(vhds.baothanhhoa.vn) - Ông là Lê Ngọc Dũng, sinh năm 1965 ở Triệu Sơn, là kiểm lâm viên Trạm Kiểm lâm Trung Hạ (Quan Sơn). Ông là người cao tuổi nhất ở trạm khi đã gắn bó với mảnh đất vùng biên, bên những cánh rừng già suốt hơn 30 năm qua.

Hơn 30 năm lặng lẽ giữ bình yên cho những cánh rừng

Ông là Lê Ngọc Dũng, sinh năm 1965 ở Triệu Sơn, là kiểm lâm viên Trạm Kiểm lâm Trung Hạ (Quan Sơn). Ông là người cao tuổi nhất ở trạm khi đã gắn bó với mảnh đất vùng biên, bên những cánh rừng già suốt hơn 30 năm qua.

Hơn 30 năm lặng lẽ giữ bình yên cho những cánh rừng

Ông Lê Ngọc Dũng.

“Chuyện trắng đêm với anh em kiểm lâm vốn đã là thường tình. Anh em đi tuần từ lúc nửa đêm qua, sau khi nhận được cuộc điện thoại của bà con dân bản về việc có người lạ vào rừng”, ông Dũng cho hay. Một đêm ông cùng anh em cuốc bộ tuần tra hàng chục cây số đường rừng từ Trung Thượng đến Trung Hạ. Kết thúc một chuyến đi, cánh rừng được an toàn, anh em thở phào nhẹ nhõm.

Bám bản, giữ rừng từ những năm 1989, hơn 30 năm qua, với ông Dũng, những cánh rừng già nơi biên viễn từ lâu đã được xem là nhà, là quê hương ông gắn bó. Cũng bởi sự gắn bó đó, người dân bản nơi đây thân thương gọi ông với biệt danh “người giữ rừng”. Ít ai biết rằng, hơn 30 năm trước, nơi ông đặt chân đến đầu tiên là Lâm trường Na Mèo. Thời điểm ấy, rừng già còn thâm u lắm. Cuộc sống khó khăn, anh em phải chia nhau từng cây số rừng để quản lý, bảo vệ. Ăn rừng, ở rú là chính, nhiều khi bà con thương mang cho ít gạo, ít ngô... thấy bóng người, tiếng người, anh em kiểm lâm vui lắm.

Sống bên những cánh rừng, ông Dũng cũng như anh em dần quen, song nỗi nhớ nhà vẫn luôn thường trực. Mỗi năm, ông chỉ về thăm nhà được 1 đến 2 lần. Đường khó, không có xe khách như bây giờ, muốn về nhà chỉ có 1 cách duy nhất là... đi bộ. “Có lần trời mưa, đi bộ 3 ngày mới về được đến nhà. Về nhà rồi nhìn cảnh bố mẹ già, con thơ lại bịn rịn, không nỡ đi. Dẫu xa rừng ông cũng rất nhớ, rất lo cho rừng!”, ông Dũng kể.

Với một người miền xuôi lên vùng biên bám bản, giữ rừng như ông Dũng, cái khó nhất vẫn là những cung đường tuần tra đầy khó nhọc. Đó là những lối mòn nhỏ bám theo các thung sâu, khi thì dựng đứng phải bám theo các triền đá tai mèo để luồn leo vào được vùng lõi. Trèo đèo, lội suối, muỗi, vắt, thú rừng... tấn công là chuyện cơm bữa. Chưa kể, nếu thiếu kinh nghiệm hoặc không thạo địa bàn thì rất dễ bỏ mạng nơi rừng thiêng.

Làm nghề nào thì cũng phải gắn bó và có tình yêu nghề mới hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhưng với công việc của một người giữ rừng như ông Dũng thì tình yêu ấy phải lớn hơn gấp bội. Công việc vất vả, mỗi người “cõng” trên vai cả chục hecta rừng, trách nhiệm cao là thế nhưng thù lao của ông Dũng cũng như các anh em nhận được trong đội chẳng là bao. Ngoài tiền lương trích ra gửi về cho gia đình, vợ con, ông Dũng chỉ giữ lại một chút cho riêng mình. Điều kiện khắc nghiệt, áp lực công việc lớn nhưng chưa một lần ông Dũng cũng như anh em kiểm lâm kêu ca. Bởi xác định đến với nghề đồng nghĩa với chấp nhận những khó khăn.

Ông Dũng lục trong chiếc rương gỗ lấy những lá thư vợ gửi từ cách đây gần 20 năm. Có bức mực đã nhòe, giấy ố vàng không còn vuông vức, nhưng vẫn được ông cất giữ một cách cẩn thận. Ông bảo, đó là những kỷ niệm, cũng là những động viên để ông yên tâm công tác. “Hậu phương có vững chắc thì tiền tuyến mới vững tâm”.

Hơn 30 năm lặng lẽ giữ bình yên cho những cánh rừng

Một buổi tuần tra của các kiểm lâm viên.

Chia sẻ thêm về nghề, thời điểm khoảng 20 năm về trước, người dân bản nơi đây còn chưa có ý thức trong việc bảo vệ rừng như bây giờ. Nhiều bà con tự ý vào rừng đốn gỗ về làm nhà; có người đốt rừng làm nương rẫy,.. anh em trong đội vất vả lắm, phải tìm đến tận nhà dân để tuyên truyền, vận động. Có người chỉ nói một vài lần là hiểu vấn đề, song có người nói đến 5, 6 lần vẫn chứng nào tật nấy...

Song, vất vả nhất vẫn là cuộc chiến đấu bảo vệ rừng nguyên sinh. Đó là những năm 2014 - 2015, khi tuyến đường vành đai biên giới giáp ranh với nước bạn Lào mới mở, đây trở thành “điểm nóng” về rừng. Để đảm bảo rừng không bị “chảy máu”, hằng ngày ông Dũng cũng như tổ tuần tra phải đi tuần từ Km 61 xuống Km 42 vòng qua Tam Lư, Tam Thanh rồi đi ngược đường vành đai để về phía Na Mèo.

Thời điểm đấy, anh em chủ yếu đi tuần đêm. Anh em trong đội thay nhau đi tuần cả mấy tháng trời. Có người xuyên đêm không ngủ nơi vành đai biên giới, dù mệt, đầu gối chùng xuống, có khi ngủ gục dưới gốc cây, song khi tỉnh dậy lại tiếp tục bước tiếp vì quãng rừng phía trước còn chờ.

Ông Dũng chia sẻ nghề bảo vệ rừng nghiệp vụ phải giỏi, song cũng không ít hiểm nguy... Giờ thì rừng được bảo vệ nghiêm ngặt, với nhiều lực lượng tham gia, nhưng nghĩ lại nhiều lúc cũng rùng mình trước những đối tượng liều lĩnh, cố cùng.

Bữa cơm của anh em Trạm Kiểm lâm Trung Hạ được dọn ra cũng vừa lúc một tổ tuần tra khác trở về. Ông Dũng thêm một nhiệm vụ mới, anh nuôi của trạm. Mọi người lại sum vầy, rôm rả với tiếng cười nói vang vọng bên những cánh rừng rì rào gió thổi. Để những cánh rừng được bình yên, tôi thầm nghĩ, không biết đã có bao nhiêu dấu chân thầm lặng của những kiểm lâm viên như ông Dũng trong mỗi hành trình tuần tra, bảo vệ rừng.

“Kiểm lâm viên Lê Ngọc Dũng ngoài kinh nghiệm dạn dày, với nhiều thành tích, cá nhân ông cũng nhận được sự tin yêu đặc biệt của bà con dân bản vùng cao. Với vai trò kiểm lâm viên Trạm Kiểm lâm Trung Hạ, ông chính là người truyền cảm hứng cho anh em lớp trẻ mới vào nghề có thêm sự nỗ lực, gắn bó và tình yêu với rừng”, ông Phạm Ích Hiên, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Trung Hạ đánh giá.

Bài và ảnh: Đình Giang


Bài và ảnh: Đình Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]