(vhds.baothanhhoa.vn) - HS khuyết tật tại các trường công lập được hưởng chính sách về học phí, chính sách học bổng và hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập theo Thông tư Liên tịch số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC ngày 31-12-2013 về quy định chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật.

Còn nhiều khó khăn trong dạy trẻ khuyết tật ở các trường công lập

HS khuyết tật tại các trường công lập được hưởng chính sách về học phí, chính sách học bổng và hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập theo Thông tư Liên tịch số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC ngày 31-12-2013 về quy định chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật.

Còn nhiều khó khăn trong dạy trẻ khuyết tật ở các trường công lậpCô giáo Nguyễn Thị Hương, Trường Tiểu học Hải Long (Như Thanh) phụ đạo cho học sinh khuyết tật trong giờ ra chơi.

Vượt khó

Năm học này, Trường Tiểu học (TH) Hải Long (Như Thanh) có 5 học sinh (HS) khuyết tật. Phần lớn các em là HS khuyết tật trí tuệ, chậm về kỹ năng đọc, viết, khó khăn trong tiếp thu kiến thức. Lớp 1A do cô giáo Nguyễn Thị Hương làm chủ nhiệm có 1 HS khuyết tật bẩm sinh, em không kiểm soát được việc đi vệ sinh của bản thân. Đây là trường hợp HS khuyết tật có tình trạng nhẹ nhất từ trước đến nay mà cô giáo Hương đã dạy. Một số năm trước, HS khuyết tật chủ yếu về thần kinh, có những hành động bất thường, đến giờ học không vào lớp, ngồi trong lớp học thì la hét, đánh bạn hoặc chạy vụt ra ngoài… Cô giáo Hương cho biết: “Bạn ấy tiếp thu được và biết nghe lời cô. Tuy nhiên, trong giờ học, giáo viên phải liên tục nhắc nhở vấn đề vệ sinh cá nhân và dặn dò em muốn đi lúc nào thì cứ tự nhiên ra ngoài mà không phải xin phép cô giáo”.

Còn theo chia sẻ của cô giáo Lê Thị Ninh, giáo viên Trường TH Minh Khai 1 (TP Thanh Hóa): “Dạy HS khuyết tật rất vất vả. Ở khối 4 tôi dạy, có một HS khuyết tật, hơn các bạn 3 tuổi. Em biết đọc, biết viết nhưng ít khi hoàn thành bài tập một mình, không thể học trong thời gian quy định và không phối hợp nhiều với cô giáo. HS này vừa học vừa chơi, thích thì học và hay nói tự do trong lớp. Thường thì giáo viên luôn phải dành sự quan tâm cho HS khuyết tật nhiều hơn các bạn khác trong lớp”.

Sự quan tâm này đặc biệt hơn ở chỗ, ngoài giờ học trên lớp, giáo viên thường dành 15 phút đầu giờ, giờ ra chơi hoặc cuối buổi để phụ đạo cho HS khuyết tật. Yêu thương, dỗ dành và kiên trì là những điều cần thiết đối với giáo viên dạy HS khuyết tật khi tham gia giáo dục hòa nhập cộng đồng.

Chế độ giáo viên còn bị bỏ ngỏ

HS khuyết tật tại các trường công lập được hưởng chính sách về học phí, chính sách học bổng và hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập theo Thông tư Liên tịch số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC ngày 31-12-2013 về quy định chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật. Còn đối với chế độ giáo viên dạy người khuyết tật quy định tại Nghị định số 113/2015/NĐ-CP ngày 9-11-2015 về phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. Theo đó, người có số tiết dạy trên lớp nhiều và mức lương cao thì phụ cấp trách nhiệm dạy trẻ giáo dục hòa nhập càng cao. Tuy nhiên, HS phải được cấp giấy chứng nhận khuyết tật thì giáo viên dạy lớp có HS đó mới được hưởng phụ cấp.

Thực tế, tại nhiều trường học trên địa bàn tỉnh, HS khuyết tật không có giấy chứng nhận khuyết tật nhiều hơn cả HS khuyết tật có hồ sơ. Nguyên nhân là do nhiều phụ huynh không muốn đối diện sự thật là có con bị khuyết tật nên không làm giấy chứng nhận. Điều này đồng nghĩa họ từ chối các chính sách cho con em mình và ảnh hưởng đến quyền lợi của giáo viên.

Còn nhiều khó khăn trong dạy trẻ khuyết tật ở các trường công lậpTiết học Tiếng Việt của cô và trò Trường Tiểu học Minh Khai 1 (TP Thanh Hóa).

Tuy nhiên, ngay cả khi HS khuyết tật có giấy xác nhận thì nhiều giáo viên trực tiếp đứng lớp, (chủ yếu là giáo viên từ bậc mầm non, TH và THCS) vẫn chưa được hưởng phụ cấp theo quy định của Nhà nước. Hiệu trưởng Trường TH Hải Long (Như Thanh) cô giáo Nguyễn Thị Quy, cho biết: “Một số giáo viên dạy trẻ khuyết tật trong nhiều năm nhưng chưa nhận được khoản phụ cấp nào, trong khi đó vẫn phải thực hiện tốt trách nhiệm”. Còn theo cô giáo Đào Thị Yên, Hiệu trưởng Trường TH Minh Khai 1 (TP Thanh Hóa): “Có giáo viên gần 10 năm dạy HS khuyết tật nhưng cứ chờ năm này qua năm khác, đến nay vẫn chưa được hưởng chế độ gì”.

Được biết, phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thị xã, thành phố đã lập danh sách gửi phòng Tài chính - Kế hoạch trên địa bàn nhưng không có nguồn chi trả. Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện tỉnh đang giao cho sở đề nghị các địa phương thực hiện theo Thông tư số 22/2017/TT-BLĐTBXH ngày 10-8-2017 về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 113/2015/NĐ-CP. Sở Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo Sở Tài chính xem xét, thực hiện cấp chi trả chế độ cho giáo viên dạy HS khuyết tật.

Dạy HS khuyết tật vốn gặp rất nhiều khó khăn. Giáo dục hòa nhập cộng đồng với người khuyết tật, mục tiêu đặt ra là đảm bảo quyền học tập bình đẳng, chất lượng và phù hợp với đặc điểm của người khuyết tật. Đồng thời để người khuyết tật được phát triển khả năng của bản thân, được hòa nhập và tăng cơ hội đóng góp cho cộng đồng.

Sau gần 10 năm thực hiện Luật Người khuyết tật, bước đầu Thanh Hóa đã đạt nhiều kết quả tích cực, với hơn 87% trẻ khuyết tật được huy động học hòa nhập ở các lớp phổ thông. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên qua quá trình công tác đã tích lũy được kinh nghiệm trong công việc giáo dục, chăm sóc trẻ khuyết tật…Thế nhưng, chế độ, quyền lợi của họ vẫn còn bị bỏ ngỏ.

Bài và ảnh: Anh Hoàng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]