(vhds.baothanhhoa.vn) - Những năm trước, trẻ nhỏ có một mùa hè thật sôi động với các lớp học năng khiếu như: nhảy hiện đại, Belly dance, khiêu vũ thể thao, zumba kids…. Tuy vậy, vào thời điểm này khi dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, hầu hết các lớp học, phòng tập, trung tâm đã trở nên im ắng. Thế nhưng, cũng cần phải nhìn nhận lại việc dạy ở các trung tâm, các phòng tập này.

Đào tạo nghệ thuật: Còn nhiều vấn đề bỏ ngỏ

Những năm trước, trẻ nhỏ có một mùa hè thật sôi động với các lớp học năng khiếu như: nhảy hiện đại, Belly dance, khiêu vũ thể thao, zumba kids…. Tuy vậy, vào thời điểm này khi dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, hầu hết các lớp học, phòng tập, trung tâm đã trở nên im ắng. Thế nhưng, cũng cần phải nhìn nhận lại việc dạy ở các trung tâm, các phòng tập này.

Đào tạo nghệ thuật: Còn nhiều vấn đề bỏ ngỏDo diện tích lớp học nhỏ, nên lớp học múa của Lê Hà Phương chỉ từ 5-7 em.

Lớp học và sự trải nghiệm đầu tiên về nghệ thuật

Một nghiên cứu khoa học đã chứng minh, 90% năng khiếu của trẻ được phát triển trong vòng 12 năm đầu đời và giảm dần khi lớn lên. Vì thế, bên cạnh việc quan tâm nhắc nhở con học văn hóa, bố mẹ nên phát hiện sớm, bồi dưỡng và tạo điều kiện cho con được phát huy tối đa năng khiếu. Để làm được điều này, một vài năm gần đây nhiều bậc phụ huynh đã chú trọng cho con tham gia các lớp học năng khiếu, mô hình câu lạc bộ theo sở thích, hoạt động ngoại khóa…

Trung tâm Model Kids Cỏ Lâm Vy ở địa chỉ 86 Hàng Đồng, phường Điện Biên (TP Thanh Hóa) của chị Lê Hải Yến được thành lập cách đây 2 năm, chuyên đào tạo người mẫu nhí. Với 8 giáo viên, đào tạo 6 lớp, đây được xem là một trong số các trung tâm có quy mô khá trên địa bàn tỉnh. Chị Yến cho rằng: “Tôi nhận thấy sự thiếu hụt lớn nhất của các bạn nhỏ Thanh Hóa là chưa có một sân chơi về văn hóa nghệ thuật. Học một môn nghệ thuật không phải để sau này con có thể làm nghề. Nếu có đó chỉ là bước khởi đầu. Còn hơn hết, với trẻ nhỏ, học là sự trải nghiệm. Thêm một trải nghiệm là thêm những ký ức đẹp trong đời các con”. Với quan điểm đó, trung tâm này tập trung vào lĩnh vực trình diễn thời trang, một xu hướng trẻ nhỏ dễ tiếp cận và yêu thích.

Chưa có điều kiện để mở trung tâm đào tạo nghệ thuật, chị Lê Hà Phương đã cho ra mắt Phòng tập Cherry dance (ngõ 35, phố Tân An, phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa) cách đây hơn một năm. Trước khi đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát, Lê Hà Phương đang có 2 lớp dành cho trẻ nhỏ, 3 lớp sexy dance và một số nhóm học theo khung giờ riêng. Với diện tích 35m2, Phương mở phòng và trực tiếp đứng lớp. Chị chia sẻ: “Lý do đầu tiên khi quyết định mở phòng tập vì tôi thấy những trào lưu múa này chưa có ở Thanh Hóa, trong khi các thành phố lớn những môn nghệ thuật này rất phát triển. Lúc đó, tại Thanh Hóa chỉ có các trung tâm dạy zumba, aerobic như một môn thể thao cho các đối tượng trung tuổi với mục đích giảm cân. Còn các phụ huynh có con nhỏ thì mặc định nhảy nào cũng là nhảy chứ chưa hiểu mỗi thể loại có những đặc điểm khác nhau. Từ nhận thức của phụ huynh dẫn đến cái khó của tôi là dung hòa các thành viên trong lớp. Đến nay, tôi khá hài lòng, vì Cherry dance được nhiều bạn nhỏ yêu quý”…

Chị Linh ở đường Phú Thọ 3, phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa) có con theo học tại Phòng tập Cherry dance, cho biết: “Bạn bè giới thiệu cho nhiều địa chỉ cô giáo dạy nhảy nhưng tôi lựa chọn cô Lê Hà Phương vì sự vui vẻ, trẻ trung. Bé nhà tôi năm nay 4 tuổi. Mục đích của tôi là từ việc học con có thể vui vẻ và tự tin hơn trong cuộc sống”.

Và những lo lắng

Nếu chỉ xét về khía cạnh tạo sân chơi hay cơ hội để trẻ nhỏ tiếp cận những bộ môn nghệ thuật thì sự ra đời của các trung tâm, các nhóm lớp nghệ thuật là điều đáng ghi nhận. Tuy nhiên theo khảo sát của chúng tôi, việc buông lỏng quản lý ở các trung tâm, nhóm lớp này đang đặt ra nhiều vấn đề.

Trước tiên, một điều rất dễ nhận thấy là hầu hết các giáo viên, người đứng lớp lại không có chứng chỉ đào tạo chuyên môn. Dù là trung tâm khá lớn, với rất đông học sinh, nhưng chủ cơ sở đào tạo Model Kids Cỏ Lâm Vy - Lê Hải Yến xuất thân làm kinh doanh, không được đào tạo cơ bản về nghệ thuật nói chung và nghệ thuật múa nói riêng. Hay như Lê Hà Phương là giáo viên duy nhất đồng thời là chủ Phòng tập Cherry dance, dù có hai bằng là cao đẳng y và cử nhân thanh nhạc Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, nhưng Phương lại không được đào tạo cơ bản hay ít nhất là có được chứng chỉ về biên đạo múa. Điều duy nhất liên quan đến múa là khi đang học Cao đẳng Y Thanh Hóa, Lê Hà Phương đã tham gia hoạt động hát và tổ chức các nhóm nhảy. Hầu hết các bài nhảy hiện đại và sexy dance của Phương là được học trên YouTube. Tỏ rõ sự lo lắng về vấn đề này, Biên đạo múa Hoàng Thanh Hải, người có 11 năm học múa chuyên nghiệp cho biết: “Thực tế ở Thanh Hóa, những người mở trung tâm và đứng ra dạy không có kiến thức chuyên môn, thậm chí một chứng chỉ họ cũng chưa có. Thích thì mở, có người bán vải ở chợ, có chút năng khiếu học trên mạng rồi dạy, hết bài lại tiếp tục tìm mạng để học và dạy tiếp. Vừa học vừa dạy, liệu có đảm bảo? Đơn giản với đứa trẻ 2-3 tuổi, một động tác uốn dẻo, đau còn chưa biết kêu, nếu cứ bắt gập lưng uốn, không may trật khớp lưng thì rất nguy hiểm. Đáng ra, khi các cháu gập lưng, cô giáo phải tì tay ở điểm nào, nhấn ở đốt lưng số mấy để đỡ các cháu xuống từ từ. Tôi cho rằng, nếu chủ các trung tâm, nhóm lớp là những người được đào tạo bài bản, chắc chắn họ sẽ có kiến thức để dạy các em nhỏ, hay học viên nghiêm túc hơn nhiều”.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Phạm Thế Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Đào tạo và tổ chức biểu diễn Sơn Hải (TP Thanh Hóa), cho biết: "Chúng tôi là đơn vị duy nhất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cấp giấy chứng nhận hành nghề để mở các phòng tập, các trung tâm đào tạo về nghệ thuật. Cụ thế, ở Công ty TNHH Đào tạo và tổ chức biểu diễn Sơn Hải hiện đang có 8 lớp đào tạo: Piano, đạo diễn sân khấu, biên đạo múa, múa cơ bản, múa nâng cao, múa và nhảy hiện đại cho trẻ em. Riêng đối với học viên lớp Huấn luyện múa, Biên đạo múa để được cấp giấy chứng nhận tương đương hệ trung cấp phải dựng bài báo cáo tốt nghiệp. Với đội ngũ giáo viên là các biên đạo múa, đạo diễn sân khấu có uy tín trên địa bàn tỉnh, nhiều học viên tốt nghiệp tại công ty đã đạt giải cao trong các hội thi, hoặc đã trở thành những đạo diễn, biên đạo tốt ở tuyến cơ sở.

Bên cạnh đó, một vấn đề rất lớn và là kẽ hở hiện nay là không có một cơ quan nào quản lý, hay có quy định cụ thể về việc mở các trung tâm, nhóm lớp đào tạo nghệ thuật. Nếu quản lý chặt, các trung tâm, nhóm lớp đào tạo năng khiếu này thuộc đối tượng hướng dẫn từ Thông tư 04/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Và để được cấp phép hoạt động thì phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Chính việc buông lỏng quản lý của các cơ quan có liên quan đã dẫn đến hình ảnh giáo viên nhảy trật nhịp nhưng học trò vẫn say sưa học. Biên đạo múa Hoàng Thanh Hải cho rằng: “Nếu có sự quản lý nghiêm túc, chắc chắn các nhóm lớp, trung tâm đào tạo sẽ phải đảm bảo về trình độ giáo viên, chất lượng chuyên môn, thậm chí là địa điểm tập để người học được tiếp thu kiến thức cơ bản đúng và nghiêm túc".

Bài và ảnh: Huyền Chi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]