(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong khi chính sách thu hút y, bác sỹ về công tác, hoạt động tại các bệnh viện công, đặc biệt là tại các bệnh viện tuyến huyện miền núi chưa thu được kết quả, thì nỗi lo về tình trạng “chảy máu” lực lượng y tế công lại đang hiện hữu.

“Cấp cứu” y tế công (Bài 2): Giải bài toán “chảy máu” nhân lực

Trong khi chính sách thu hút y, bác sỹ về công tác, hoạt động tại các bệnh viện công, đặc biệt là tại các bệnh viện tuyến huyện miền núi chưa thu được kết quả, thì nỗi lo về tình trạng “chảy máu” lực lượng y tế công lại đang hiện hữu.

“Cấp cứu” y tế công (Bài 2): Giải bài toán “chảy máu” nhân lực

Bệnh viện đa khoa huyện Mường Lát.

Từ mức thu nhập thấp

Ngồi trong phòng làm việc sau khi cùng kíp mổ thực hiện một ca phẫu thuật khó, bác sỹ chuyên khoa I gây mê hồi sức Trịnh Văn Lê ở Bệnh viện Đa khoa huyện Lang Chánh chia sẻ: Hơn 17 năm trong nghề, anh nhận được mức lương hơn 8 triệu đồng/tháng. Nếu cộng thêm tiền trực, độc hại, làm ngoài giờ và phụ cấp, thì mỗi tháng anh nhận được khoảng 12 - 13 triệu đồng.

Thế nhưng từ năm 2019 đến nay anh cũng như nhiều cán bộ, nhân viên y tế khác tại bệnh viện đang bị nợ lại các khoản tiền phụ cấp, tiền trực, phẫu thuật, thủ thuật... do bệnh viện đang khó khăn về tài chính.

Theo bác sỹ Lê, với mức thu nhập hiện tại, nếu so sánh về trình độ, thâm niên trong nghề thì mức lương của anh nhận được chưa bằng một nửa so với mức lương của những đồng nghiệp làm ở những cơ sở y tế tư.

“Với mức thu nhập từ vị trí công tác hiện tại của tôi cùng mức lương của vợ 7 triệu đồng/tháng, để ổn định cuộc sống, đảm bảo nuôi hai con ăn học, vợ chồng chúng tôi phải hết sức tằn tiện. Có thể nói chưa bao giờ nỗi lo về “cơm áo gạo tiền” lại trở nên khó khăn như thời điểm hiện tại”, bác sỹ Lê cho biết.

Thu nhập có phần hạn chế, song công việc tại bệnh viện lại rất vất vả, khối lượng công việc lớn. Trước khi chưa thực hiện cơ chế tự chủ, lương nhận hàng tháng được đảm bảo còn nay thì thất thường, tháng chậm, tháng thiếu.

Theo bác sỹ Lê, thế hệ y, bác sỹ trước hoặc cùng vào ngành với anh có nhiều người đã rời bỏ bệnh viện. Ngay như ở khoa anh đang công tác, một bác sỹ vừa được cử đi học nâng cao, về hoạt động được 3 năm đã xin ra khỏi bệnh viện. Rồi Trưởng khoa nội cũng xin chuyển công tác… Nguyên nhân là bởi mức thu nhập ở y tế công thấp.

“Bản thân tôi đã có nhiều nơi mời về làm việc với mức lương gấp ba lần hiện tại, nhưng vì tình yêu nghề, sự gắn bó của cả hai vợ chồng với nơi mình công tác mà quyết tâm ở lại”, bác sỹ Lê chia sẻ.

Bác sỹ chuyên khoa II Hoàng Văn Chính, Giám đốc bệnh viện Đa khoa huyện Lang Chánh lo lắng khi chưa giải quyết được bài toán thu hút, thì nỗi lo “chảy máu” lực lượng y tế công lại đang hiện hữu. Ông Chính đơn cử, từ năm 2017 đến nay đã có 8 bác sỹ rời bệnh viện nhưng chưa có sự bổ sung.

Bài toán nào cho “thu hút” và “giữ chân”

Bài toán thu hút và giữ chân không để “chảy máu” nhân lực y tế công không chỉ là câu chuyện của riêng Bệnh viện đa khoa Lang Chánh. Ghi nhận của phóng viên cho thấy, thực trạng trên đang là những bất cập chung, đặc biệt là tuyến y tế miền núi.

“Cấp cứu” y tế công (Bài 2): Giải bài toán “chảy máu” nhân lực

Bác sỹ chuyên khoa I gây mê hồi sức Trịnh Văn Lê, Bệnh viện Đa khoa huyện Lang Chánh.

Ông Hồ Văn Trọng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Lát trăn trở về bài toán nguồn nhân lực chất lượng của y tế huyện nhà. Theo ông, số y, bác sỹ tình nguyện lên huyện vùng biên để công tác còn rất ít, đặc biệt là những năm gần đây. Không có thu hút mới, y tế Mường Lát lại phải đối mặt với xu hướng nguồn nhân lực chuyển về xuôi, thậm chí sẵn sàng rời bỏ.

Từ những khó khăn về tài chính, mức thu nhập thấp của y tế công dẫn đến vấn đề thu hút, bổ sung đội ngũ y, bác sỹ tại các bệnh viện, cơ sở y tế công trở thành bài toán nan giải. Đơn cử như tuyến y tế xã tại huyện Mường Lát số trưởng trạm là bác sỹ mới chỉ chiếm khoảng 50%. Trong khi, với đặc thù vùng miền đòi hỏi sự chủ động từ tuyến cơ sở là hết sức quan trọng.

“Nhu cầu thu hút nguồn lực là rõ, tuy nhiên đến nay dù đơn vị đã đề xuất thu hút lên Sở Y tế, nhưng vẫn chưa thu hút được ai”, ông Trọng thông tin.

Còn tại bệnh viện đa khoa huyện Mường Lát, thống kê trong 2 năm gần đầy, năm 2021 nhu cầu tuyển dụng 10 cán bộ y tế nhưng chỉ được 3. Năm 2022 nhu cầu tuyển dụng 16 nhưng chỉ tuyển được 6, trong đó chỉ có 2 bác sỹ, trong khi nhu cầu là 5… Việc tuyển dụng, thu hút thêm nguồn nhân lực chưa được như kỳ vọng thì thực trạng xin chuyển về xuôi tại Bệnh viện đa khoa Mường Lát lại diễn ra phổ biến.

“Mỗi năm trung bình có từ 2 đến 3 cán bộ y, bác sỹ xin chuyển về xuôi, có những năm số lượng lên tới 5 đến 6 người”, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Mường Lát cho biết.

Ngày 10-12-2021 HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 187/2021/NQ-HĐND về chính sách thu hút bác sĩ trình độ cao và bác sĩ làm việc tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập giai đoạn 2022- 2025 với nhiều cơ chế hấp dẫn. Thế nhưng, khi chính sách thu hút chưa thu được nhiều kết quả, thì bài toán tự chủ ở khối y tế công lại đang đặt ra nhiều vấn đề gây khó khăn cho việc thu hút. Việc phải phụ thuộc chính vào nguồn thu BHYT đang khiến cho nhiều bệnh viện công chậm đầu tư, đổi mới và nâng cao khả năng khám, chữa bệnh cũng như thu hút, giữ chân nguồn nhân lực.

Đình Giang

Tin liên quan:

Đình Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]