(vhds.baothanhhoa.vn) - Lễ hội truyền thống của dân tộc ta có từ hàng nghìn năm lịch sử, là sợi dây kết nối giữa quá khứ với hiện tại, giúp thế hệ trẻ nhớ về công lao của tiền nhân và nâng cao niềm tự hào về tình yêu quê hương, đất nước. Bởi vậy, việc giáo dục học sinh thông qua các lễ hội truyền thống đã và đang được ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Thanh Hóa quan tâm thực hiện.

Giáo dục học sinh thông qua lễ hội truyền thống

Lễ hội truyền thống của dân tộc ta có từ hàng nghìn năm lịch sử, là sợi dây kết nối giữa quá khứ với hiện tại, giúp thế hệ trẻ nhớ về công lao của tiền nhân và nâng cao niềm tự hào về tình yêu quê hương, đất nước. Bởi vậy, việc giáo dục học sinh thông qua các lễ hội truyền thống đã và đang được ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Thanh Hóa quan tâm thực hiện.

Giáo dục học sinh thông qua lễ hội truyền thốngHọc sinh tham dự lễ hội đền Bà Triệu, xã Triệu Lộc (Hậu Lộc).

Bà Trịnh Thị Tiến, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thọ Xuân, chia sẻ: Hệ thống lễ hội trên địa bàn tỉnh chính là kho tàng chứa đựng những giá trị văn hóa - lịch sử vô giá từ thời dựng nước, mở cõi mà ông cha ta để lại cho muôn đời sau. Do đó, việc tổ chức các lễ hội cũng như quan tâm giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho học sinh thông qua các lễ hội chính là việc làm cần thiết, góp phần bồi đắp thêm tình yêu, niềm tự hào cho các em học sinh thấy được rằng mình phải có trách nhiệm hơn trong phấn đấu học tập, lao động và gìn giữ, phát huy hơn nữa truyền thống của quê hương. Đối với quê hương Thọ Xuân - mảnh đất “địa linh nhân kiệt” với nhiều di tích lịch sử - văn hóa, nhiều lễ hội có quy mô lớn nhỏ được tổ chức hàng năm như lễ hội đền thờ Lê Hoàn, lễ hội Lam Kinh, lễ hội truyền thống làng Xuân Phả,... ngoài việc đưa nội dung của các lễ hội vào giáo dục cho học sinh thông qua việc lồng ghép với các môn học Lịch sử, Ngữ Văn,... thì việc đưa học sinh đến tham quan, trải nghiệm tại các di tích vào dịp lễ hội được tổ chức cũng được các nhà trường thực hiện thường xuyên. Cùng với đó, là tổ chức các chương trình giao lưu với các nghệ nhân dân gian trên địa bàn huyện để truyền dạy cho các em vốn văn hóa truyền thống của địa phương. Từ đó khơi gợi trong học sinh nhiều cảm nhận, giúp các em biết trân trọng và có những nhận thức sâu sắc hơn về di sản của quê hương.

Tại huyện Yên Định, ngành giáo dục và đào tạo huyện cũng đã và đang tích cực tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng để giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương cho học sinh thông qua lễ hội. Điển hình như Trường THCS Yên Thọ, xã Yên Thọ đưa giáo dục lịch sử, văn hóa cho học sinh cùng những đạo lý về “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”,... là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Từ nhiều năm nay, nhà trường đã nhận đăng ký chăm sóc Khu di tích lịch sử văn hóa núi và đền Đồng Cổ; các thầy, cô giáo, học sinh đến quét dọn, trồng cây xanh trong khuôn viên khu di tích. Đặc biệt, hàng năm vào dịp tổ chức lễ hội, nhà trường đều đưa học sinh đến tham dự, dâng hương và hòa mình vào các trò chơi, trò diễn. Không gian thiêng của lễ hội với nghệ thuật trình diễn sân khấu hóa tái hiện sinh động các nhân vật, sự kiện lịch sử diễn ra trong quá khứ như dòng nước thấm dần trong tâm thức, nuôi dưỡng tâm hồn của các em để từ đó các em có thêm cơ hội được tìm hiểu, khám phá, mở rộng phông kiến thức về văn hóa, lịch sử của nơi mình sinh sống.

Vừa qua, nhân sự kiện lễ hội đền Bà Triệu, nhiều trường học trên địa bàn huyện Hậu Lộc cũng đã tổ chức cho học sinh đến tham quan, dâng hương tưởng nhớ nữ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh. Ông Trương Hoài Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa, phụ trách Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu cho biết: Việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa giáo dục lịch sử và văn hóa địa phương cho các em học sinh là một hình thức giáo dục hiệu quả. Bởi vậy, mỗi năm gần đến dịp tổ chức lễ hội đền Bà Triệu có rất đông các trường học ở địa phương và các tỉnh, thành phố trong cả nước đưa học sinh đến để tham quan, tìm hiểu. Đến đây, học sinh không chỉ hiểu và có thêm kiến thức về các hoạt động gắn liền với lễ hội đền Bà Triệu mà còn là cơ hội đặc biệt để mỗi nhà trường đẩy mạnh việc đổi mới dạy học thông qua hoạt động trải nghiệm. Lễ hội đền Bà Triệu nói riêng và các lễ hội trên địa bàn tỉnh nói chung không chỉ phản ánh lối sống đẹp, nếp sinh hoạt, tính cộng đồng làng xã mà còn lưu dấu bản sắc đặc trưng, phong tục, tập quán mỗi địa phương. Vì vậy, để những giá trị văn hóa của địa phương, dân tộc được trường tồn cùng thời gian, rõ ràng chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục những giá trị văn hóa truyền thống ấy cho học sinh, những chủ nhân tương lai của đất nước. Hy vọng trong thời gian tới, việc giáo dục lịch sử và văn hóa địa phương cho học sinh thông qua lễ hội truyền thống sẽ tiếp tục được các cấp chính quyền, ngành giáo dục trong tỉnh quan tâm, thực hiện và có nhiều cách làm, giải pháp sáng tạo, góp phần nhân lên tình yêu quê hương, đất nước; nâng cao sự hiểu biết của thế hệ trẻ về lịch sử, truyền thống của đất và người Thanh Hóa.

Mỗi lễ hội đều ẩn chứa những vẻ đẹp riêng của cộng đồng dân cư, kết tinh lại thành bức tranh văn hóa, tín ngưỡng sinh động, đa màu sắc về cuộc sống của con người trên mỗi miền quê. Những hình thức sinh hoạt cộng đồng độc đáo trong lễ hội truyền thống như mạch nguồn chảy mãi, được trao truyền tiếp nối từ đời này sang đời khác chính là cầu nối, sự kết tinh, hòa hợp giữa những giá trị truyền thống từ trong quá khứ với hiện tại và tương lai. Chính vì vậy, để bảo tồn và phát huy giá trị của các lễ hội cần hơn hết là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giá trị của các lễ hội cho các em học sinh. Đồng thời, cần khuyến khích các nhà trường tích cực mời nghệ nhân, người am hiểu các nghi lễ, các trò chơi dân gian để truyền dạy lại cho các em; đồng thời, căn cứ vào tình hình và điều kiện thực tế các nhà trường tổ chức đưa học sinh đi khám phá, trải nghiệm các khu di tích cũng như tham dự các lễ hội do địa phương tổ chức... Thông qua đó, sẽ khơi gợi, bồi đắp và nâng cao ý thức, trách nhiệm của học sinh trong việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]