(vhds.baothanhhoa.vn) - Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Thạch Thành đã lựa chọn các mô hình sinh kế giảm nghèo hiệu quả, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống cho các hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.

Hiệu quả từ các mô hình giảm nghèo tại Thạch Thành

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Thạch Thành đã lựa chọn các mô hình sinh kế giảm nghèo hiệu quả, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống cho các hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.

Hiệu quả từ các mô hình giảm nghèo tại Thạch ThànhChị Bùi Thị Đào, xã Thành Minh thoát nghèo nhờ được hỗ trợ mô hình chăn nuôi bò sinh sản.

Gia đình chị Bùi Thị Đào, xã Thành Minh là hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, năm 2021 chị Đào được hỗ trợ 1 con bò sinh sản (thuộc Dự án 2 “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025). Bên cạnh hỗ trợ bò giống, chị Đào còn được tập huấn cách chăm sóc, vệ sinh chuồng trại, phòng ngừa dịch bệnh. Sau gần 3 năm chăn nuôi, chị Đào đã bán được 2 con bê, trị giá trên 24 triệu đồng. Năm 2023, gia đình chị Đào đã thoát nghèo. Chị Đào cho biết: “Nuôi bò dễ chăm sóc, nguồn thức ăn cũng dễ tìm, lấy công làm lãi, mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình tôi cũng đã có chút vốn để dành”.

Tháng 10/2023, bà Phạm Thị Hoa, ở xã Thạch Sơn đón nhận niềm vui khi căn nhà cũ, xập xệ được thay thế bằng ngôi nhà cấp 4 khang trang, giá trị trên 100 triệu đồng (trong đó có 40 triệu đồng được hỗ trợ từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025). Niềm vui nối tiếp, cuối năm 2023, bà Hoa còn được hỗ trợ 1 con bò cái sinh sản để phát triển kinh tế. Bà Hoa tâm sự: “Đã hơn chục năm qua, tôi phải một mình nuôi 2 con, kinh tế hết sức khó khăn bởi không có nguồn thu nào đáng kể. Nay có nhà mới khang trang, có vật nuôi để tạo sinh kế bền vững, mẹ con tôi rất biết ơn sự giúp đỡ của bà con xóm làng, sự hỗ trợ quý báu của Nhà nước, tôi sẽ cố gắng tự lực phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo”.

Bên cạnh những mô hình nêu trên, huyện Thạch Thành đã xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao, như: Mô hình nuôi trâu, bò sinh sản; nuôi dê; nuôi gà, lợn dưới tán rừng; nuôi ong lấy mật, trồng cây ăn quả... tại các xã Thạch Lâm, Thạch Tượng, Thạch Sơn, Thạch Bình, Thạch Định, Thạch Đồng, Thành Yên, Thành Minh, Thành Mỹ, Thành Long... Đặc biệt, ngoài việc hỗ trợ các mô hình sinh kế, khi tham gia chương trình giảm nghèo, tính liên kết cộng đồng tại các địa phương ngày càng chặt chẽ, thông qua các cuộc vận động, chương trình của các tổ chức đoàn thể về hỗ trợ con giống, tư vấn kỹ thuật, cho vay vốn, giúp nhau cải tạo nhà ở... Bên cạnh đó, các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo khi thụ hưởng mô hình hỗ trợ sinh kế còn được tham gia các lớp tập huấn, trang bị kỹ năng chăn nuôi, sản xuất... Nhiều hộ đã có khát vọng vươn lên, không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn trở thành hạt nhân trong phát triển kinh tế tại địa phương.

Ngoài các mô hình giảm nghèo, nhằm giúp hộ nghèo, cận nghèo ổn định cuộc sống vươn lên thoát nghèo bền vững, huyện Thạch Thành đã đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Theo đó, năm 2023, huyện đã phối hợp với các đơn vị chức năng mở 70 lớp đào tạo cho lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Nhờ làm tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần nâng cao kiến thức, trình độ tay nghề và nâng tỷ lệ lao động được đào tạo của huyện lên trên 70%. Bên cạnh đó, huyện luôn tạo điều kiện để hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi, để đầu tư phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Thông qua nguồn vốn ưu đãi này đã giúp hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo.

Song song với đó, huyện Thạch Thành đã triển khai đồng bộ các chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; XDNTM. Từ nguồn vốn của các chương trình này, huyện đã đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại các vùng đặc biệt khó khăn; triển khai và nhân rộng các mô hình giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển các mô hình sản xuất, đa dạng hóa sinh kế nhằm tạo nguồn thu nhập, nâng cao đời sống của hộ nghèo... Năm 2023, toàn huyện đã giải quyết việc làm mới cho 2.214 lao động, vượt 10,05% kế hoạch, trong đó, đưa 189 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, vượt 18,13% kế hoạch. Các cấp, ngành trên địa bàn huyện tích cực đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, kết nối cung cầu lao động, cung cấp thông tin, giới thiệu, giải quyết việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động, đặc biệt các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo... Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo tính đến hết năm 2023 chỉ còn 1.596 hộ, chiếm 4,38%, tỷ lệ giảm hộ nghèo đạt 2,67%, vượt kế hoạch huyện giao (2,45%).

Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, huyện Thạch Thành tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo, phân tích, xác định đúng nguyên nhân dẫn đến nghèo về thu nhập, cũng như nghèo về thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của từng hộ gia đình. Từ đó, xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể, chi tiết đến từng hộ, tập trung nguồn lực, ưu tiên hỗ trợ cho các hộ đăng ký thoát nghèo hàng năm, tạo cơ hội cho các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Thực hiện có hiệu quả chương trình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động; phát huy nguồn lực và đóng góp của người dân trong thực hiện các dự án phát triển sản xuất, chú trọng mô hình liên kết, gắn phát triển sản xuất với chế biến tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, làm tốt công tác tuyên truyền để người nghèo nhận thức rõ vai trò chủ thể trong dự án, tạo chuyển biến làm thay đổi căn bản tính trông chờ, ỷ lại của người dân, khơi dậy ý chí quyết tâm tự giác vươn lên thoát nghèo. Mặt khác, thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng những điển hình hay, cách làm sáng tạo trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo.

Bài và ảnh: Trần Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]