(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngày 20-9-2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định lấy ngày 13-10 hằng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam. Đó là sự khẳng định vai trò, tôn vinh đóng góp của doanh nhân Việt trong xây dựng, phát triển đất nước... Bước qua đại dịch COVID-19, sự bất ổn của tình hình chính trị - kinh tế thế giới khiến các doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các doanh nhân - chủ các doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực vượt qua thách thức, chung tay cùng cộng đồng trong các hoạt động an sinh xã hội.

Doanh nhân: Bản lĩnh và trách nhiệm

Ngày 20-9-2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định lấy ngày 13-10 hằng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam. Đó là sự khẳng định vai trò, tôn vinh đóng góp của doanh nhân Việt trong xây dựng, phát triển đất nước... Bước qua đại dịch COVID-19, sự bất ổn của tình hình chính trị - kinh tế thế giới khiến các doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các doanh nhân - chủ các doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực vượt qua thách thức, chung tay cùng cộng đồng trong các hoạt động an sinh xã hội.

Doanh nhân: Bản lĩnh và trách nhiệmNhằm tháo gỡ khó khăn, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, đoàn doanh nhân Thanh Hóa tham dự Hội nghị kết nối giao thương Thanh Hóa - Quảng Ninh. (Ảnh: Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa)

Trước khi có ngày doanh nhân Việt Nam, vai trò của doanh nhân đối với xã hội và sự phát triển đất nước đã được đề cao. Năm 1945, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập. Tuy nhiên, Nhà nước mới lúc bấy giờ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, đặc biệt là về tài chính.

“Quốc khố gần như trống rỗng, kinh tế kiệt quệ, chưa thu được thuế, Ngân hàng Đông Dương còn nằm trong tay tư bản Pháp, ngân quỹ Chính phủ chỉ vẻn vẹn có 1,25 triệu đồng Đông Dương, nhưng trong đó có tới 580 nghìn đồng rách nát, đang chờ tiêu hủy, các khoản nợ của chính phủ bù nhìn, tay sai để lại lên đến 564 triệu đồng... Những khó khăn tài chính càng thêm chất chồng khi quân Tưởng ép chúng ta dùng tiền Quan kim, Quốc tệ. Tình hình đó đòi hỏi chính quyền cách mạng cần nhanh chóng có biện pháp bảo đảm tài chính, tạo cơ sở vững chắc để có thể tiến hành các nhiệm vụ quan trọng tiếp theo” (theo Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam).

Trước tình thế khó khăn bủa vây khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập “Quỹ độc lập” và “Tuần lễ vàng” nhằm quyên góp tiền, vàng của người dân cho Chính phủ. Tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, khi đó, cùng với đông đảo Nhân dân cả nước, các doanh nhân, nhà tư sản dân tộc đã hăng hái đóng góp, ủng hộ. Và chỉ sau thời gian ngắn, “Quỹ độc lập” và “Tuần lễ vàng” đã thu được hơn 20 triệu đồng Đông Dương, cùng với 370 kg vàng. Tiêu biểu là vợ chồng nhà tư sản - doanh nhân Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ - chủ hãng tơ lụa sợi nổi tiếng thời bấy giờ đã quyên góp trên 5.000 lượng vàng!

Chính từ sự đóng góp tích cực của Nhân dân, tiêu biểu là các doanh nhân, nhà tư sản dân tộc khi ấy đã giúp Chính phủ từng bước vượt qua những khó khăn. Bởi vậy, trong bộn bề công việc, ngày 13-10-1945, Bác Hồ kính yêu đã viết thư gửi cho giới công thương Việt Nam. Trong thư, Bác động viên, khích lệ và khẳng định vai trò, sứ mệnh của doanh nhân. Thư Bác viết: “Hiện nay công thương cứu quốc đoàn đương hoạt động để làm được nhiều việc ích quốc, lợi dân. Tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt. Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ, Nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng...” (theo Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam).

Theo lời dạy của Bác Hồ, trong mọi thời kỳ, tiến trình phát triển của đất nước, luôn có dấu ấn, đóng góp quan trọng của doanh nhân Việt.

Ngày 12-10-2022, phát biểu tại Lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: “Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, doanh nghiệp Việt Nam đã không ngừng phát triển và nâng cao về nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận, hiệu quả sử dụng lao động; thể hiện vai trò là lực lượng chủ lực quản lý, tổ chức các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc. Các doanh nghiệp, doanh nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hoạt động không chỉ trong nước mà nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới. Đồng thời xuất hiện một lực lượng doanh nhân trẻ, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, khởi nghiệp thành công các mô hình kinh doanh mới, sáng tạo”.

Trong sự phát triển chung của đất nước, có dấu ấn, đóng góp không nhỏ của doanh nghiệp - doanh nhân Thanh Hóa. Anh hùng Lao động Lê Văn Tam, người gắn bó máu thịt với vùng đất Lam Sơn - Sao Vàng, ông là người không chỉ “hồi sinh” Nhà máy Mía đường Lam Sơn mà còn định vị một thương hiệu của xứ Thanh trên “bản đồ” tiêu dùng cả nước. Để đến hôm nay, nhắc đến Lam Sơn với những đường, sữa, dưa... người ta lại nhớ đến “ông Tam”; rồi ông “vua” cáp treo tại Việt Nam, Lê Viết Lam - người sáng lập Tập đoàn Sun Group...; năm 2022, Thanh Hóa có 3 doanh nhân trẻ được vinh danh tại lễ trao Giải thưởng Sao đỏ - Doanh nhân trẻ Việt Nam tiêu biểu 2022.

Trong quá trình phát triển, doanh nhân Thanh Hóa luôn đồng hành cùng các cấp, ngành, chính quyền, địa phương trong các hoạt động an sinh xã hội.

Doanh nhân: Bản lĩnh và trách nhiệmDoanh nhân Nguyễn Thị Hồng (ngoài cùng bên phải) tích cực trong các hoạt động nhân đạo, từ thiện (ảnh doanh nhân Nguyễn Thị Hồng chụp cùng bà cháu Trịnh Hoài Thu).

Tôi nhớ đến doanh nhân Nguyễn Thị Hồng - Phó Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Đầu tư phát triển Nông thôn Miền Tây, người đã đồng hành cùng người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số thông qua những hoạt động nhân đạo, từ thiện, xây dựng công trình phúc lợi, an sinh. Đặc biệt, sau đại dịch COVID-19, chị Nguyễn Thị Hồng còn khẳng định trách nhiệm doanh nhân khi nhận đỡ đầu cho hàng chục em nhỏ không may mắn bị mất cha mẹ do đại dịch.

Em Trịnh Hoài Thu trú tại thôn 8, xã Thuận Minh (Thọ Xuân) có hoàn cảnh khó khăn, từ khi sinh ra em đã thiếu tình thương của bố, năm 2021, mẹ em qua đời vì COVID-19. Cô bé Hoài Thu bơ vơ buộc phải từ Bình Dương về quê xã Thuận Minh để nương nhờ bà ngoại. Tuy nhiên, bà ngoại ngoài 90 tuổi cũng không còn đủ sức chăm lo cho cháu gái. Trước hoàn cảnh ấy, doanh nhân Nguyễn Thị Hồng đã nhận đỡ đầu cho cháu Hoài Thu. Chị thường xuyên quan tâm, thăm hỏi và giúp đỡ hai bà cháu trong việc trang trải chi phí sinh hoạt thường ngày. Em Trịnh Hoài Thu chia sẻ: “Mẹ Hồng thường động viên em cố gắng học hành, mẹ bảo em cứ học tốt, mẹ sẽ giúp đỡ. Phải học thì mới mong tương lai tốt hơn được”.

Công ty CP Xây dựng và Đầu tư phát triển Nông thôn Miền Tây là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu trong các hoạt động an sinh xã hội. Trong 9 tháng năm 2023, doanh nghiệp đã ủng hộ số tiền hơn 2 tỷ đồng. Doanh nhân Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Dù gặp phải nhiều khó khăn, nhưng với tất cả sự cố gắng, công ty chúng tôi luôn mong muốn sẻ chia đến cộng đồng, giúp đỡ những hoàn cảnh không may mắn thông qua các chương trình nhân đạo, từ thiện, nhằm góp phần cùng các cấp chính quyền, hỗ trợ người dân trong hoạt động an sinh xã hội”.

Cùng với những nỗ lực, đóng góp của doanh nghiệp - doanh nhân, thẳng thắn nhìn nhận, các doanh nghiệp Việt nói chung, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Theo Báo cáo 9 tháng năm 2023 của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa: Những diễn biến bất ổn của tình hình chính trị - kinh tế thế giới, lạm phát tăng cao, nguyên vật liệu đầu vào khan hiếm, tăng giá, không ổn định; dòng vốn cho sản xuất bị ngưng trệ ở nhiều thời điểm; sự chồng chéo, bất cập của các nghị định, thông tư; hạ tầng kỹ thuật thiếu đồng bộ... đã khiến cho “sức khỏe” của doanh nghiệp “ốm yếu”. Để vượt qua những khó khăn, thách thức, ngoài nỗ lực tự thân, doanh nghiệp cần sự “trợ lực” từ chính sách hỗ trợ để phục hồi, phát triển.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]