(vhds.baothanhhoa.vn) - Ham lợi nhuận, nhiều cá nhân, cơ sở vẫn âm thầm sản xuất hóa mỹ phẩm giả để tuồn ra thị trường. Vì vậy, người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình bằng cách tìm hiểu kỹ sản phẩm trước khi mua, tránh tiếp tay cho hàng giả, “tiền mất tật mang”.

Cảnh báo nguy cơ từ mỹ phẩm giả tràn lan

Ham lợi nhuận, nhiều cá nhân, cơ sở vẫn âm thầm sản xuất hóa mỹ phẩm giả để tuồn ra thị trường. Vì vậy, người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình bằng cách tìm hiểu kỹ sản phẩm trước khi mua, tránh tiếp tay cho hàng giả, “tiền mất tật mang”.

Cảnh báo nguy cơ từ mỹ phẩm giả tràn lan

Mỹ phẩm nhiều màu sắc được bày bán trong tủ kinh với mức giá khác nhau từ vài chục đến vài trăm ngàn.

Mánh khóe của gian thương

Giữa lúc dịch bệnh diễn biến căng thẳng, lực lượng chức năng vẫn liên tục phát hiện và xử lý nhiều vụ việc kinh doanh, vận chuyển hàng lậu, hàng giả mạo nhãn hiệu. Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý thị trường (QLTT), chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Cục QLTT đã kiểm tra, xử lý 26 cơ sở kinh doanh, sản xuất sản phẩm hóa mỹ phẩm kém chất lượng, không có hóa đơn chứng từ, các sản phẩm không rõ nguồn gốc; phạt vi phạm hành chính 43,88 triệu đồng; trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy 60,095 triệu đồng.

Những vụ việc bị cơ quan chức năng phát hiện chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Cùng với những cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm chính hãng được cấp giấy phép của Bộ Y tế thì hiện nay nhiều cá nhân và cơ sở kinh doanh mỹ phẩm trái phép đã lợi dụng tên tuổi của các thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng để sang chiết, trà trộn mỹ phẩm kém chất lượng, kiếm lời bất chính. Mỹ phẩm giả, nhái được bày bán tràn lan và công khai ở khắp mọi nơi, từ các chợ đầu mối, khu chợ sinh viên, chợ dành cho công nhân, thậm chí cả các cửa hàng lớn ở trung tâm thành phố. Đặc biệt ngày nay, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng mua online nên các đối tượng càng dễ dàng lừa đảo.

Cảnh báo nguy cơ từ mỹ phẩm giả tràn lan

Da tấy đỏ do nhiễm độc vì sử dụng kem trộn, mỹ phẩm bẩn. (Ảnh minh họa)

Trong vai khách hàng, chúng tôi đến chợ Tây Thành. TP Thanh Hóa - địa điểm chuyên buôn bán quần áo, giầy dép thời tran. Tại đây các loại mỹg phẩm như nước hoa, phấn, kem nền, son môi, thậm chí là các loại nước hoa được bày trong tủ kính với đủ kiểu dáng, màu sắc. Trên các sản phẩm đa số đều ghi nhãn hiệu nổi tiếng như Chanel, Hermes… của các nước Ý, Pháp nhưng có giá chỉ 50.000 - 500.000 đồng/sản phẩm. Một số mặt hàng có giá từ 500.000 đồng - 1.000.000 đồng/sản phẩm được cho là đắt nhất cửa hàng cũng không hề có giấy tờ đảm bảo. Đặc biệt, chai nước hoa dù chỉ được mua với giá 350.000 đồng nhưng sau khi truy xuất mã vạch vẫn ra giá hơn 3.000.000 đồng.

Nhân viên cửa hàng không ngần ngại test thử mỹ phẩm cho khách hết loại này tới loại khác, kèm theo những lời giới thiệu thao thao bất tuyệt về thành phần, công dụng… khiến cho khách hàng cũng lú lẫn. Tuy nhiên, khi được hỏi về tem, mác, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, cô gái tỏ ra bối rối khi thú nhận, nhân viên chỉ có nghĩa vụ bán, còn các chủ cửa hàng nhập hàng từ đâu thì họ không nắm rõ. Nữ nhân viên này cho biết, khách hàng ở đây chủ yếu là sinh viên, người thu nhập thấp nên họ không bao giờ đòi hỏi giấy tờ. Một số khách hàng “sành điệu” thì mua loại đắt một chút, sẽ có hộp giấy “lịch sự” đáp ứng nhu cầu biếu, tặng.

Nhiều người tiêu dùng chấp nhận mua hàng nhái, kém chất lượng là do giá cả của những sản phẩm này khá rẻ nhưng có không ít khách hàng bỏ tiền triệu mua sản phẩm chính hãng mà không hay biết bị “móc túi”.

Vẫn kịch bản cũ, chúng tôi tiếp cận được với một người phụ nữ tự xưng có “em gái” làm việc ở sân bay, chuyên bán hàng xách tay. Người phụ nữ này tiết lộ, hàng xách tay cũng có dăm bảy loại, loại mua theo đợt sale ở cửa hàng chính hãng tại Pháp, Mỹ thì rất hiếm, còn chủ yếu là xách từ các nước sản xuất thứ 3 như Hồng Kong, Indonesia với tiêu chuẩn chất lượng thấp hơn, chưa kể một khối lượng lớn hàng là hàng nhái nhập từ Trung Quốc, của các cơ sở gia công không rõ tên tuổi. Giá cả cũng nhiều mức, chỉ bằng 1/2, 1/3 thậm chí là 1/8 so với hàng chính hãng. Hàng “xách chuẩn” và hàng fake từ Trung Quốc trông không khác nhau nhiều, soi thật kĩ mới thấy vài chi tiết trên chai hoặc hộp của hàng fake nhìn không được tinh xảo. Nhưng chất lượng bên trong thì khác hẳn.

Cảnh báo nguy cơ từ mỹ phẩm giả tràn lan

Đối tượng sử dụng mỹ phẩm bẩn rất nhiều là ở độ tuổi vị thành niên, học sinh... (Ảnh minh họa)

Theo chị H.T.N, chủ chuỗi cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm B.S ở TP Thanh Hóa, các cửa hàng bán hàng nhái đơn thuần kiểu “chợ” là kiểu bán hàng nhái thô sơ nhất - cách này chỉ cần người tiêu dùng biết sơ sơ một chút, kiểm tra phần nilon bọc sản phẩm, phần vỏ hộp giấy là đã cảm nhận được sự bất thường do chất liệu và sự cẩu thả trong cách in ấn. Tuy nhiên nếu chỉ như vậy thì sẽ không thể đẩy giá lên tiền triệu mà vẫn có khách hàng được, mỹ phẩm “siêu nhái” hàng triệu sẽ có cách nhái kỳ công hơn. Họ nhập cả mỹ phẩm chính hãng nhập nhèm cùng mỹ phẩm nhái, gặp khách không am hiểu sẽ bán hàng nhái, còn gặp khách tinh tường sẽ đưa hàng chính hãng - cách này khiến người tiêu dùng có những biểu hiện trái chiều nhau, người biết thì khen, người không biết thì không đủ kiến thức để phản hồi khiến shop đó vẫn buôn bán được và vẫn có khách .

Một cách khác, có lẽ là phổ biến và có hệ thống nhất hiện nay - chai và vỏ như hàng chính hãng, từ mã vạch code dập chìm… rất tinh xảo. Một chút mỹ phẩm chính hãng được bơm vào đầu và đáy sản phẩm, phần giữa sẽ là mỹ phẩm rởm. Do đó, người dùng ban đầu sẽ được sử dụng hàng thật, sau khi dùng một thời gian thì sẽ bắt đầu chuyển sang giai đoạn “giá trị thực” của sản phẩm.

Ngộ độc, tổn thương da vì… mỹ phẩm rởm

Trong khi tình trạng mỹ phẩm giả, mỹ phẩm kém chất lượng đang tràn ngập thị trường thì tại Khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa, số trường hợp bị dị ứng do dùng mỹ phẩm không bảo đảm chất lượng liên tục tăng.

Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Ngọ, Trưởng Khoa Da liễu, cho biết, có rất nhiều trường hợp tới khám, chữa bệnh liên quan đến dị ứng mỹ phẩm, chủ yếu do sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng. Những loại mỹ phẩm làm giả nhãn mác, thương hiệu được quảng cáo có tác dụng mạnh, hiệu quả cao thì đều có nồng độ hóa chất lớn, thậm chí có cả chì, thủy ngân... cho nên nguy cơ gây nhiễm độc, phá hủy da, làm khô da, sạm da đối với người sử dụng rất cao. Ngoài ra, nó còn có thể gây bệnh cho các cơ quan khác như phổi, thần kinh, ảnh hưởng sự phát triển của thai nhi, có thể gây ung thư.

Cảnh báo nguy cơ từ mỹ phẩm giả tràn lan

Bác sĩ Ngọ thăm khám cho một bệnh nhân bị nhiễm độc mỹ phẩm ở Khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

Trong trường hợp mua và sử dụng phải mỹ phẩm giả, kém chất lượng và không may có dấu hiệu mắc bệnh về da liễu như ngứa, mẩn đỏ, nổi ban... theo lời khuyên của bác sĩ Ngọ, bệnh nhân không nên tự điều trị vì có thể sẽ dẫn đến nhiễm trùng gây tình trạng bệnh nặng hơn. Thay vào đó, cần đến ngay các cơ sở y tế có uy tín để được hỗ trợ đúng chuyên môn; tuyệt đối không nên tự trấn an bản thân rằng do mới sử dụng chưa quen để tiếp tục sử dụng sản phẩm, vì như thế khiến bệnh tình càng thêm trầm trọng.

Có thể thấy, mỹ phẩm giả có đất sống, khiến thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam loạn giá, loạn chất lượng một phần cũng là do tâm lý thích hàng hiệu nhưng lại ham rẻ của một bộ phận người tiêu dùng. Tuy nhiên, trước những tác hại không nhỏ của hàng giả, mỗi người tiêu dùng hãy tự bảo vệ mình bằng việc tìm đến các sản phẩm chính hãng từ các cửa hàng có uy tín, yêu cầu cung cấp hoá đơn, chứng từ nhập khẩu. Tuyệt đối đừng vì ham khuyến mại, giá rẻ mà “tiền mất tật mang”.

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]