(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngày 24-2-2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 148/QĐ-TTg về Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, nhằm thay thế, khắc phục những tồn tại, hạn chế ở Bộ tiêu chí theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg năm 2019.

Ghi nhận bước đầu từ việc phân cấp đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP

Ngày 24-2-2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 148/QĐ-TTg về Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, nhằm thay thế, khắc phục những tồn tại, hạn chế ở Bộ tiêu chí theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg năm 2019.

Ghi nhận bước đầu từ việc phân cấp đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOPCác sản phẩm OCOP của huyện Thạch Thành tham gia trưng bày tại một sự kiện.

Ông Bùi Công Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), cho biết: Ngoài việc nâng cao tiêu chí, chất lượng và một số nội dung khác thì trong Quyết định 148 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc phân cấp đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP. Theo đó, UBND cấp huyện đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao; UBND cấp tỉnh đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao; Trung ương đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 5 sao (OCOP cấp quốc gia). Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được quy định họp 1 lần thay vì 2 lần theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg. Như vậy, hội đồng cấp huyện sẽ tăng vai trò, trách nhiệm trong nhiệm vụ đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP. Mặc dù đây không phải là nhiệm vụ mới, song đòi hỏi trách nhiệm, năng lực, tính công tâm tuyệt đối mới mang lại sản phẩm OCOP chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường.

Để thực hiện Quyết định 148/QĐ-TTg, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh đã tập huấn, triển khai những điểm mới cho các huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, giao chuyên viên phụ trách theo dõi, hướng dẫn và giám sát hoạt động hoàn thiện hồ sơ, chấm, đánh giá, xếp hạng sản phẩm. Tại huyện Thạch Thành - địa phương đầu tiên của tỉnh thực hiện chấm, đánh giá sản phẩm OCOP theo Quyết định 148, mặc dù nhiều điểm mới, trọng trách lớn, song UBND huyện đã yêu cầu hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện nêu cao tinh thần trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, ban hành các nghị quyết, kế hoạch, quyết định, công văn để triển khai, chỉ đạo thực hiện chương trình trên toàn huyện. Trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của huyện, các chủ thể sản xuất đã hiểu thêm được vai trò, lợi ích để đầu tư phát triển sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đầu tư máy móc hiện đại để phát triển sản phẩm theo chu trình OCOP.

Trong tháng 4-2023, UBND huyện Thạch Thành đã tổ chức chấm, đánh giá và chọn được 4 sản phẩm OCOP 3 sao đợt 1 năm 2023, gồm: Nếp hạt cau Phú Quý, Cam Vy Giang, Giò lụa Cường Tâm, Bánh lá Tiến Hưng. Ông Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP huyện Thạch Thành, cho biết: Thực tế, việc thực hiện chấm, đánh giá sản phẩm OCOP của huyện đã chọn ra các sản phẩm tham dự vòng đánh giá xếp hạng cấp tỉnh theo quyết định cũ. Do đó, huyện không gặp khó khăn trong khâu tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, với bộ tiêu chí mới có nhiều quy định, thủ tục mới nên việc sắp xếp hoàn thiện hồ sơ cho sản phẩm tham gia còn lúng túng. Bên cạnh đó, trong bộ tiêu chí có nhiều chi tiết về chất lượng, mẫu mã... mang tính cảm quan nên chưa đánh giá triệt để, thực chất được chất lượng sản phẩm.

Theo thông tin từ Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM, ngoài huyện Thạch Thành trên địa bàn tỉnh còn 4 đơn vị cấp huyện, gồm: Thiệu Hóa, Lang Chánh, Đông Sơn, Quảng Xương đã thực hiện đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP theo bộ tiêu chí mới. Mặc dù là nhiệm vụ mới, song các hội đồng cấp huyện đã làm tốt vai trò tổ chức, giám sát, lựa chọn được tổng số 22 sản phẩm OCOP mới chất lượng, uy tín, có sức cạnh tranh trên thị trường. Hầu hết các sản phẩm khi tham gia đánh giá, xếp hạng đều phải hoàn thiện, nâng cao chất lượng so với bộ tiêu chí trước đây.

Bà Ngân Thị Quyến, bản Năng Cát, xã Trí Nang (Lang Chánh) - chủ thể sản xuất sản phẩm Rượu siêu men lá Bình An, cho biết: “Tham gia chấm, đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2023 đòi hỏi nâng cao các tiêu chí, chi tiết hơn so với thời gian trước đây. Đồng thời, hướng tới giá trị văn hóa và tác động lớn đến cộng đồng. Do đó, UBND huyện đã hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện hồ sơ, chuẩn hóa quy trình sản xuất theo quy định ở các tiêu chí; hỗ trợ chủ thể tham gia quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ trên thị trường nhất là gắn việc tiêu thụ sản phẩm với phát triển du lịch tại địa phương. Nhờ đó, sản phẩm Rượu siêu men lá Bình An của chúng tôi đã được UBND huyện công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao năm 2023”.

Từ thực tế tại các địa phương cho thấy, việc phân cấp sẽ giúp định vị và phân biệt rõ ràng hơn về sản phẩm OCOP, giúp người tiêu dùng hiểu và nắm rõ hơn về đặc điểm của sản phẩm; nâng cao vai trò, trách nhiệm và sự chủ động của cấp huyện trong việc hỗ trợ phát triển sản phẩm và tổ chức kiểm tra, giám sát sản phẩm OCOP. Đồng thời, giảm tải khối lượng công việc cho Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh. Đồng thời, việc phân cấp giúp nâng cao năng lực hỗ trợ các chủ thể của cán bộ quản lý OCOP cấp huyện, xã; tạo động lực để các chủ thể OCOP phát triển và hoàn thiện sản phẩm sau khi được đánh giá, phân hạng, tạo động lực phấn đấu để sản phẩm được đánh giá ở hạng sao cao hơn.

Bài và ảnh: Lê Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]