn hết thức ăn (còn) trên đĩa để cảm ơn, bày tỏ sự yêu thích và khen ngợi đầu bếp và cũng là tiết kiệm.

Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, những bữa cơm gia đình đang dần dần mất đi ý nghĩa vốn có của nó. Nhiều người viện lý do công việc, giờ giấc nghiêm minh nơi công sở, ít ăn cơm nhà, ít quan tâm đến bữa ăn gia đình. Cá biệt có người đến hàng tuần không cùng vợ con ăn cơm. Họ đâu hay rằng họ đang dần xa cách người thân, dẫn đến những hệ lụy tiêu cực...

Trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn đều cho thấy vai trò và giá trị của bữa cơm gia đình rất quan trọng. Bởi, quan tâm đến bữa cơm gia đình là quan tâm đến việc hoàn thiện, nâng cao mức sống, hoàn thiện nhân cách của từng thành viên trong gia đình, góp phần vào xây dựng xã hội văn minh, gia đình hạnh phúc.

Nguyễn Hữu Ngôn


Nguyễn Hữu Ngôn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]