(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Địa chỉ số 198 Trần Hưng Đạo, phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa, từ lâu đã là địa chỉ quen thuộc cho những ai yêu nghệ thuật tranh thêu truyền thống. Cũng tại đây, nhiều đứa trẻ khuyết tật đã làm nghề, theo nghề tranh thêu này...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ghi ở trung tâm đào tạo cho người khuyết tật Thanh Xuân

(VH&ĐS) Địa chỉ số 198 Trần Hưng Đạo, phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa, từ lâu đã là địa chỉ quen thuộc cho những ai yêu nghệ thuật tranh thêu truyền thống. Cũng tại đây, nhiều đứa trẻ khuyết tật đã làm nghề, theo nghề tranh thêu này...

45 năm gắn bó với nghề tranh thêu, chị Vũ Thị Hợp - Giám đốc doanh nghiệp thêu tư nhân Thanh Xuân đã làm nên điều kỳ diệu đó là giữ lửa cho nghệ thuật tranh thêu truyền thống, mang lại niềm tự hào cho tỉnh nhà. Tranh thêu của doanh nghiệp đã đi nhiều nơi, đến với nhiều nước trên thế giới và cũng đã được vinh danh.

Cách đây 11 năm, Trung tâm đào tạo nghề cho người khuyết tật Thanh Xuân thuộc doanh nghiệp của chị Hợp ra đời. 11 năm, chị đi dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó có người khuyết tật ở nhiều huyện, thị trong tỉnh. Nghề tranh thêu chính vì vậy đã được nhiều người biết đến hơn. Riêng tại trung tâm, sau khi có dự án trợ giúp người khuyết tật, từ năm 2013 - 2015, trung tâm đã thực sự trở thành ngôi nhà thứ 2 của những đứa trẻ khuyết tật, mồ côi, hoàn cảnh khó khăn... Có những đứa trẻ chưa một lần chạm đến đường kim, mũi chỉ, vào đây, không những thành thạo mà còn tỏ rõ năng khiếu, sự khéo léo. Chị Hợp nhớ lại: “Tôi lấy làm ngạc nhiên khi nhiều em bị câm, điếc còn tiếp thu nhanh hơn cả người bình thường. Các em rất thích học và tôi có cảm giác các em đã bị cuốn theo cái dòng tranh thêu nghệ thuật này”.

Sau khi dự án kết thúc, chị Hợp vẫn nhận nuôi, chăm sóc và dạy nghề cho hơn 20 đứa trẻ khuyết tật trong chính ngôi nhà của mình. Chị muốn nuôi dưỡng tình yêu, muốn các em có được sự gắn bó nhiều hơn với tranh thêu nghệ thuật truyền thống và cũng là để tạo việc làm cho các em. Cũng từ những lớp học này, nhiều em đã đi theo nghề, đó là em Cường, em Thủy, em Nhung, là em Tằm, em Ót...

Trong một căn phòng rộng ở trung tâm, hiện vẫn có nhiều bức tranh thêu đẹp được trưng bày và bên cạnh đó có cả những sản phẩm mây, tre đan. Năm 2015, chị Hợp đã đi học thêm nghề về truyền dạy lại cho người lao động, đặc biệt là chị dành sự ưu ái cho những đứa trẻ khuyết tật vì chị nghĩ:Thêu là nghề khó, nghề khó sẽ dành cho những người có năng khiếu còn với mây tre đan dễ hơn sẽ giúp cho các em không có năng khiếu có được những sự lựa chọn phù hợp. Bước đầu, với nghề mây tre đan cũng đã có những hiệu quả nhất định. Chị chia sẻ: “Tôi vẫn luôn mong muốn là các em khuyết tật được đến với nghề mây tre đan, nhất là mây tre đan hàng mã nhưng chỉ cần Nhà nước hỗ trợ 1 năm đầu thôi, tôi chắc chắn sẽ tạo được việc làm, tiêu thụ được sản phẩm mây tre đan cho các em. Nếu không có sự hỗ trợ, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn...”.

Vẫn đi theo dòng tranh thêu nghệ thuật truyền thống và giám đốc Vũ Thị Hợp vẫn nuôi dưỡng nhiều ước mơ, nhiều ý tưởng cho tranh thêu, cho mây tre đan và cho những đứa trẻ khuyết tật... Hy vọng, một ngày không xa, tâm nguyện của chị Hợp sẽ thành hiện thực.

Thiện Nhân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]