(vhds.baothanhhoa.vn) - Chiêu thức lừa đảo qua mạng xã hội ngày càng đa dạng, tinh vi với nhiều thủ đoạn khác nhau. Trong đó, đa phần các nhà tuyển dụng “dởm” lôi kéo ứng viên với công việc làm tại nhà, nhận “nhiệm vụ” like, share, search (tìm kiếm) khiến người dân “mất cả chì lẫn chài”.

Lừa đảo tuyển cộng tác viên online: Chiêu thức cũ – Nạn nhân mới

Chiêu thức lừa đảo qua mạng xã hội ngày càng đa dạng, tinh vi với nhiều thủ đoạn khác nhau. Trong đó, đa phần các nhà tuyển dụng “dởm” lôi kéo ứng viên với công việc làm tại nhà, nhận “nhiệm vụ” like, share, search (tìm kiếm) khiến người dân “mất cả chì lẫn chài”.

Tưởng lạ mà quen...

Trong lúc đang loay hoay tìm việc do nghỉ sinh ở nhà, chị H nhận được lời mời kết bạn Zalo của người lạ, chưa kịp đồng ý thì tin nhắn “nổ” liên tục đến điện thoại của chị với nội dung mời gọi tham gia một công việc hấp dẫn mức lương trong mơ. Chị H không ngần ngại xin thông tin công việc, theo đó chỉ cần like, share và search (tìm kiếm) trên mạng xã hội nhưng có thể thu về 300.000 đồng đến 450.000 đồng mỗi ngày.

“Họ tự giới thiệu là nhân viên Công ty TNHH DVTT&QC NV đang chạy dự án maketing online trên nền tảng Google và cần tuyển cộng tác viên để tăng lượt search (tìm kiếm) cho các công ty cổ phiếu trên nền tảng Google. Công việc đơn giản, miễn phí, lương nhận theo ngày, thời gian chủ động hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh của tôi bây giờ”, chị H chia sẻ.

Lừa đảo tuyển cộng tác viên online: Chiêu thức cũ – Nạn nhân mới

Tin nhắn mời chào của nhóm đối tượng. (Ảnh chụp màn hình)

Cứ ngỡ tìm được công việc tăng nguồn thu nhập giúp đỡ gia đình trong lúc nghỉ sinh nhưng chị H đâu ngờ rằng nhóm đối tượng lừa đảo giăng sẵn “bẫy” chỉ chờ chị “cắn câu”.

“Trước khi bắt đầu công việc họ hỏi tôi có thẻ ngân hàng không và yêu cầu tôi tải một app của công ty về và họ sẽ hướng dẫn cách đăng ký. Tiếp đó, họ yêu cầu chụp ảnh CCCD để làm hồ sơ. Để bắt đầu nhiệm vụ họ yêu cầu tôi chuyển 500.000 đồng, làm xong nhiệm vụ thì chụp lại màn hình sẽ nhận được 45.000 đồng kèm theo số tiền ứng ban đầu. Ngày đầu tiên, tôi nhận về hơn 800.000 đồng. Nhưng ngày thứ hai, họ bắt tôi chuyển 3 triệu đồng vì hệ thống báo hôm nay phải hoàn thành nhiều nhiệm vụ hơn. Tưởng vậy là xong, họ lại tiếp tục bắt tôi giao dịch thêm lần thứ ba là 15 triệu đồng và nói lần giao dịch này tôi sẽ được rút được cả gốc lẫn lời. Chuyển xong, họ lại báo hệ thống báo phải hoàn thành nhiệm vụ thứ tư và lần này phải chuyển 50 triệu đồng. Vì tiếc và sợ mất số tiền đã chuyển nên tôi lại đi mượn tiền của người thân để chuyển tiếp”, chị H kể lại sự việc.

Lừa đảo tuyển cộng tác viên online: Chiêu thức cũ – Nạn nhân mới

Không ít người đã cảnh báo về chiêu lừa đảo tuyển dụng. (Ảnh chụp màn hình)

Khi chị H tỏ ra nghi ngờ, “trưởng nhóm” liên tục gọi điện khuyên nhủ bằng lời ngon ngọt và bảo có thể vay tiền của các bạn trong nhóm. Nhưng, khi vay tiền của bạn B (người trong nhóm cộng tác viên), họ chỉ cho chị H vay một nửa và không thực hiện giao dịch trực tiếp vào số tài khoản của chị mà chuyển đến tài khoản do công ty cung cấp, sau đó chụp màn hình lại để chị H gửi vào nhóm.

"Thực chất, trong đầu tôi lúc đấy chỉ muốn rút tiền ra thật nhanh nên không quan tâm chuyển cho ai miễn đủ để rút được tiền là được. Chuyển xong, họ lại nói hệ thống báo phải hoàn thành nhiệm vụ thứ tư và lần này phải chuyển 50 triệu đồng. Lần này, cuộc gọi từ “trưởng nhóm” lại đến nhưng những người trong nhóm lại chẳng ai cho tôi vay tiền nữa với lý do “không biết tôi là ai mà cho vay số tiền quá lớn như vậy, cộng thêm bản thân họ cũng đang phải xoay xở”. Đâm lao thì phải theo lao, vì tiếc và sợ mất số tiền đã chuyển nên tôi lại đi mượn tiền của người thân để chuyển tiếp”, chị H tâm sự.

Cũng theo chị H, tiếp sau đó phía công ty liên tục kêu chị phải chuyển tiền với số tiền hơn 100 triệu đồng, kèm theo lời đe dọa nếu không chuyển sẽ đóng băng số tiền đã chuyển trước đó. Đến lúc này, chị H mới biết mình bị lừa nên không làm theo các yêu cầu phía công ty gửi đến. Kết quả, chưa đầy 3 ngày chị H mất trắng hơn 70 triệu đồng.

Đừng để bản thân trở thành “con nợ”...

Một công thức chung mà các đối tượng lừa đảo thường áp dụng đó là: “Nạn nhân đóng tiền để nhận nhiệm vụ. Sau đó, nạn nhân sẽ được hoàn lại số tiền đã nộp. Đến các lần tiếp theo, số tiền nạp vào ngày càng nhiều lên, các đối tượng kiếm đủ lý do như: hệ thống lỗi, chưa ghi đúng nội dung giao dịch... và yêu cầu người chơi đóng tiền tiếp, nêu không đóng sẽ mất tiền trước đó. Cứ thế người chơi tiếc tiền mà lún sâu.

Lừa đảo tuyển cộng tác viên online: Chiêu thức cũ – Nạn nhân mới

Người dân cần cảnh giác trước những lời mời đầu tư, cơ hội việc làm với lợi nhuận cao bất thường. Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Các cơ quan chức năng cảnh báo, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng thường đánh vào tâm lý nhẹ dạ cả tin của nạn nhân với lời dẫn dụ “ngọt như mía lùi”: “Ngồi ở nhà cũng có thể kiếm được số tiền công lớn chỉ bằng vào thao tác đơn giản trên điện thoại di động”. Đối tượng mà chúng nhắm đến thường là học sinh, sinh viên, lao động thất nghiệp, nội trợ... đang có nhu cầu kiếm tiền nhanh, không cần bằng cấp, kinh nghiệm. Đây được cho là cái “bẫy” mà kẻ gian thường xuyên áp dụng. Khi nhận thấy có dấu hiệu hay đã bị lừa đảo, người dân cần đến cơ quan công an trình báo để được giải quyết theo quy định của pháp luật. Đồng thời, chia sẻ, cảnh báo với người thân các phương thức, thủ đoạn của tội phạm này...

Lan Phú


Lan Phú

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]