(vhds.baothanhhoa.vn) - Đã lâu rồi, tôi rất ít khi được nghe các con kể về những chuyện hồn nhiên, vô tư ở trường. Thay vào đó, chúng thường kể về các chiêu trò, mánh khóe của các bạn ở lớp giống hệt với người lớn mà một khi đã nghe qua, chắc chắn ai cũng phải giật mình.

Chuyện về học sinh thời @: Kỳ 2: Muôn kiểu “giao dịch” ngầm trong lớp học

Đã lâu rồi, tôi rất ít khi được nghe các con kể về những chuyện hồn nhiên, vô tư ở trường. Thay vào đó, chúng thường kể về các chiêu trò, mánh khóe của các bạn ở lớp giống hệt với người lớn mà một khi đã nghe qua, chắc chắn ai cũng phải giật mình.

Bán hàng cho nợ rồi lấy lãi

Tôi vốn không muốn cho con tiền tiêu vặt sớm vì muốn trẻ sẽ quý trọng đồng tiền mà sau này biết tiết kiệm. Ấy vậy mà có hôm, con gái tôi đang học lớp 3 không biết lấy tiền đâu ra mà mua về quyển sticker rồi cặm cụi dán, ghép khắp nhà. Hỏi ra mới biết, cháu mua nợ quyển sticker đó của bạn. Nghe thấy thế, tôi dặn con không được tùy tiện nợ nần của người khác nữa và cho cháu tiền để đem trả bạn. Thế nhưng, hôm sau đi học về thì con gái tôi cho biết là người bạn ấy còn đòi phải trả cả gốc lẫn lãi và quy định nợ càng lâu thì lãi sẽ càng nhiều. Cháu còn kể là có bạn mang truyện đến lớp đọc nhưng khi có bạn hỏi mượn thì liền cho thuê với giá “cắt cổ”, nếu làm rách một tờ thì còn phải đền tiền cả quyển truyện.

Chuyện về học sinh thời @: Kỳ 2: Muôn kiểu “giao dịch” ngầm trong lớp học

Tình trạng học sinh bị bạn cùng lớp, cùng trường trấn lột, “vòi” tiền đã không còn là chuyện hiếm (ảnh từ internet).

Chuyện mới nghe thì thấy có vẻ buồn cười nhưng ngẫm nghĩ thêm thì đó lại là vấn đề không thể xem nhẹ. Bởi lẽ ra ở tuổi tiểu học, học sinh phải lo chơi, lo học mới đúng, đằng này, các cháu lại nghĩ nhiều đến việc kiếm tiền bằng những “mánh khóe” mà ngay cả đến người lớn cũng chưa hẳn đã áp dụng với người ngoài xã hội, huống hồ đây lại là bạn cùng lớp với mình. Đáng lo ngại hơn, các “giao dịch” ấy đều có giấy ghi nợ hẳn hoi nhưng nghịch lý nằm ở chỗ, những bạn có hoàn cảnh khó khăn sẽ phải trả lãi cao hơn các bạn khác nếu muốn mua nợ. Nghe thì đúng là không thể tin nổi nhưng theo như con gái tôi cho biết thì việc đó vẫn thường xuyên diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Vậy nên, vào kỳ họp phụ huynh năm ngoái, tôi nghe cô giáo kể rằng, có học sinh khi cô hỏi mượn bút xóa một chút đã thẳng thắn trả lời: “Bút xóa này mẹ em mua 10 nghìn đồng. Cô mà mượn là phải trả lãi cho em 1 nghìn đồng thì em mới cho mượn”. Chẳng biết học sinh đó nói đùa hay thật nhưng ngay cả đến cô giáo mà còn bị “mặc cả”, tính toán thiệt hơn như vậy thì rõ ràng trong tư tưởng của học sinh ấy luôn coi tiền bạc và vật chất là trên hết hết. Nếu không được uốn nắn kịp thời thì sau này khi lớn lên, những học sinh này rất dễ bị cám dỗ bởi đồng tiền, thậm chí vì tiền mà dám làm cả những chuyện phi pháp không thể lường trước được.

Bị mách cô giáo thì dùng tiền mua chuộc bạn

“Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Vì vậy, việc học sinh phạm lỗi ở lớp, ở trường cũng là điều dễ hiểu, nhất là những học sinh ở bậc tiểu học. Thế nhưng để tránh bị các bạn tố giác với thầy, cô giáo, không ít em lại tiếp tục phạm phải những sai lầm đáng trách khác. Đó là trường hợp của bạn Minh Anh cùng lớp với con gái tôi. Nghe kể thì bạn học sinh này rất lười học nhưng lại rất muốn được điểm cao. Vì cứ mỗi lần được điểm 9, 10 là bố mẹ lại cho tiền nên bạn thường xuyên xin chép bài của các học sinh giỏi trong lớp, nếu có ai không cho hoặc dọa mách với cô giáo thì đều được mua chuộc bằng tiền hoặc là tặng quà. Gần đây, con gái tôi được xếp ngồi cùng bàn với bạn Minh Anh ấy nhưng cháu nhất quyết không cho bạn chép bài vào các giờ kiểm tra nên cuối cùng đã bị bạn ngó lơ, không thèm nói chuyện.

Không chỉ mua chuộc bạn để được chép bài mà nhiều học sinh cũng có xu hướng dùng tiền hoặc quà để che đậy những hành vi sai trái của mình. Một đồng nghiệp của tôi có con học lớp 8 đã tâm sự: "Cô giáo từng gọi điện phản ánh về những thói hư, tật xấu của con trai chị trên lớp học, trong đó có tật ăn cắp vặt. Một lần bị bạn phát hiện dọa báo cáo cô giáo, con trai chị đã hứa sẽ cho bạn tiền để lấp liếm. Sự việc chỉ bị phát hiện khi người bạn đó không nhận được tiền và đem chuyện tố giác với cô giáo”.

Việc học sinh chưa ngoan trong mỗi lớp, mỗi trường có lẽ là điều không hiếm, vì các em đang trong độ tuổi chưa ý thức được lời nói, hành vi của mình. Đó là lý do mà để quản lý lớp, các trường đều có những nội quy và giao cho ban cán sự từng lớp theo dõi, ghi chép hàng ngày để báo cáo với cô giáo chủ nhiệm. Thế nhưng, mới đây, con gái tôi đi học về đã uất ức kể: "Bạn tổ trưởng của con bảo ai phạm lỗi mà cho bạn ấy tiền thì cuối tuần sẽ vẫn được xếp loại A. Thành ra, vì không có tiền nên tuần vừa rồi, cả tổ chỉ có con bị xếp loại B mẹ ạ”. Tôi bảo cháu: “Sao con không báo cáo với cô giáo?” thì nhận được câu trả lời: “Con mà nói thì tổ con lại bị thua các tổ khác. Với lại, các tổ cũng đều bao che lỗi như thế cả nên rất ít khi mới có bạn bị loại B dù lỗi vi phạm có khi còn nhiều hơn cả con nữa”...

Chuyện của học sinh mà nghe cứ như chuyện của người lớn vậy. Các em đang quá thực dụng khi ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Nếu không được uốn nắn kịp thời thì sau này khi lớn lên, những học sinh trong những câu chuyện trên sẽ rất dễ bị cám dỗ bởi đồng tiền, thậm chí vì tiền mà dám làm cả những chuyện phi pháp không thể lường trước được. Đã đến lúc, gia đình và nhà trường cần có sự phối hợp trong cách giáo dục để các em biết phân biệt đúng sai, biết cần làm gì và không nên làm gì, nhất là khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường.

Mai Vui


Mai Vui

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]