(vhds.baothanhhoa.vn) - Chiếm tỷ lệ rất nhỏ trên tổng dân số của tỉnh, gần 7.000 đồng bào dân tộc Dao Thanh Hóa hiện đang sống tại các thôn, bản khu phố ở các huyện: Mường Lát, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc. Để giữ gìn được văn hóa truyền thống, vươn lên phát triển kinh tế là điều rất khó khăn. Tuy vậy, tự hào là dân tộc có chữ viết, có tiếng nói riêng, có những giá trị văn hóa đặc sắc, người Dao xứ Thanh đang vươn lên mạnh mẽ, cùng với cộng đồng các dân tộc để đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.

Đổi thay ở những thôn, bản người Dao: Nỗ lực vượt khó phát triển kinh tế

Chiếm tỷ lệ rất nhỏ trên tổng dân số của tỉnh, gần 7.000 đồng bào dân tộc Dao Thanh Hóa hiện đang sống tại các thôn, bản khu phố ở các huyện: Mường Lát, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc. Để giữ gìn được văn hóa truyền thống, vươn lên phát triển kinh tế là điều rất khó khăn. Tuy vậy, tự hào là dân tộc có chữ viết, có tiếng nói riêng, có những giá trị văn hóa đặc sắc, người Dao xứ Thanh đang vươn lên mạnh mẽ, cùng với cộng đồng các dân tộc để đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.

Đổi thay ở những thôn, bản người Dao: Nỗ lực vượt khó phát triển kinh tếChị Tặng Thị Mụi, chủ nhà vườn San Mụi ở bản Suối Tút, xã Quang Chiểu (Mường Lát).

Những ngày cuối đông này khi cái lạnh bao phủ không gian, xuyên thấu vào cơ thể, tôi trở lại xã vùng cao Quang Chiểu (Mường Lát), nơi chỉ có núi đồi và những con đường ngoằn ngoèo. Chỉ 30 km từ trung tâm huyện lên đến 2 bản Con Dao, Suối Tút (xã Quang Chiểu) mà chúng tôi đi gần 2 giờ đồng hồ. Dù những con đường đã rộng hơn, nhưng cũng chẳng hề dễ dàng gì. Bản nghèo, nhưng sạch sẽ. “Từ khi con đường nối từ bản Pùng đi Suối Tút, Con Dao hoàn thành vào năm 2021, và có cây cầu cứng thì nhiều bà con đã tiếp xúc với việc làm kinh tế, chuyển đổi mô hình sản xuất”, ông Tặng Văn Lai, trưởng bản Suối Tút giới thiệu với chúng tôi.

Quả thật, chỉ mới khoảng chục năm trước, khi nhà nước đưa cây xoan về trồng ở đây, bà con cứ thế trồng, hướng dẫn gì làm nấy. Nhưng nay cái gì nhìn thấy ra tiền thì bà con mới học và làm theo rất nhanh.

Với 25 hộ/127 khẩu, Suối Tút là bản có số người Dao ít nhất trong số 11 thôn bản, khu phố người Dao trong toàn tỉnh. Nếu trước đây, người dân chỉ trồng lúa, trồng sắn, nuôi vài ba con gà trong nhà thì nay đã có nhiều sự thay đổi. Có lẽ chẳng ai nghĩ ở trên xứ xa tít mù này lại có nhà vườn, và đó cũng là cảm giác của chúng tôi khi nhìn thấy biển tên “Nhà vườn San Mụi”. Rất tình cờ, trong một lần sang Lào thăm nhà ngoại, được ăn những múi cam ngon ngọt, hai vợ chồng anh Phan Văn San và chị Tặng Thị Mụi nói với nhau: “Ông bà trồng được thì mình cũng trồng thử xem. Mới đó mà đã hơn 10 năm rồi đấy chị ạ”, Mụi sinh năm 1992 nên xưng hô với tôi như thế.

Và từng hạt cam đâm qua những hốc đá cứ thế lớn lên, như những con người ở đây vươn lên mạnh mẽ. Với hơn 1 ha đất, gia đình Mụi đến nay đã trồng được gần 200 gốc cam, trung bình mỗi cây cho thu hoạch từ 60-70kg. Dù mới thu hoạch được 3 năm nay, nhưng sau khi trừ tất cả vẫn thu được từ trên 100 triệu đồng/năm.

Cũng vì địa bàn ở đây khá xa trung tâm, nên nhiều khi thanh niên không biết đi chơi chỗ nào. Và nhà vườn San Mụi là điểm lựa chọn của thanh niên trong xã và một số xã lân cận. “Các em đến đây được tham quan, chụp ảnh và hái cam ăn thoải mái, mà chỉ mất tiền vé vào cửa là 20.000 đồng/người”, em Sùng A Tông, người bản Pù Đứa nói. Nghe thấy vậy, Mụi vừa nhìn chúng tôi trò chuyện vừa cười, ánh mắt em rất vui: “Tiền cũng quan trọng chị ạ. Nhưng em vui nhất là có khách đến tham quan vườn. Có khi em thu được 10 triệu/ngày cuối tuần từ tiền vé, nước uống, đồ ăn... Vui lắm, cả nhà đều làm việc hăng hái”.

Nhìn thấy gia đình Mụi có tiền ra tiền vào, trong bản hiện nay có trên 5 hộ cũng đang làm mô hình này. Trưởng bản Tặng Văn Lai chính là một trong những hộ gia đình học theo. Gia đình anh có trên 1ha với gần 400 gốc cam. Cam ở Suối Tút là giống cam Lào có vị chua ngọt dễ chịu và đặc biệt vỏ có mùi thơm đậm đặc tinh dầu. Trước đó gia đình anh cũng làm lúa, trồng xoan nhưng không hiệu quả. “Chưa biết thế nào, nhưng nhìn những trái cam đỏ mẩy vỏ khiến chúng tôi tự tin vào những vụ mùa tiếp theo ở trên bản mình”.

10 năm làm trưởng bản, ông Tặng Văn Lai hiểu hơn ai hết những khó khăn của chính mình và người dân. “Nếu hỏi số hộ nghèo thì cả bản, cô ạ. Nhưng 2 - 3 năm lại đây, được nhà nước đầu tư xây dựng NTM, trẻ nhỏ được đến trường, dù tỷ lệ hộ nghèo chưa có sự thay đổi, vẫn là 20 hộ nghèo, và 5 hộ cận nghèo, vì thiếu tiêu chí về điện, nhưng đời sống bà con thì thực sự đã đổi thay rất nhiều”.

Không chỉ có trồng cam, ở bản Suối Tút hiện nay phụ nữ và người già ở nhà thêu dệt thổ cẩm người Dao, làm thuốc và chăn nuôi làm nương làm rẫy, nam giới hầu hết đi ra làm ăn phát triển kinh tế. Đặc biệt, những hộ gia đình có người đi xuất khẩu lao động đều đã xây nhà 2 tầng. Điển hình là gia đình anh Tặng Văn San, nhờ số tiền anh gửi về hàng tháng là gần 40 triệu mà vợ và con anh đã xây được ngôi nhà khang trang nhất bản Suối Tút.

Phải khẳng định chỉ cách đây có vài ba năm, đồng bào dân tộc Dao sống ở Mường Lát trên 4 bản: Con Dao, Suối Tút, Pù Quăn và Hạ Sơn 100% là hộ nghèo thì đến nay, nhờ sự nỗ lực của chính quyền, sự vươn lên của bà con mà đã có 62/188 hộ thoát nghèo. Nếu ở Con Dao, Suối Tút, cây cam đang là cây thoát nghèo của bà con thì ở Hạ Sơn, Pù Quăn, những cây thuốc lá của người Dao đã và đang mang lại đời sống ấm no hơn.

Cẩm Thủy là huyện có số người Dao sinh sống nhiều nhất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa với hơn 3.600 người tại các xã Cẩm Bình, Cẩm Liên, Cẩm Châu và thị trấn Phong Sơn. Về Bình Yên, xã Cẩm Bình (Cẩm Thủy), thôn “giàu có” trong các bản người Dao ở Thanh Hóa nói chung và Cẩm Thủy nói riêng,những ngày này bà con đang rộn ràng chuẩn bị tổ chức tết năm cùng để báo cáo kết quả tăng gia sản xuất và phát triển kinh tế lên tổ tiên và cầu sang năm mới mưa thuật gió hòa, kinh tế phát triển hơn năm cũ. Với 156 hộ/570 nhân khẩu, thôn Bình Yên đang phát triển từng ngày, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn là 0,6% tương đương với 10 hộ. Điều đặc biệt là trong thôn có 96% hộ gia đình có nhà kiên cố, và có 1,2% hộ giàu; bình quân thu nhập trên đầu người đạt trên 46 triệu đồng/năm.

Triệu Văn Thắng (sinh năm 1985) bắt tay làm trang trại đúng vào giai đoạn nhạy cảm, ngay trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, nên 2 lứa gà đầu tiên anh bị thua lỗ nặng. “Ngay lập tức tôi quyết định chuyển hướng nuôi gà choai thay vì nuôi gà thịt”. Đầu tư có quy mô, ban đầu là trên 1.500 con gà, sau đó phát triển thêm 2.000 con gà, tổng cộng gần 4.000 con gà. “Nhiều người nói tôi liều. Dù chẳng dám nói, liều ăn nhiều nhưng tôi nghĩ với người nông dân như tôi, không trồng trọt được thì chỉ còn cách chăn nuôi. Nuôi gà thịt, cuối năm giá bấp bênh lại thường xuyên bị dịch bệnh. Tôi đã lựa chọn nuôi gà choai. Nuôi ngắn ngày thì xoay vòng vốn nhanh”, Thắng chia sẻ. Anh thường nhập gà giống mới nở được từ 1 - 2 ngày, sau 50 ngày nuôi theo đúng quy trình khoa học, anh bán ra thị trường. Trung bình mỗi năm anh nuôi và bán được 4 lứa, mỗi lứa lãi gần 40 triệu đồng.

Từ thôn Bình Yên chúng tôi đến nhà anh Triệu Kim Sơn ở thôn Bình Sơn thăm mô hình trồng rừng và chăn nuôi . “Mỗi năm thu nhập 200 triệu đồng đấy. Giàu nhất thôn Bình Sơn chúng tôi”, ông Triệu Văn Sinh, Bí thư Chi bộ thôn Bình Sơn giới thiệu. Giọng thủ thỉ, nhẹ nhàng, anh Sơn cho biết: "Không quyết tâm làm thì có lẽ gia đình vẫn còn là hộ nghèo. Trước đây, tôi chỉ trồng sắn, trồng ngô. Không thiếu ăn đâu nhưng quanh năm ngày tháng chẳng có đồng dư dật. Với sự hướng dẫn của cán bộ xã, gia đình ban đầu tôi chuyển đổi mô hình sang trồng keo, và sau đó kết hợp chăn nuôi. Cuộc sống từ đó đổi khác”.

Di cư từ xã Cẩm Châu về thôn Bình Sơn, xã Cẩm Bình năm 1971, 16 hộ dân đồng bào dân tộc Dao đã xây dựng thôn ngày một phát triển. Sau hơn 50 năm, đến nay, số dân ở đây lên tới 94 hộ với trên 466 nhân khẩu, thu nhập bình quân đầu người là 45 triệu/năm. Không chỉ có gia đình anh Sơn, rất nhiều hộ trong thôn vừa trồng rừng, vừa đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà theo hướng hàng hóa. Một số hộ khác thì buôn bán tạp hóa, dịch vụ máy xay xát, đi làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp, xuất khẩu lao động... Vì thế tỷ lệ nghèo ở Bình Sơn chỉ còn 2,12%.

Vẫn biết, cuộc sống của đồng bào Dao trong tỉnh còn nhiều khó khăn, nhưng những kết quả có được là một hành trình dài nỗ lực. “Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương trong việc tích cực tuyên truyền vận động bà con trồng rừng, phát triển mô hình cây ăn quả, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà theo hướng hàng hóa. Và hơn hết là sự nỗ lực vươn lên cải thiện đời sống của chính bản thân người dân. Để người Dao phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, con đường ấy không xa lắm, và tôi tin người Dao chúng tôi sẽ làm được”, đó là lời ông Triệu Minh Xiết, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát.

Bài và ảnh: Xuân Cường - Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]