(vhds.baothanhhoa.vn) - Hiện mô hình này đang mang lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ giảm nghèo của địa phương.

Sớm ổn định đời sống người dân sống trong các khu bảo tồn thiên nhiên:

Để người dân “sống dựa” vào rừng

Hiện mô hình này đang mang lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ giảm nghèo của địa phương.

Để người dân “sống dựa” vào rừng Người dân được cán bộ, kiểm lâm viên huyện Quan Hóa tuyên truyền cách phục tráng rừng luồng để nâng cao năng suất cây trồng.

Hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất

Năm 2019, xã Bát Mọt (Thường Xuân) có 60 hộ dân tại các thôn: Chiềng, Phống được Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Xuân Liên lựa chọn thực hiện mô hình nuôi vịt bầu cổ xanh. Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ con giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật, kiến thức phòng dịch. Hiện mô hình này đang mang lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ giảm nghèo của địa phương. Ông Lang Đức Thọ, Chủ tịch UBND xã Bát Mọt cho biết: Mô hình nuôi vịt bầu cổ xanh đã góp phần nâng cao thu nhập cho 60 hộ dân trong xã. Hiện 1kg vịt có giá dao động từ 90.000- 100.000 đồng, thị trường ổn định. Ngoài mô hình nuôi vịt, nhiều thôn còn được hỗ trợ kinh phí 40 triệu đồng/thôn, cùng với sự đóng góp kinh phí, ngày công lao động của bà con, tuyến đường nội thôn, nhà văn hóa, công trình nước sạch đã được hoàn thành phục vụ thiết thực cho cuộc sống Nhân dân.

Bên cạnh mô hình vịt bầu cổ xanh, Ban Quản lý Khu BTTN Xuân Liên còn thực hiện 30 mô hình phát triển kinh tế, tạo sinh kế giúp các hộ dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nâng cao thu nhập. Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu BTTN Xuân Liên từ năm 2015 đến nay, có 12 thôn, thuộc 5 xã của huyện Thường Xuân nằm trong vùng đệm của khu bảo tồn được hỗ trợ hơn 1,7 tỷ đồng để xây dựng các mô hình phát triển trồng trọt, chăn nuôi, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng dân sinh. Hiện nay, các mô hình đang phát huy hiệu quả, các công trình dân sinh phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống tinh thần của người dân.

Để tạo sinh kế cho người dân trong vùng lõi, vùng đệm, thông qua các chương trình, dự án Ban Quản lý Khu BTTN Pù Hu đã có những việc làm thiết thực giúp nhiều hộ dân có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội thoát nghèo như: tổ chức thực hiện mô hình nuôi bò cái sinh sản tại các xã Trung Lý (Mường Lát), Trung Thành, Phú Xuân, Nam Tiến, Hiền Kiệt (Quan Hóa) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cho 178 hộ tại 29 thôn, bản tại các xã; thực hiện dự án trồng rừng sản xuất theo chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn xã Nam Tiến; giao khoán bảo vệ rừng 24.038,82ha rừng đặc dụng cho cộng đồng dân cư sinh sống tại các bản vùng đệm khu bảo tồn; hỗ trợ vật liệu làm đường giao thông; đường dẫn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt; đường điện chiếu sáng thôn bản; xây dựng các công trình công cộng khác; hỗ trợ con giống để phát triển sản xuất....

Cũng như các khu BTTN Xuân Liên, Pù Hu, Khu BTTN Pù Luông cũng xây dựng các mô hình sản xuất như: mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản tại xã Lũng Cao; mô hình chăn nuôi vịt tại xã Cổ Lũng (Bá Thước), xã Phú Lệ (Quan Hóa). Thực hiện Quyết định số 24/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Khu BTTN Pù Luông hỗ trợ vật liệu xây dựng các công trình làm đường giao thông, điện chiếu sáng, cổng chào tại 22 thôn, bản thuộc vùng đệm trên địa bàn các huyện Bá Thước và Quan Hóa.

Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết việc tạo sinh kế cho người dân trong vùng lõi, vùng đệm các khu BTTN đang là hướng đi tích cực, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, bảo vệ an toàn tài nguyên “vàng xanh” của quốc gia. Tuy nhiên, nguồn kinh phí hỗ trợ xây dựng các mô hình từ các chương trình, dự án không nhiều, số lượng hộ được thụ hưởng ít, vì vậy đời sống của người dân các khu BTTN vẫn còn nhiều khó khăn.

Trao tư liệu sản xuất cho người dân

Gia đình ông Vi Văn Sơn, thôn Lửa, xã Yên Nhân (Thường Xuân) những ngày này luôn tràn ngập niềm vui, khi được Ban Quản lý Khu BTTN Xuân Liên giao lại 1.500m2 đất rừng sản xuất để gia đình sử dụng. Ông Hùng cho biết: Khi thành lập Khu BTTN Xuân Liên diện tích đất rừng của gia đình đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nằm trong vùng quy hoạch của khu bảo tồn. Không có đất sản xuất cuộc sống gia đình tôi gặp nhiều khó khăn. Nay được Khu BTTN Xuân Liên giao lại cho gia đình để tiếp tục canh tác, có đất để sản xuất sẽ không sợ “cái đói, cái nghèo” nữa chú à.

Trong thời gian qua, Khu BTTN Xuân Liên đã và đang tích cực rà soát lại diện tích rừng của những hộ dân đã có chứng nhận quyền sử dụng đất để đề xuất với cấp có thẩm quyền, bàn giao lại cho người dân quản lý, bảo vệ và sử dụng theo đúng quy định của pháp luật. Hiện nay, Khu BTTN Xuân Liên đã bàn giao hơn 130ha đất rừng sản xuất lại cho các hộ dân.

Ông Lê Hoàng Cường, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thường Xuân cho biết: Việc bàn giao đất rừng đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ trước khi thành lập Khu BTTN Xuân Liên là chính sách nhân văn, giúp người dân có tư liệu sản xuất, góp phần quan trọng trong công tác xóa nghèo bền vững của địa phương.

Để người dân “sống dựa” vào rừng Nhờ tiền hỗ trợ của Nhà nước theo Quyết định 24/2012/QĐ-TTg, Nhân dân thôn Eo Điếu, xã Lũng Cao (Bá Thước) nằm trong Khu BTTN Pù Luông làm đường giao thông.

Cùng với Khu BTTN Xuân Liên, các khu BTTN Pù Hu, Pù Luông cũng đang tích cực rà soát lại diện tích rừng do đơn vị quản lý để đề xuất với cấp có thẩm quyền giao lại cho người dân sống trong vùng đệm khu bảo tồn quản lý, bảo vệ và sử dụng. Hiện nay, hai đơn vị này đã rà soát 2.238ha rừng, trong đó Khu BTTN Pù Hu rà soát được hơn 2.218ha. Việc giao đất rừng cho người dân sinh sống trong khu BTTN sử dụng sẽ là “bệ đỡ” quan trọng giúp họ có tư liệu sản xuất tạo thêm thu nhập.

Trao đổi với chúng tôi ông Lê Đức Thuận, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cho biết: Các khu BTTN Pù Hu, Pù Luông, Xuân Liên là “kho tàng” đa dạng sinh học, lưu giữ các nguồn gen của nhiều loài sinh vật quý hiếm. Hệ động, thực vật ở nơi đây vai trò vô cùng quan trọng trong việc phòng hộ đầu nguồn, giữ và cung cấp nguồn nước tưới, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường. Ngoài chức năng bảo tồn tính đa dạng sinh học của rừng; xây dựng và phát triển vốn rừng; tăng cường khả năng phòng hộ của rừng đầu nguồn, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, giáo dục nâng cao nhận thức môi trường, thực hiện các dự án trồng rừng, sản xuất giống cây lâm nghiệp, các khu BTTN phải cùng cấp ủy và chính quyền địa phương phát triển bền vững kinh tế vùng đệm... Thời gian qua, việc tạo sinh kế cho người dân vùng đệm đã được triển khai, nhưng đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao. Trong thời gian tới, các khu BTTN cần tiến hành rà soát lại diện tích rừng sản xuất để đề xuất với các cấp có thẩm quyền giao lại diện tích rừng cho người dân quản lý, bảo vệ và sử dụng theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các khu BTTN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương có dân sinh sống xung quanh khu bảo tồn xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện, sinh thái, thổ nhưỡng. Cùng với xây dựng các mô hình kinh tế, các huyện cũng cần chỉ đạo các xã tận dụng tiềm năng, lợi thế hỗ trợ người dân phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái, trải nghiệm phù hợp với thực tiễn. Làm được điều này, sẽ góp phần quan trọng nâng cao đời sống của người dân sinh sống trong các khu BTTN, thúc đẩy kinh tế - xã hội miền Tây xứ Thanh ngày càng phát triển.

Bài và ảnh: Xuân Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]