(vhds.baothanhhoa.vn) - Để phòng tránh, giảm thiểu những nguy cơ, hệ quả đáng tiếc thì việc giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho bạn trẻ là điều thực sự cần thiết. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Thanh Hóa cuối tuần đã có cuộc trao đổi với các ông, bà: Đỗ Thanh Tùng - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa; Bùi Kiều Oanh - Phó hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh; Lê Thị Hường - Tổng Giám đốc Công ty CP Đào tạo và Tư vấn tâm lý hạnh phúc Việt.

Giáo dục giới tính cho bạn trẻ: Đâu phải chuyện “vẽ đường cho hươu chạy”

Để phòng tránh, giảm thiểu những nguy cơ, hệ quả đáng tiếc thì việc giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho bạn trẻ là điều thực sự cần thiết. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Thanh Hóa cuối tuần đã có cuộc trao đổi với các ông, bà: Đỗ Thanh Tùng - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa; Bùi Kiều Oanh - Phó hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh; Lê Thị Hường - Tổng Giám đốc Công ty CP Đào tạo và Tư vấn tâm lý hạnh phúc Việt.

Giáo dục giới tính và chăm sức khỏe sinh sản cho bạn trẻ là vấn đề lớn cần được quan tâm đúng mức

Giáo dục giới tính cho bạn trẻ: Đâu phải chuyện “vẽ đường cho hươu chạy”

P.V: Thưa ông Đỗ Thanh Tùng, ông đánh giá thế nào về vấn đề giáo dục giới tính cho bạn trẻ hiện nay? Ông Đỗ Thanh Tùng: So với những thế hệ trước, bạn trẻ hiện nay có nhiều điều kiện tốt hơn để phát triển thể chất và tinh thần. Không chỉ đời sống vật chất đủ đầy, các em còn được tiếp xúc sớm với các thiết bị công nghệ, từ đó việc tìm kiếm thông tin trên mạng internet, mạng xã hội cũng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, “không gian mạng” vẫn được ví như con dao hai lưỡi, bên cạnh những thông tin tốt, bổ ích thì không thiếu “rác” thông tin - thậm chí thông tin lệch lạc, độc hại.Với đặc điểm tâm sinh lý của tuổi mới lớn, đang lớn, bạn trẻ lại có xu hướng tò mò, thích khám phá những điều mới lạ, trong đó có cả những vấn đề về giới tính, tình dục. Vì thế, nếu chúng ta không kịp thời quan tâm, chăm sóc, theo dõi và định hướng đúng, bạn trẻ rất dễ vì sự tò mò, thiếu hiểu biết mà dẫn đến những hành vi gây hậu quả đáng buồn.Một số liệu thống kê dù không vui song chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận, Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ mang thai và phá thai ở lứa tuổi vị thành niên cao. Mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn ở tuổi vị thành niên không chỉ gây ra hậu quả trước mắt, mà còn là hệ lụy về sau như việc khó có thai khi lập gia đình, thậm chí là vô sinh thứ phát, rồi chuyện duy trì giống nòi... Đó là vấn đề mang tính xã hội.Nhìn vào thực tế để thấy rằng, giáo dục giới tính, truyền thông, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên là hết sức cần thiết, cần được thẳng thắn và nghiêm túc nhìn nhận từ nhiều phía để có sự phối hợp thực hiện hiệu quả.Chưa kể, khi bạn trẻ được trang bị những kiến thức về giới tính, các em còn có thể phòng tránh được những nguy cơ tiềm ẩn trong xã hội như lạm dục tình dục (bé trai), xâm hại (bé gái). Bởi khi một bạn trẻ rơi vào hoàn cảnh bị lạm dụng, xâm hại tình dục thì hậu quả để lại rất nguy hiểm, nó ảnh hưởng đến sự phát triển cả về thể chất và tinh thần, thậm chí là những di chứng dai dẳng về sau.Tại Thanh Hóa, thực hiện Kế hoạch Chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên, thanh niên tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 của UBND tỉnh, thời gian qua Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tích cực đấu mối, phối hợp với ngành giáo dục triển khai truyền thông giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản... tại các trường học. Thông qua hoạt động truyền thông, cung cấp các kiến thức cần thiết về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên để bạn trẻ chủ động bảo vệ chính mình.

Giáo dục giới tính đã trở thành hoạt động giáo dục thường xuyên trong nhà trường

Giáo dục giới tính cho bạn trẻ: Đâu phải chuyện “vẽ đường cho hươu chạy”

P.V: Trong câu chuyện giáo dục giới tính cho bạn trẻ hiện nay có vai trò lớn của nhà trường. Tại trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, giáo dục giới tính đã và đang được thực hiện như thế nào, thưa bà Bùi Kiều Oanh?

Bà Bùi Kiều Oanh: Trước hết, có thể khẳng định, vấn đề giáo dục giới tính tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh đã có những thay đổi cần thiết. Nếu như trước đây, cả thầy cô giáo và học sinh khi đề cập tới vấn đề này đều có những e thẹn, ngại ngùng thì đến nay câu chuyện này đã được nhìn nhận cởi mở, thoải mái hơn, trở thành hoạt động giáo dục thường xuyên.

Học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh là người dân tộc thiểu số, sống xa nhà, nhiều em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (mồ côi, bố mẹ bỏ nhau...). Đây lại là lứa tuổi thay đổi mạnh mẽ và dần hoàn thiện về tâm sinh lý. Trong khi đó, học sinh của trường lại cùng nhau học tập, sinh hoạt tập thể nên sẽ có nhiều vấn đề cần phải chú ý.

Việc giáo dục giới tính cho học sinh ngoài lồng ghép thông qua các môn học thì nhà trường còn tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa đầu năm, mời các chuyên gia tâm lý, bác sĩ chuyên khoa đến trường trao đổi về chăm sóc sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính cho học sinh toàn trường.

Việc giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản được trao đổi cởi mở dưới góc độ khoa học; cùng giải đáp những thắc mắc để từ đó trang bị cho học sinh nhận thức đúng đắn về vấn đề tâm sinh lý, từ đó góp phần để các em phát triển toàn diện.

Có một thực tế, trong lứa tuổi học sinh THPT, việc nam sinh và nữ sinh cảm mến nhau cũng phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý. Tuy nhiên, bên cạnh việc trang bị cho học sinh đầy đủ các kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, thầy cô giáo và nhà trường cũng thường xuyên quan tâm, định hướng để học sinh thấy được, ở lứa tuổi các em việc học là quan trọng nhất. Thay vì ngăn cấm cực đoan khiến học sinh có tâm lý “vượt rào”, thầy cô giáo sẽ kịp thời nắm bắt tâm tư tình cảm để giúp học sinh giải quyết các khúc mắc, xúc cảm tâm lý... Nhờ đó, trong những năm học gần đây, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh không để xảy ra trường hợp đáng tiếc nào về việc học sinh nghỉ học, bỏ học vì mang thai ngoài ý muốn.

Giáo dục giới tính cho bạn trẻ phải bắt đầu từ bố mẹ

Giáo dục giới tính cho bạn trẻ: Đâu phải chuyện “vẽ đường cho hươu chạy”

P.V: Là chuyên gia tư vấn tâm lý, cũng đồng thời là một người mẹ, bà nhìn nhận như thế nào về câu chuyện giáo dục giới tính cho con trẻ?

Bà Lê Thị Hường: Với quan điểm của mình, tôi cho rằng việc giáo dục giới tính cho các con là hết sức cần thiết. Nhưng lại cũng là thực tế, không chỉ bạn trẻ thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, mà ngay cả nhiều bậc phụ huynh cũng chưa hiểu đúng về giáo dục giới tính. Nhiều người vẫn bị “bủa vây” bởi quan niệm, giáo dục giới tính là “vẽ đường cho hươu chạy” song không phải vậy. Hơn ai hết, bố mẹ phải là người sâu sát, đóng vai trò và có trách nhiệm lớn nhất đối với con mình ở mọi vấn đề, trong đó có giáo dục giới tính.

Giáo dục giới tính là những kiến thức thực tế nhưng cũng rất tế nhị với nhiều thông tin, bản thân bố mẹ cũng cần có kiến thức và sự nhìn nhận đúng đắn về giới tính. Muốn dạy con về giới tính, bố mẹ phải là người vượt qua được “rào cản” về sự ngại ngùng của chính mình. Phải hiểu rằng, bên cạnh những kiến thức về văn hóa, việc giáo dục giới tính sẽ giúp con chúng ta phát triển toàn diện thực sự. Tuy nhiên, việc giáo dục giới tính không phải một lúc mà thành, phải tùy theo giai đoạn phát triển của con cái để có sự chỉ bảo, định hướng phù hợp.

Thu Trang (thực hiện)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]