(vhds.baothanhhoa.vn) - Con đường đi tìm con chữ ở vùng cao chưa bao giờ dễ dàng với cả học sinh và các thầy, cô giáo nơi đây. Tuy nhiên, vượt lên những vất vả, các thầy cô luôn nỗ lực để các học sinh được tiếp cận đầy đủ về kiến thức và cảm nhận tình yêu thương.

Gieo tình yêu khoa học trên đất khó

Con đường đi tìm con chữ ở vùng cao chưa bao giờ dễ dàng với cả học sinh và các thầy, cô giáo nơi đây. Tuy nhiên, vượt lên những vất vả, các thầy cô luôn nỗ lực để các học sinh được tiếp cận đầy đủ về kiến thức và cảm nhận tình yêu thương.

Gieo tình yêu khoa học trên đất khóThầy Nguyễn Hữu Tịnh cùng học trò thử nghiệm robotics.

Không gì là không thể

Là một trường thuộc huyện nghèo nhưng thành tích về khoa học, kỹ thuật của Trường THCS thị trấn Lang Chánh (huyện Lang Chánh) không thua kém bất kỳ trường điểm nào ở vùng đô thị. Đây là trường duy nhất ở Thanh Hóa tham gia chung kết Giải vô địch VEX IQ Robotics toàn quốc 2023 và xuất sắc giành thứ hạng 18/115 khối học sinh THCS; thường xuyên có dự án đạt giải cuộc thi “Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THCS” cấp tỉnh…

Có được kết quả đáng tự hào này, phần lớn là nhờ sự cố gắng, sáng tạo và chăm chỉ của học sinh. Tuy nhiên, để kích thích trí sáng tạo, khơi dậy lòng đam mê và truyền nhiệt huyết học tập thì không ai khác chính là các thầy, cô giáo.

Thầy Nguyễn Hữu Tịnh là một giáo viên mỹ thuật nhưng đồng thời cũng là người hướng dẫn thực hiện các dự án khoa học uy tín của trường. Chính thầy là người dẫn dắt đội tuyển Robotics Trường THCS thị trấn Lang Chánh đạt thứ hạng cao. Gắn bó với trường đã 25 năm, là giáo viên mỹ thuật công việc không có liên quan đến các môn tự nhiên nhất là khoa học, kỹ thuật, nhưng thầy lại được nhà trường “chọn mặt gửi vàng” hướng dẫn học sinh thực hiện đề tài khoa học.

“Tôi nghĩ với người giáo viên, kiến thức là không có giới hạn, chuyên môn ở lĩnh vực mỹ thuật nhưng không có nghĩa tôi không làm được các dự án khoa học. Sẵn sàng ở những lĩnh vực mới, để học sinh hiểu rằng “không có gì là không thể””, thầy Tịnh cho biết. Thực hiện các dự án khoa học, thầy và trò cùng nhau thảo luận, đề ra kế hoạch thực hiện, lên đề cương chi tiết và đặt mục tiêu hoàn thành. Quá trình hoàn thiện mô hình, thầy Tịnh trao quyền “tự chủ” cho các học trò, còn mình luôn bên cạnh để hỗ trợ về vật chất, động viên tinh thần và quan trọng nhất là kích thích được sự sáng tạo của các em. Cứ như vậy, các ý tưởng khoa học liên tiếp đạt giải cao, điều này không những truyền cảm hứng để học sinh tiếp tục với những dự án khác khó hơn mà xóa bỏ suy nghĩ “tự ti” trường miền núi. Những người “gieo mầm” không ai khác chính là những giáo viên dám đổi mới như thầy Tịnh.

Khi có cơ hội tham dự chung kết Giải vô địch VEX IQ Robotics toàn quốc 2023, thầy Tịnh xung phong dẫn dắt đội tuyển. Và vẫn phương pháp giáo dục “nêu gương”, “thầy hướng dẫn, trò sáng tạo”, đội tuyển trường đã chinh phục thành công được kiến thức mới về khoa học công nghệ.

Còn với cô Nguyễn Thị Giang, giáo viên môn Sinh học, Trường THCS thị trấn Lang Chánh thì việc “gieo mầm” bắt đầu từ khơi dậy lòng đam mê. Tạo hứng thú học tập, trong mỗi tiết học bên cạnh kiến thức cơ bản cô Giang thường xuyên giới thiệu cho học sinh những dự án khoa học được thực hiện bởi các “nhà khoa học nhí” trong và ngoài tỉnh và trên thế giới. “Những dự án khoa học ở lứa tuổi thiếu nhi sẽ cho các em niềm tin và động lực. Cùng câu chuyện hoàn cảnh ra đời sẽ giúp các em hiểu rằng khoa học không chỉ là những phát minh lớn lao, khoa học là những mô hình, cải tiến giúp ích cho cuộc sống, có những cải tiến nhỏ nhưng mang lại hiệu quả lớn, để biết rằng khoa học không khó”, cô Giang bày tỏ. Khi đã truyền được đam mê, cô Giang hướng học sinh đến những đề tài hiện hữu trong cuộc sống, là những vấn đề về ô nhiễm môi trường, bạo lực học đường… Cứ như vậy, trò được thỏa sức sáng tạo, cô nhiệt tình hỗ trợ về môi trường nghiên cứu, nguyên vật liệu, thiết bị… Đến nay, cô Giang đã có 5 dự án khoa học đạt giải cấp tỉnh.

Chính lòng đam mê sẽ giúp các em học sinh hiện thực hóa ý tưởng, cùng với sự dẫn dắt nhiệt tình của thầy, cô giáo không những giúp các em thỏa sức sáng tạo, phát triển tài năng mà còn là những bài học “không gì là không thể”.

Rút ngắn khoảng cách

Thấu hiểu được những khó khăn, hạn chế của học sinh miền núi, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, thầy Nguyễn Văn Dương, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Na Mèo (huyện Quan Sơn) luôn nỗ lực cống hiến để học sinh được thụ hưởng nhiều kiến thức mới và đầy đủ nhất. Thầy là một trong những giáo viên hướng dẫn khoa học của trường. Riêng năm 2022, thầy đã hướng dẫn thực hiện 2 dự án khoa học đạt giải cấp tỉnh, gồm “Máy thu gom rác thải trên sông hồ” và “Máy chế biến thức ăn chăn nuôi đa năng”.

Gieo tình yêu khoa học trên đất khóVừa làm công tác quản lý, thầy Nguyễn Văn Dương vừa hướng dẫn học sinh thực hiện các dự án khoa học.

Em Phạm Vi Phú Hào, tác giả dự án “Máy chế biến thức ăn chăn nuôi đa năng” cho biết: “Ý tưởng dự án xuất phát từ chính thực tiễn trên địa bàn, khi các hộ chăn nuôi có quá nhiều máy móc phụ trợ như máy xay xát, máy nghiền… chi phí mua riêng từng máy tốn kém. Điều đó khiến em suy nghĩ về việc tại sao không tích hợp thành một máy chế biến thức ăn chăn nuôi đa năng”. Dưới sự hỗ trợ của thầy giáo, mô hình của em Hào đã thành công và có tính thực tiễn cao.

Thực hiện một dự án khoa học, với học sinh vùng cao không hề dễ khi các em còn nhiều hạn chế cả về lý thuyết và thực hành. Để giúp học trò, thầy Dương sắp xếp công việc, bố trí thời gian để thầy và trò cùng nghiên cứu, trải nghiệm thực tế tháo lắp, xây dựng mô hình. “Trải nghiệm từ lý thuyết sang thực hành là cách học mang hiệu quả lâu dài cho học sinh, việc xây dựng mô hình cũng không phải 1, 2 lần là thành công mà hàng chục lần. Mỗi lần làm lại là học sinh được củng cố thêm kiến thức. Vì vậy, chúng tôi luôn khuyến khích học sinh tìm kiếm và thực hiện ý tưởng khoa học”, thầy Dương cho biết.

Đến nay, trường đã có 9 giải Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, trong đó có 3 giải cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng” và 6 giải cuộc thi “Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THCS”. Phát triển tư duy khoa học cũng chính là phương pháp học hiệu quả khi có sự kết hợp cả lý thuyết và thực hành. Điều này đã giúp nhà trường rút ngắn khoảng cách, nâng cao chất lượng dạy và học. Bằng chứng là những năm học vừa qua, trường luôn đứng top đầu về tỷ lệ học sinh đỗ vào THPT của huyện, tỷ lệ học sinh giỏi cấp huyện và có học sinh thi đỗ vào Trường THPT chuyên Lam Sơn.

“Không những củng cố kiến thức cho học sinh, mà thông qua các cuộc thi, học sinh nhà trường trở nên mạnh dạn, tự tin hơn trước những sân chơi lớn. Các em được tiếp thu nhiều kiến thức mới, học hỏi kinh nghiệm về làm việc tập thể, quản lý, xây dựng mô hình… Đó đều là những kỹ năng mà học sinh vùng cao đang còn thiếu”, thầy Dương cho biết thêm.

Những tâm huyết trong sự nghiệp “trồng người” của thầy Tịnh, thầy Dương, cô Giang đã giúp học sinh vùng cao rút ngắn khoảng cách, tiếp thêm động lực, niềm tin cho học sinh trên con đường chinh phục tri thức.

Bài và ảnh: Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]