(vhds.baothanhhoa.vn) - Dịch bệnh COVID-19 kéo dài đã khiến cho nhiều ngành nghề kinh doanh bị thiệt hại, nhiều gia đình lâm vào cảnh túng bấn, nợ nần. Tại thành phố Sầm Sơn - nơi mà các nguồn thu chủ yếu đến từ hoạt động du lịch, đời sống người dân càng bị ảnh hưởng nặng nề.

Sầm Sơn: Đời sống người dân sau gần 2 năm dịch bệnh

Dịch bệnh COVID-19 kéo dài đã khiến cho nhiều ngành nghề kinh doanh bị thiệt hại, nhiều gia đình lâm vào cảnh túng bấn, nợ nần. Tại thành phố Sầm Sơn - nơi mà các nguồn thu chủ yếu đến từ hoạt động du lịch, đời sống người dân càng bị ảnh hưởng nặng nề.

Sầm Sơn: Đời sống người dân sau gần 2 năm dịch bệnh

Bác Lương Thị Sen mỏi mệt trông đợi khách đến mua hàng.

Nếu như trước đây chưa có dịch, công việc bán hoa quả ở khu vực chợ Cột Đỏ cũng giúp bác Lương Thị Sen, 58 tuổi (phố Sơn Hải, phường Trường Sơn) yên tâm về cái ăn, cái mặc. Còn giờ, có khi bán cả ngày mới được vài chục nghìn thì lại phải bù vào chỗ hàng bị thối hỏng vì ế ẩm quá lâu. Vậy mà bác vẫn không muốn nghỉ dù là ngày mưa gió vì biết đâu đâ lại là ngày khách hỏi mua nhiều. Chính bởi hi vọng ấy mà ngày này qua tháng khác, bác vẫn nhẫn nại ngồi bên sạp hoa quả dưới gốc cây cây bàng mặc cho xương khớp đau nhức mỏi.

Bác Sen tâm sự: “Người ta trẻ khỏe có thể đẩy hàng đi bán rong được, còn tôi biết là ngồi một chỗ thế này sẽ bán chậm nhưng đành phải chịu. Mấy tháng trước tôi cũng quyết định nghỉ để đi xin việc khác làm nhưng vì sức khỏe yếu nên không đáp ứng được. Nếu chỉ có một mình thì rau cháo gì cũng xong, đằng này tôi lại ở với con gái và 2 cháu ngoại đang tuổi ăn, học. Con gái là giáo viên mầm non mấy tháng nghỉ hè không có lương, lại thêm thời gian phải nghỉ vì dịch bệnh nên cũng không có nguồn thu nhập”.

Thương con cháu, bác Lương Thị Sen lại quay về với nghề bán hoa quả để có việc làm và may ra còn có được đồng vào ra hằng ngày. Thế nhưng, vắng khách du lịch, nhu cầu ăn tiêu của người dân Sầm Sơn cũng giảm mạnh khiến cho các mặt hàng đều ế ẩm, trong đó có các loại hoa quả.

Cuộc sống mỗi lúc một túng thiếu nên để có tiền trang trải, bác Sen đã phải đi vay lãi suốt nhiều tháng qua. Bác kể: “Mấy mẹ con, bà cháu tôi dù có chi tiêu tiết kiệm thì một tháng cũng phải hết cả chục triệu đồng. Thời gian đầu còn vay được anh em, họ hàng không mất lãi nhưng dịch kéo dài không biết đến lúc nào, tôi buộc phải thế chấp nhà để vay lãi bên ngoài. Người ta nói tôi lớn tuổi rồi nên phải chịu lãi cao hơn người đang trong độ tuổi lao động. Nhưng thôi, thời buổi này cứ vay được là tốt rồi, chỉ mong sao hết dịch, con gái đi làm, còn tôi bán được nhiều hàng hơn sẽ bù đắp lại".

Không có khách du lịch cũng đồng nghĩa không có việc để làm, nên mấy tháng qua, để cho đỡ buồn phiền, chị Hồng nhận trông cửa hàng xe đạp điện cho em gái ở đường Lê Lợi, phường Trường Sơn. “Nếu như những năm trước, vào năm học mới, nhiều gia đình đã không tiếc tiền để mua xe cho con em, nhưng vì kinh tế khó khăn nên từ tháng 9-2021 đến nay mới chỉ có vài người đến cửa hàng hỏi mua”, chị Hồng không dấu nổi thất vọng chia sẻ. Rồi chị kể tiếp: “Em gái tôi thuê cửa hàng này 100 triệu đồng/năm. Tiền đầu tư nhập xe cũng đang phải vay mượn. Trước đó còn phải trả tiền thuê người bán nhưng gần đây có tôi trông coi hộ cũng đỡ tốn kém đi phần nào. Ngày qua ngày cứ mở cửa cho vui vậy thôi, còn hơn là chẳng biết làm gì cho hết ngày”.

Mới hay, dù không phải là tâm dịch hoặc vùng giãn cách xã hội như ở nhiều nơi khác nhưng với đặc thù là một thành phố du lịch, Sầm Sơn đang chịu sự tác động nặng nề bởi dịch bệnh. Ngay cả khi các cấp, ngành đang có nhiều nỗ lực để khởi động lại du lịch nói chung nhưng tại Sầm Sơn không khí vẫn còn khá im ắng. Nếu không sớm có các chính sách quan tâm hỗ trợ kịp thời thì người dân và các doanh nghiệp làm du lịch ở Sầm Sơn khó mà ăn ngon, ngủ yên, ngay cả khi dịch bệnh ở trong nước được kiểm soát hiệu quả.

Mai Vui


Mai Vui

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]