(vhds.baothanhhoa.vn) - Còn gần 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2021, các làng nghề chế biến thủy, hải sản phục vụ tết đang chạy đua với thời gian để kịp cung ứng sản phẩm ra thị trường.

Làng nghề biển hối hả vào tết

Còn gần 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2021, các làng nghề chế biến thủy, hải sản phục vụ tết đang chạy đua với thời gian để kịp cung ứng sản phẩm ra thị trường.

Làng nghề biển hối hả vào tết

Gần tết, không khí tại các cơ sở chế biển hải sản ở xã biển Ngư Lộc trở lên hối hả, nhộn nhịp.

Trong tiết trời đỏng đảnh của những ngày giáp tết, đến với các cơ sở sản xuất hải sản trên địa bàn tỉnh, dễ dàng bắt gặp mẹt tôm, nia cá phơi khô rực rỡ sắc màu; những bể nước mắm sóng sánh với mùi hương đặc trưng.

Phục vụ tết ngoài các loại hải sản tươi đông lạnh, sản phẩm khô như: Cá đù, cá chỉ vàng cũng rất được ưa chuộng. Cá được khai thác từ những con thuyền gần bờ, sau khi thu mua, người dân rửa sạch bỏ phần đầu, ruột. Tùy vào nhu cầu người mua, cá có thể phơi “một nắng” hoặc 3-4 nắng mới đóng gói.

Làng nghề biển hối hả vào tết

Ngoài hải sản tươi, các loại cá phơi khô cũng rất được ưa chuộng.

Ngoài cá, tôm cũng là mặt hàng không thể thiếu ngày tết. Riêng tôm khô, đây là mặt hàng có sức tiêu thụ lớn, có thể dùng làm quà biếu, tiếp khách ngày tết, chế biến những món ăn ngon và bảo quản được lâu.

Các cơ sở chế biến thường phơi tôm theo phương pháp thủ công, làm khô bằng hấp nhiệt dưới lò sinh khối. Tôm biển sau khi được thu mua trực tiếp từ các thuyền về sẽ được làm sạch rồi luộc và bóc vỏ mới sấy khô. Nguyên liệu cơ sở thu mua được bảo đảm luôn tươi sống. Hiện tại tôm khô đang có giá bán giao động từ 700.000 -1.300.000 đồng/kg.

Làng nghề biển hối hả vào tết

Tôm nõn khô là mặt hàng không thể thiếu trong ngày tết

Ghi nhận không khí sản xuất của các hộ dân, cơ sở chuyên chế biến hải sản ở xã Ngư Lộc (Hậu Lộc), lượng nhân công đã được huy động tối đa nhằm đáp ứng lượng hàng hóa tăng nhanh. Cơ sở chế biến hải sản của chị Triệu Tuyết Mai, xã Ngư Lộc hiện tại có hàng chục nhân công đang làm việc. Người hấp hải sản; người bóc tôm, ghẹ; người sấy, phơi tôm, cá… mỗi người một công đoạn. Không khí sản xuất như sôi động hơn khi có nhiều khách hàng từ khắp nơi đến cơ sở đặt hàng để phân phối cho thị trường các tỉnh, thành phố.

Chị Mai cho biết: “Hiện tại cơ sở đang tăng cường sản xuất nhưng tình hình cũng có khó khăn vì dịch bệnh nên sản lượng giảm khoảng 10%-20% so với năm trước. Cơ sở rất chú trọng vào chất lượng để giữ lượng khách quen vốn có”.

Làng nghề biển hối hả vào tết

Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên giá tôm khô giảm hơn đôi chút so với các năm trước

Do phải tăng sản lượng để kịp cung ứng cho thị trường tết nên cơ sở sản xuất hải sản cần một số lượng lớn lao động thời vụ. Trung bình mỗi lao động cũng kiếm được từ 200-300 nghìn đồng/ngày.

Làng nghề biển hối hả vào tết

Chế biến hải sản phục vụ tết giúp nhiều lao động địa phương có việc làm với thu nhập cao.

Bên cạnh các sản phẩm khô, nước mắm truyền thống cũng là sản phẩm không thể thiếu để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Hiện nay, các sản phẩm nước mắm công nghiệp tràn lan trên thị trường song nước mắm truyền thống qua đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ và cái tâm của người làm nghề vẫn được nhiều người lựa chọn để sử dụng, làm quà tặng, biếu bởi hương vị đặc trưng, đượm chất quê.

Làng nghề biển hối hả vào tết

Bên cạnh hải sản tươi, khô, nước mắm cũng là mặt hàng tiêu thụ mạnh trong dịp tết

Về làng nước mắm Khúc Phụ, xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) không khí khá nhộn nhịp. Các hộ dân làm nghề chế biến nước mắm truyền thống tất bật chiết, lọc và đóng chai, để kịp vận chuyển đến các cửa hàng, đại lý, nhà phân phối trong và ngoài tỉnh.

Làng nghề biển hối hả vào tết

Làng nghề nước mắm Khúc Phụ tất tả với các đơn hàng tết

Đối với người dân làm nghề sản xuất nước mắm nói chung và đối với người dân làng Khúc Phụ nói riêng, tết là thời điểm tiêu thụ hàng mạnh nhất trong năm nên dịp này nhà nhà lo chuẩn bị hàng bán tết. Thông thường, thời điểm từ tháng 11 âm lịch cho đến gần Tết Nguyên đán là thời điểm hàng bán được nhiều nhất trong năm, gấp đôi, gấp ba lần ngày thường. Nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng, các cơ sở sản xuất đã linh hoạt đóng gói nhiều loại chai to, nhỏ khác nhau với mẫu mã bắt mắt.

Làng nghề biển hối hả vào tết

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, sản lượng bán ra không bằng các năm trước, nhưng các cơ sở chế biến hải sản, nước mắm vẫn tuân thủ quy trình sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nhận định về vụ hàng tết năm nay, nhiều cơ sở kinh doanh, chế biến hải sản, nước nắm, cho rằng sản lượng bán ra có thể không bằng các năm trước do ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai. Thế nhưng, họ đều tuân thủ quy trình sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là vấn đề ưu tiên hàng đầu của các chủ cơ sở chế biến hải sản để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, góp phần đảm bảo cho Nhân dân vui tết, đón xuân an toàn.

Theo ông Nguyễn Hải Năm, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, năm nay ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên các cơ sở chế biến, kinh doanh hải sản gặp không ít khó, nhất là trong khâu tiêu thụ. Tuy nhiên, đối với các cơ sở làm ăn lâu năm, đã có chỗ đứng trên thị trường thì khâu tiêu thụ luôn ổn định.

“Bản thân chính quyền địa phương và các cơ sở kinh doanh rất quan tâm, chú trọng tới vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm định kỳ, xã còn tổ chức các đợt kiểm tra đột xuất để kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm. Đồng thời tổ chức tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm; tuyệt đối không đưa chất cấm để bảo quản nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng", ông Năm nhấn mạnh.

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]