(vhds.baothanhhoa.vn) - Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, anh Trần Văn Dũng, xã Định Tăng (Yên Định) đã chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả kinh tế sang phát triển mô hình trồng sen. Không chỉ thu hoạch hoa, cơ sở của anh còn sản xuất ra nhiều sản phẩm từ sen, từng bước xây dựng thương hiệu, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Mô hình trồng sen theo chuỗi giá trị

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, anh Trần Văn Dũng, xã Định Tăng (Yên Định) đã chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả kinh tế sang phát triển mô hình trồng sen. Không chỉ thu hoạch hoa, cơ sở của anh còn sản xuất ra nhiều sản phẩm từ sen, từng bước xây dựng thương hiệu, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Mô hình trồng sen theo chuỗi giá trịCông đoạn sản xuất sản phẩm tinh bột sen và trà củ sen.

Với 15 ha đất trồng lúa bị bỏ hoang do thường xuyên ngập nước của gia đình, năm 2018 anh Trần Văn Dũng đã trồng thử nghiệm 2 ha sen. Nhận thấy đây là cây trồng phù hợp với điều kiện sản xuất, toàn bộ các bộ phận của cây sen đều có thể chế biến thành các sản phẩm tốt cho sức khỏe, như: lá sen chế biến thành trà lá sen, thân sen chế biến thành tơ sen, ngó sen chế biến thành món ăn... anh đã mạnh dạn mở rộng thêm 5 ha với nhiều giống sen có năng suất, chất lượng cao. Anh Dũng cho biết: Hoa sen cho thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch. Sen không phải là loại cây trồng quá khó tính vì ít bị sâu bệnh, chỉ cần làm đất kỹ, bón phân và hầu như không phải dùng thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, vào thời điểm thu hoạch khá vất vả do phải làm vào sáng sớm hoặc chiều muộn để tránh ánh nắng mặt trời do hoa gặp ánh nắng mặt trời và gió thì dễ bị dập cánh.

Để tích lũy thêm kiến thức trồng sen, anh Dũng đã dành nhiều thời gian đi nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình ở các tỉnh Hải Phòng, Ninh Bình, Sóc Trăng, Long An... về cách trồng sen lấy củ, chế biến củ sen. Theo đó, 2 sản phẩm chủ đạo được anh lựa chọn là trà củ sen và tinh bột củ sen để xây dựng thương hiệu An Nhiên Farm. Khi thương hiệu An Nhiên Farm được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến thì số lượng củ sen không đủ để sản xuất. Trước thực tế đó, anh Dũng đã đến một số xã lân cận nghiên cứu về địa hình, đất đai, thuyết phục một số hộ dân có diện tích đất trũng để nhân rộng mô hình trồng sen. Bên cạnh đó, anh cung cấp giống có chất lượng và cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm đảm bảo chất lượng như hoa, ngó sen, củ sen... cho người dân. Đến nay, sau gần 5 năm sản xuất, anh Dũng đã mở rộng vùng nguyên liệu lên gần 50 ha tại các huyện Yên Định, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc...

Anh Dũng đã đầu tư xưởng sản xuất với các loại máy móc hiện đại như, máy nghiền, máy sấy... Để chế biến ra được 2 loại sản phẩm trà củ sen và tinh bột củ sen, đòi hỏi kỹ thuật sản xuất khắt khe từ lựa chọn nguyên liệu đến chế biến. Trước đây, sản phẩm sản xuất theo phương thức truyền thống nên chỉ tiêu thụ chủ yếu tại các cửa hàng thuốc đông y, sau khi được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, các sản phẩm mang thương hiệu An Nhiên Farm được đóng gói, dán tem truy xuất nguồn gốc, có hướng dẫn sử dụng... thì thị trường tiêu thụ đã được mở rộng và dần tạo dựng được niềm tin, uy tín với người tiêu dùng.

Hiện nay, mỗi tháng, anh Dũng cung cấp ra thị trường 200 kg tinh bột củ sen và 200 kg trà củ sen, doanh thu trung bình khoảng 250 triệu đồng/tháng. Chia sẻ về định hướng phát triển trong tương lai, anh Dũng cho biết: "Hiện, tôi đang thử nghiệm trồng sen hữu cơ và tiến tới sẽ mở rộng diện tích nếu kết quả khả quan. Bên cạnh đó, sản xuất thêm các sản phẩm từ sen như trà ướp hoa sen, miến từ tinh bột củ sen...".

Có thể nói, mô hình trồng sen của anh Dũng là một điển hình trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp của huyện Yên Định. Từ đó, không những mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình mà còn tạo việc làm cho người lao động địa phương, hình thành chuỗi sản xuất mới cho người dân.

Bài và ảnh: Lê Ngọc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]