(vhds.baothanhhoa.vn) - Điểm số, thứ hạng, trường top đầu... là những từ đã và đang đè nặng lên đôi vai của mỗi học sinh giai đoạn chuyển cấp, thi đại học. Đây cũng là một trong những lý do khiến tỷ lệ trầm cảm ở lứa tuổi vị thành niên ngày càng gia tăng, gây nhiều hệ lụy.

Hãy để cho con trẻ có một thanh xuân rực rỡ

Điểm số, thứ hạng, trường top đầu... là những từ đã và đang đè nặng lên đôi vai của mỗi học sinh giai đoạn chuyển cấp, thi đại học. Đây cũng là một trong những lý do khiến tỷ lệ trầm cảm ở lứa tuổi vị thành niên ngày càng gia tăng, gây nhiều hệ lụy.

Thành tích “ảo”... chỉ tiêu “ảo”...

Chúng ta vẫn thường nói thời học sinh là quãng thời gian đẹp nhất trong những năm tháng thanh xuân; cái thời vô lo, vô nghĩ, không bị cơm áo gạo tiền vướng bận ấy khiến bất kỳ ai cũng “thèm khát” được quay trở lại một lần. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển của xã hội, ngày nay mỗi học sinh ở độ tuổi “cắp sách tới trường” lại luôn bị ám ảnh bởi thứ hạng, điểm số, bằng cấp...

Hãy để cho con trẻ có một thanh xuân rực rỡ

Trên vai các con là gánh nặng về điểm số, sự kỳ vọng của phụ huynh và nhà trường. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet).

Anh T. (trú tại phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) bộc bạch: “Có con đang trong độ tuổi chuyển cấp, thi đại học bất kỳ bố mẹ nào cũng luôn trong tình trạng nơm nớp lo sợ. Không chỉ những đứa trẻ chịu áp lực tâm lý điểm số, trường top đầu mà chính chúng tôi cũng chịu những áp lực như vậy. Ai mà chẳng muốn con mình thành công, đỗ đạt vào các trường có tiếng để ra trường có nhiều sự lựa chọn hơn cho công việc. Vẫn biết, bây giờ bằng cấp không còn bị đặt nặng như trước nhưng đôi khi không có nó lại là trở ngại lớn của các con trên bước đường đời”.

Trên thực tế, học sinh bây giờ tham gia các lớp học thêm từ rất sớm. Thay vì được tham gia hoạt động trải nghiệm ngoại khóa, vui chơi với đúng lứa tuổi của trẻ thì chúng phải học thêm tiếng Anh, học nâng cao toán, âm nhạc, mỹ thuật.... Và dĩ nhiên, điều này không xuất phát từ sở thích hay mong muốn của con, bởi 4-5 tuổi thì có đứa trẻ nào lại thích đi học mà đều do sự sắp xếp từ gia đình. Trẻ cũng bị “nhồi nhét” tư tưởng rằng, chỉ có học mới có điểm cao, mới là giỏi, mới là thành công và cứ thế không ngừng chạy theo điểm số.

Hãy để cho con trẻ có một thanh xuân rực rỡ

Áp lực học tập khiến nhiều trẻ mắc bệnh tâm lý. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet).

Chị L. (trú tại phường Điện Biên, TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Thực chất, bản thân người làm cha, làm mẹ chúng tôi cũng chẳng ai muốn ép con mình đi học thêm, nhưng chương trình học bây giờ ngày càng khó nếu không cho con đi học thêm sợ không theo kịp bạn bè đồng trang lứa. Nên cứ chỗ nào “mách” có thầy, cô dạy giỏi tôi đều cho con đi học. Chi phí học học thêm cũng đâu có rẻ, nên phụ huynh chúng tôi vừa áp lực về chuyện học tập của con lại vừa áp lực về kinh tế. Nhiều khi vất vả cũng chỉ nghĩ đến câu thôi thì “hy sinh đời bố, củng cố đời con” với mong muốn con mình không thua kém bạn bè cùng trang lứa và sau này sẽ đỗ đạt, thành công”.

Hãy để cho con trẻ có một thanh xuân rực rỡ

Căn bệnh thành tích vẫn còn rất nặng nề. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet).

Thực tế, nền giáo dục ở nước ta vẫn đang nặng về lý thuyết độ khó cũng như số lượng các bài tập, bài kiểm tra nhiều, nhà trường ra sức nhồi nhét kiến thức, gia đình lại quá căng thẳng với với những mong đợi đòi hỏi cấp nọ bằng kia nên áp lực về điểm số, thứ hạng của học sinh, sinh viên là điều khó tránh khỏi. Không phân biệt thành thị hay nông thôn, tiểu học hay THCS, THPT. Thành tích “ảo”, chỉ tiêu “ảo” vốn dĩ vẫn “đeo bám” là thước đo đánh giá năng lực mỗi người, quyết định được sự thành công ở tương lai. Vô hình chung, khiến những đứa trẻ bị “tước đi” tuổi thơ vốn có dẫn đến bức tranh bi hài về thế hệ “con nhà người ta”, “robot thiên tài”.

Giọt nước tràn ly”...

Một thực tế đáng buồn, việc học sinh, sinh viên trầm cảm dẫn đến tự tử xảy ra trong thời gian gần đây có liên quan tới vấn đề điểm số và học lực vẫn đang không ngừng tăng lên. Theo báo cáo khảo sát hành vi sức khỏe của học sinh toàn cầu tại Việt Nam của WHO và Báo cáo nghiên cứu chăm sóc sức khỏe tâm thần ở trường học của tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam gần đây cho thấy: gần 14% học sinh tTHCS và 18% học sinh THPT từng có ý định tự tử, gần 10% học sinh THCS và 16% học sinh THPT thường cảm thấy cô đơn, 16% học sinh nam và 28% học sinh nữ rối loạn lo âu. Chưa kể, các hội nhóm, fanpage rủ nhau tử tự vẫn ngang nhiên xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Đây cũng là hồi chuông báo động tới nhiều cha mẹ cần quan tâm hơn nữa đến tâm sinh lý của con ở lứa tuổi teen.

Hãy để cho con trẻ có một thanh xuân rực rỡ

Hội nhóm tự tử xuất hiện trên mạng xã hội thu hút nhiều thành viên. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet).

Em V. – học sinh Trường THPT Đào Duy Từ chia sẻ: “Mỗi ngày, ngoài học chính khóa ở lớp em còn phải tham gia các ca học thêm để ôn luyện chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học. Mặc dù, chỉ mới tháng 3 nhưng không khí thi đã “nóng” hơn bao giờ hết; chương trình học nhiều khiến em rất mệt mỏi, căng thẳng hơn cả chính là áp lực từ bố, mẹ em. Nhà em có 3 anh chị em, anh chị đều đỗ đại học vào trường “hot”, ngành “hot” nên bố mẹ đặt rất nhiều kỳ vọng vào em. Áp lực bủa vây, nhiều lúc em mệt mỏi, có lúc muốn nghỉ vài ngày để đi chơi, xả stress với bạn bè, có lúc muốn buông xuôi tất cả. Nhưng, nhìn thấy bạn bè ai nấy cũng “cắm đầu” vào học nên em lại cố gắng học để đạt được mục tiêu của gia đình”.

Hãy để cho con trẻ có một thanh xuân rực rỡ

Cha mẹ hãy giúp con “tránh xa” với... áp lực của việc học. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet).

Cuộc sống hiện đại, thế hệ Gen Z phải gồng mình “chạy đua” với tốc độ phát triển của thời đại, với kỳ vọng của bố mẹ, với mục tiêu không chỉ đơn thuần là “học giỏi, có việc làm ổn định” mà còn “thành công, kiếm nhiều tiền, có một cuộc sống mơ ước”. Trước “đường đua” ấy, đã có không ít em “kiệt sức” cả về sức lực lẫn tâm hồn; vậy nên, cha mẹ nên coi mình là “bạn” cùng con đồng hành, cổ vũ động viên nhằm kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của con trẻ; phối hợp với nhà trường cho trẻ tham gia các hoạt động cân bằng, thư giãn như: vui chơi giải trí, chơi thể thao, dã ngoại. Mặt khác, khi trẻ có các dấu hiệu về tâm lý như lo âu, trầm cảm, các bệnh lý về thể chất như suy nhược cơ thể, sụt cân... nên chủ động đưa con đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.

Thành công của một đứa trẻ khi bước vào cuộc đời không phải chứng minh bằng điểm số, bằng cấp, chứng chỉ... mà nó còn có sự kết hợp của nhiều thứ: tài năng bẩm sinh, nền tảng giáo dục, điều kiện sinh sống, định hướng nghề nghiệp và cả sự may mắn nữa. Không ai có thể khẳng định rằng một đứa trẻ không học trường top đầu, không được điểm số cao là không thể thành công. Vậy nên, thay vì chỉ chăm chăm nhìn vào những “con số” cha mẹ nên trang bị thêm kiến thức về kỹ năng sống, rèn luyện tư duy chủ động và nhạy bén để con trẻ nắm bắt mọi cơ hội, phấn đấu cho mục tiêu tương lai của mình.

Phú Lan


Phú Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]