(vhds.baothanhhoa.vn) - Lợi dụng tâm lý muốn đi du học, lao động ở nước ngoài, cùng với việc mở cửa thị trường xuất khẩu lao động, nhiều đối tượng đã dùng thủ đoạn tinh vi, mượn danh các công ty lớn để lừa đảo thông qua hình thức tư vấn, tuyển sinh du học, lao động xuất khẩu. 

Đề phòng “sập bẫy” lừa đi du học và xuất khẩu lao động

Lợi dụng tâm lý muốn đi du học, lao động ở nước ngoài, cùng với việc mở cửa thị trường xuất khẩu lao động, nhiều đối tượng đã dùng thủ đoạn tinh vi, mượn danh các công ty lớn để lừa đảo thông qua hình thức tư vấn, tuyển sinh du học, lao động xuất khẩu.

Hứa hẹn, việc nhẹ lương cao, vào được trường đại học top đầu, đảm bảo uy tín, thủ tục đơn giản, không yêu cầu kinh nghiệm, không biết tiếng sẽ được đào tạo, rồi đãi ngộ rất tốt, tiền lương tính bằng USD tương đương 25-40 triệu đồng/tháng... là một trong vô vàn những lời mời chào được tung ra khắp các nền tảng mạng xã hội cho những ai đã và đang có nhu cầu muốn đi du học, xuất khẩu lao động. Gõ Google tìm kiếm từ khóa: “xuất khẩu lao động”, “du học”... thu về hàng nghìn kết quả đủ để chứng minh độ “hot” của loại hình trên. Không thể phủ nhận, việc đi du học hay đi xuất khẩu lao động đã trở thành xu hướng và giúp nhiều người “đổi đời”. Tuy nhiên, đây cũng là “mảnh đất màu mỡ” để các đối tượng sử dụng chiêu trò lừa đảo tinh vi nhằm chiếm đoạt những đồng tiền mồ hôi nước mắt của người lao động.

Đề phòng “sập bẫy” lừa đi du học và xuất khẩu lao độngNhu cầu đi du học, làm việc ở nước ngoài ngày càng tăng. (Ảnh nguồn Internet)

Theo đó, “núp” bóng các công ty, doanh nghiệp tư vấn và hướng nghiệp các đối tượng lừa đảo tham gia vào các hội nhóm tuyển dụng, du học sinh để bắt đầu hành trình tìm kiếm “con mồi”. Nếu chẳng may rơi vào bẫy, họ sẽ được người tự xưng là “tư vấn viên” giới thiệu, bán lại hồ sơ cho các doanh nghiệp nhưng phần lớn là doanh nghiệp “ma” không có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người đi du học, lao động ở nước ngoài hoặc Trung tâm tư vấn du học “chui”. Tiếp đó, người lao động, du học sinh sẽ được “rót” vào tai những lời tư vấn, cam kết về một tương lai “tươi sáng” khi đăng ký đi xuất khẩu lao động, du học theo công ty. Và dĩ nhiên, không có gì là dễ dàng nếu muốn có được viễn cảnh tươi đẹp bên xứ người, họ sẽ phải bỏ ra một khoản tiền nhất định dao động từ vài chục triệu đến vài nghìn USD (cho từng loại hình dịch vụ); sau khi chuyển tiền thành công, các tài khoản này cung cấp bản chụp phiếu biên nhận, căn cước công dân và bản hợp đồng có đóng dấu của công ty để người dân tin tưởng và tiếp tục đóng các khoản phí khác.

Đề phòng “sập bẫy” lừa đi du học và xuất khẩu lao độngNhiều hội nhóm mời tư vấn, giới thiệu xuất khẩu lao động. Ảnh chụp màn hình

Mặt khác, để củng cố thêm niềm tin “tư vấn viên” còn liên tục đưa ra bằng chứng, hình ảnh những học viên, người lao động đã “xuất ngoại” thành công. Trên thực tế, đa số người lao động, du học sinh do ở xa hoặc qua giới thiệu nên tin tưởng không đến trực tiếp công ty để làm việc, xác minh thông tin và trực tiếp ký hợp đồng, chỉ liên hệ, trao đổi và làm việc thông qua mạng xã hội và số điện thoại. Cho tới lúc đến thời hạn mà không được xuất cảnh, liên hệ với các tài khoản và số điện thoại trên đều bị khóa hoặc chặn liên lạc thì mới “ngã ngửa” biết mình bị lừa.

Đề phòng “sập bẫy” lừa đi du học và xuất khẩu lao độngNhững lời hứa “hão” nhưng người dân nhẹ dạ vẫn chi "tiền thật". (Ảnh minh họa)

Nhằm ngăn ngừa những rủi ro, hạn chế tối đa tổn thất của người lao động Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không tin vào các thông tin mời chào, hứa hẹn về việc làm trên các website, facebook, zalo... Đồng thời, người lao động có nhu cầu đi lao động, học tập, làm việc ở nước ngoài nên tra cứu thông tin về doanh nghiệp có Giấy phép tại Trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước tại địa chỉ www.dolab.gov.vn" - Cục Quản lý lao động ngoài nước cảnh báo. Mặt khác, liên hệ cơ quan lao động, chính quyền địa phương nơi thường trú để được cung cấp và tiếp cận nguồn thông tin chính thống liên quan đến doanh nghiệp đưa đi làm việc ở nước ngoài; các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của địa phương đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Đề phòng “sập bẫy” lừa đi du học và xuất khẩu lao độngNgười lao động nếu muốn đi xuất khẩu lao động thì nên đến các trung tâm giới thiệu việc làm tin cậy để được đào tạo, đưa đi làm việc hợp pháp. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, học sinh, sinh viên có dự định du học qua các công ty, trung tâm tư vấn dịch vụ, cần tìm hiểu thật kỹ giấy phép, độ uy tín của các cơ sở. Đặc biệt, tuyệt đối không giao dịch, cung cấp thông tin cá nhân để tránh bị các đối tượng xấu dụ dỗ xuất cảnh trái phép cũng như “tiền mất tật mang”.

Bên cạnh đó, nên tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan trước khi quyết định đi làm việc, du học ở nước ngoài như: địa danh, địa điểm nơi mình định đến làm việc, du học, đặc điểm, thông tin nhân thân của người giới thiệu mình đi làm việc tại đó như thế nào... Trong trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân có hoạt động lôi kéo người khác xuất cảnh trái phép cần báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời hướng dẫn, ngăn chặn, điều tra, xử lý.

Phú Lan


Phú Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]