(vhds.baothanhhoa.vn) - Những cống hiến thầm lặng của người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số đã góp phần giữ mãi màu xanh của núi rừng miền Tây xứ Thanh.

Người có uy tín tham gia giữ màu xanh cho rừng

Những cống hiến thầm lặng của người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số đã góp phần giữ mãi màu xanh của núi rừng miền Tây xứ Thanh.

Người có uy tín tham gia giữ màu xanh cho rừngNhững việc làm thầm lặng của ông Hà Văn Khuyên, bản Na Hồ, xã Sơn Điện (Quan Sơn) đã góp phần giữ vững an ninh rừng.

Đến bản Lát, xã Tam Chung (Mường Lát), hỏi thăm nhà ông Hà Văn Thại, nguyên Bí thư Đảng ủy xã, từ người già, con trẻ hầu như ai cũng biết. Tiếp chúng tôi bằng ấm trà nóng, ông kể chuyện cùng lực lượng kiểm lâm tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Qua câu chuyện kể, để Nhân dân trong xã tin tưởng và tham gia bảo vệ rừng, ông Thại đã không quản ngại mưa nắng, giá rét cùng cán bộ kiểm lâm tuần tra bảo vệ rừng, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác dụng của việc giữ rừng; kêu gọi Nhân dân tham gia tổ tự quản, thường xuyên xây dựng kế hoạch cụ thể, rõ ràng phân công thành viên thay nhau tuần tra, gác trực giữ vững an ninh rừng; tích cực vận động, hướng dẫn bà con trong bản trồng, chăm sóc rừng mới trồng theo đúng kỹ thuật để cây sinh trưởng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Thại thật thà: “Rừng không chỉ là lá phổi cho chúng ta bầu không khí trong lành mà còn mang lại lợi ích kinh tế. Trong nhiều năm qua, tôi đã nỗ lực tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của bà con về tầm quan trọng của rừng. Hiểu được giá trị của rừng bà con đã tích cực tham gia bảo vệ và trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Sự đồng lòng cùng quyết tâm bảo vệ rừng của bà con đã tiếp thêm sức mạnh giúp tôi vững tin bước tiếp hành trình bảo vệ rừng cùng với các lực lượng chức năng”.

Ông Hoàng Văn Quyết, kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Tam Chung (Hạt Kiểm lâm huyện Mường Lát), cho biết: “Ông Hà Văn Thại là người có uy tín của xã Tam Chung. Nhiều năm qua, ông cùng với lực lượng kiểm lâm tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân trong xã tham gia bảo vệ, phát triển rừng. Thông qua các buổi tuyên truyền, 100% số hộ dân tự nguyện ký cam kết tích cực bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Hiện xã Tam Chung có 9.580,34 ha rừng, nhờ những người tích như ông Thại đã góp phần ngăn chặn tình trạng đốt rừng lấy đất làm rẫy, khai thác tài nguyên rừng trái phép trên địa bàn”.

Cũng như ông Thại, nhiều năm qua, ông Hà Văn Khuyên, bản Na Hồ, xã Sơn Điện (Quan Sơn) đã không quản ngại khó khăn cùng lực lượng chức năng tuần tra, bảo vệ giữ mãi màu xanh cho rừng. Ông còn tích cực vận động, tuyên truyền bà con chấp hành Luật Lâm nghiệp, ký cam kết không vi phạm các quy định trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời vận động người thân, anh em trong dòng họ tích cực trồng, chăm sóc, đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Ông Khuyên cho biết: “Bản Na Hồ có 50 hộ với 228 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường. Nhờ phát triển kinh tế lâm nghiệp, tham gia quản lý bảo vệ rừng, kết hợp với chăn nuôi, đời sống của Nhân dân trong bản từng bước được cải thiện. Trong thời gian qua tôi cùng với tổ nhận khoán bảo vệ rừng của bản, phối hợp với kiểm lâm địa bàn tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ rừng. Nhờ đó, hơn 4 năm trở lại đây, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm rẫy, khai thác lâm sản trái phép, săn bắt động vật rừng... đã không còn xảy ra”.

Người có uy tín tham gia giữ màu xanh cho rừngÔng Hà Văn Thại, bản Lát, xã Tam Chung (Mường Lát) cùng lực lượng kiểm lâm đi tuần tra, bảo vệ rừng.

Ông Phạm Nhật Quang, Chủ tịch UBND xã Sơn Điện, cho biết: “Ông Hà Văn Khuyên là người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Sơn Điện. Những lời nói, việc làm của ông Khuyên được bà con lắng nghe và làm theo. Ông chính là cầu nối đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân, đặc biệt là Luật Lâm nghiệp. Ông luôn tiên phong trong công tác tuần tra, bảo vệ rừng và trở thành tấm gương, đoàn kết, tập hợp bà con trong bản tham gia tổ nhận khoán bảo vệ rừng. Những việc làm của ông Khuyên đã góp phần làm thay đổi nhận thức của Nhân dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng”.

Trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Trần Phương, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quan Sơn, cho biết: Ở huyện Quan Sơn, diện tích đất có rừng là 85.841,1 ha, chiếm 93,25% diện tích tự nhiên. Độ che phủ rừng của huyện đạt 89,24%, là một trong những huyện có độ che phủ rừng cao nhất tỉnh Thanh Hóa, tình hình an ninh rừng cơ bản ổn định. Để có được những kết quả trên ngoài sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng, còn có công của những người có uy tín, tiên phong đi đầu trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.

“Những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng có bước chuyển biến tích cực. Có được thành quả này, ngoài sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng như: kiểm lâm, biên phòng, công an... còn có công sức của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Họ chính là chỗ dựa vững chắc của lực lượng chức năng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Trong thời gian tới, lực lượng kiểm lâm tiếp tục phối hợp chặt chẽ với trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đưa Luật Lâm nghiệp đi vào cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số miền Tây xứ Thanh”, ông Mai Xuân Phúc, Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết.

Bài và ảnh: Xuân Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]