(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngày 20-3-1962, Báo Thanh Hóa đổi mới ra số đầu tiên. Tờ báo là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh, là tiếng nói của Nhân dân, là diễn đàn của Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa.

Kỷ niệm những ngày làm Báo Thanh Hóa

Ngày 20-3-1962, Báo Thanh Hóa đổi mới ra số đầu tiên. Tờ báo là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh, là tiếng nói của Nhân dân, là diễn đàn của Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa.

Kỷ niệm những ngày làm Báo Thanh Hóa

Đồng chí Mai Xuân Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thăm và làm việc với Nhà in Báo Thanh Hóa (30-5-1998). Ảnh: Tư Liệu

Từ năm 1962 đến năm 1972, tôi chỉ là một cộng tác viên tích cực của tờ báo, thường xuyên có tin bài, ảnh đăng trên báo. Cuối năm 1972, tôi được Tỉnh ủy điều động về làm phóng viên tác nghiệp của báo. Thời điểm này, cả nước ta dồn sức cho hai nhiệm vụ chiến lược trọng đại là đánh thắng giặc Mỹ xâm lược miền Nam và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Đó là hai nhiệm vụ mà tỉnh ta cùng cả nước với quyết tâm lớn, với những khẩu hiệu luôn in đậm trên các trang báo “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Vì miền Nam thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”… Thanh Hóa là tỉnh lớn về nông nghiệp, khi ấy việc cung cấp lương thực, thực phẩm, người và của cho chiến trường là nhiệm vụ hàng đầu. Trong đề cương tuyên truyền trên Báo Thanh Hóa luôn nêu cao các điển hình tiên tiến về sản xuất nông nghiệp. Tỉnh lấy Hợp tác xã Định Công làm ngọn cờ đầu, các trang báo, bài báo về sản xuất nông nghiệp luôn nêu ra những bài học kinh nghiệm để mọi nơi làm theo “Định Công hóa” là phong trào thi đua được cả nước hưởng ứng. Nhiều nơi làm theo đã đạt năng suất lúa 5 tấn thóc một héc ta. Tòa báo cũng rất coi trọng việc phân công phóng viên, cán bộ biên tập phụ trách, làm nổi chủ đề tuyên truyền, có trọng tâm, trọng điểm, có lớp lang. Các điển hình tiếp tục nổi lên như Hợp tác xã Yên Trường (Yên Định) được Bác Hồ về thăm và tặng máy kéo. Hợp tác xã Đông Phương Hồng (Thọ Hải, Thọ Xuân) đi đầu trong thâm canh giống mới đạt năng suất cao, phong trào cấy giăng dây thẳng hàng, những kỹ thuật thâm canh mới xuất hiện, được phóng viên viết bài đưa tin cổ vũ ngay. Ban biên tập coi trọng việc đào tạo bồi dưỡng các cây bút chuyên sâu để đáp ứng được yêu cầu tuyên truyền. Như khu vực nông nghiệp có các cây bút Lương Vĩnh Lạng, Hoàng Lâm, Hoàng Khới, Thu Viện, Nguyễn Thị Tấn. Lĩnh vực tuyên truyền công nghiệp và các ngành có Trần Hiệp, Nguyễn Tuấn, Hoàng Quý. Về xây dựng Đảng có các cây bút Văn Tập, Trần Đàm, Vũ Tuấn.

Về công nghiệp và các ngành khi ấy tòa soạn báo lấy Nhà máy Giấy Lam Sơn, Nhà máy Cơ khí Sông Chu, Nhà máy Cơ khí Thanh Hóa làm các mô hình vươn lên phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp. Trên trang 3 của báo luôn có những bài nêu điển hình tiên tiến, các gương người tốt, việc tốt.

Ban biên tập coi công tác tuyên truyền xây dựng Đảng trên mặt báo là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Báo Thanh Hóa khi ấy lấy Đảng bộ huyện Triệu Sơn làm điển hình xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và phát động phong trào thi đua với Đảng bộ huyện Triệu Sơn. Đồng thời lấy huyện Hà Trung làm điển hình xây dựng Đảng và giải quyết các đảng bộ yếu kém. Nhiều bài học quý giá được phóng viên nêu lên đã góp phần lan tỏa phong trào thi đua yêu nước sôi nổi của tỉnh nhà.

Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đội ngũ làm báo của ta còn rất khiêm tốn. Cả cơ quan chưa đủ hai mươi người, phương tiện đi lại, làm việc hầu như không có gì, ngoài cây bút và tinh thần nhà báo như chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng. Nhưng anh em phóng viên, biên tập viên luôn đoàn kết một lòng vì một tờ báo cách mạng, vì phong trào thi đua của tỉnh.

Thời kỳ 1962-1966, tờ báo mang tên “Thanh Hóa đổi mới” khổ hẹp 27x42cm, mỗi tuần ra 2 kỳ, in trên giấy bình dân, lại in bằng công nghệ ty-pô, sắp chữ chì lạc hậu và nhiều sai sót. Sau năm 1972, Báo Thanh Hóa được nâng lên khổ rộng 41x58cm, báo ra 2 kỳ/tuần rồi lên 4 kỳ/tuần. Ngày nay Báo Thanh Hóa ra hàng ngày, 8 trang, có báo cuối tuần, báo hằng tháng.

Năm 1988, Thường vụ Tỉnh ủy ra thông báo cho phép tòa soạn báo thành lập cơ sở in để in tờ báo. Tuy nhiên, còn phải đợi UBND tỉnh ra quyết định và có kế hoạch thì mới có ngân sách. Khoảng thời gian chờ đợi ngân sách Nhà nước còn dài, mà tờ báo hàng ngày vẫn đang phải in trên những cỗ máy ty-pô cũ kỹ lạc hậu, báo thường xuyên ra chậm. Do đó Ban Biên tập lúc này quyết định “Tự cứu lấy mình trước khi trời cứu”. Ông Nguyễn Văn Giá cùng các cộng sự trong tòa soạn chạy đôn đáo vay tiền, vàng, kêu gọi khắp nơi ủng hộ tòa soạn sắm máy in mới để in báo.

Rất may là khi ấy huyện Cẩm Thủy đang có công trình khai thác vàng và với tấm lòng vàng, huyện Cẩm Thủy đã cho báo vay vàng, Ban Biên tập ký gửi vàng vào ngân hàng lấy tiền mua máy. Cùng với huyện Cẩm Thủy là Nhà máy Thuốc lá Thanh Hóa, Ty Lương thực Thanh Hóa, xã Quảng Nham... đã ủng hộ những đồng vốn ít ỏi cho tòa soạn.

Đặc biệt có sự giúp đỡ rất chí tình, chí nghĩa của Nhà máy Cơ khí in Hà Nội, các nhà in lớn ở Hà Nội như in Tiến Bộ, in Bộ Lâm nghiệp,... đã giúp đỡ đào tạo công nhân kỹ thuật các loại, giúp chuyên gia vào tận nhà máy chỉ tay truyền nghề và xây dựng một bộ phận in đủ để ra tờ báo.

Sau gần 1 năm lăn lội với công việc xây dựng nhà in, đúng ngày 21 tháng 12 năm 1991 tờ báo chào mừng ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam ra đời trên máy in mới. Bạn đọc cả tỉnh hân hoan đón đọc ấn phẩm in trên máy ốp-set 2 màu.

Phát huy thắng lợi ban đầu đó, cùng việc tích cực cho người đi đào tạo, học tập kỹ thuật tiên tiến là việc bám sát sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND, nhờ chuyên gia làm luận chứng kinh tế kĩ thuật cho nhà in và xin kinh phí xây dựng.

Nhà in báo, mà bây giờ là Công ty CP In báo Thanh Hóa đã đồng hành cùng tòa soạn, đã đáp ứng các yêu cầu của tờ báo Đảng.

Lớp người làm báo trước đây như chúng tôi rất lấy làm tự hào về một đội ngũ làm báo ngày nay rất nhạy bén với thời cuộc, luôn luôn cải tiến cả về nội dung và hình thức để tờ báo luôn là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh và là diễn đàn không thể thiếu của mọi tầng lớp Nhân dân.

Sáu mươi năm một chặng đường lịch sử của báo Đảng Thanh Hóa. Biết bao buồn vui, biết bao sự kiện lịch sử người làm báo đã chứng kiến, đã đồng hành cùng đất nước.

Ngày nay chỉ có thể ghi lại vài kỷ niệm nhỏ để cùng ôn lại một thời hào hùng.

TRẦN ĐÀM-Nguyên Trưởng phòng Thư ký tòa soạn, nguyên Giám đốc Nhà in Báo Thanh Hóa


TRẦN ĐÀM-Nguyên Trưởng phòng Thư ký tòa soạn, nguyên Giám đốc Nhà in Báo Thanh Hóa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]