(vhds.baothanhhoa.vn) - Đăng ký mua sách nhưng không có tiền trả một lúc mà phải chia thành nhiều lần... Để sách giáo khoa (SGK) đến được với học sinh nghèo miền núi là cả vấn đề, nhất là khi SGK tăng giá.

Học sinh nghèo miền núi và câu chuyện sách giáo khoa năm học mới

Đăng ký mua sách nhưng không có tiền trả một lúc mà phải chia thành nhiều lần... Để sách giáo khoa (SGK) đến được với học sinh nghèo miền núi là cả vấn đề, nhất là khi SGK tăng giá.

Học sinh nghèo miền núi và câu chuyện sách giáo khoa năm học mới

Mặc dù cô giáo Hà Thị Cúc đã thông báo có sách giáo khoa hơn một tuần nhưng học sinh nghèo của lớp vẫn chưa đến lấy sách.

“Cô cho gia đình trả dần tiền SGK...”

Chuẩn bị cho năm học mới 2022 - 2023, cách đây hơn một tuần, cô giáo Hà Thị Cúc, chủ nhiệm lớp 3B Trường Tiểu học Đồng Lương (Lang Chánh) đã thông báo đến từng phụ huynh tới trường nhận SGK và vở bài tập cho con nhưng từ đó đến ngày 23-8 cũng mới chỉ có 15/26 phụ huynh đến nhận sách. “Số chưa nhận sách là những học sinh nghèo. Tôi đã gọi điện và trực tiếp đến nhà những học sinh này nhưng phần lớn trả lời, gia đình chưa đủ tiền mua sách cho con”, cô giáo Hà Thị Cúc cho biết.

Với cô giáo Bùi Thị Nghị, giáo viên chủ nhiệm lớp 7A, Trường TH&THCS Cẩm Liên (Cẩm Thủy), người đã có hơn 20 năm gắn bó với ngôi trường này thì mỗi năm học mới là câu chuyện cảm động về SGK. Cô giáo Nghị nhớ lại: “Với học sinh nghèo để có được bộ SGK không dễ, nhất là khi SGK tăng giá. Tôi nhớ câu nói quen thuộc mà trong đó chứa sự gửi gắm của phụ huynh, rằng: Cô ơi! Cô cứ đăng ký hộ gia đình, đến cuối năm xin gửi tiền cô hoặc cô cho gia đình trả dần tiền SGK...”.

Chuyện tưởng như khó tin nhưng vẫn đang diễn ra ở những gia đình nghèo miền núi. Và càng cảm động hơn về những nhân vật mà chúng tôi gặp, khi được chứng kiến và được nghe họ bộc bạch câu chuyện gia cảnh...

Học sinh nào cũng phải có SGK để học

Chồng mất, nhiều năm qua chị Hà Thị Yến, 37 tuổi ở thôn Cui, xã Đồng Lương (Lang Chánh) một mình nuôi 2 con. Năm học này, các con chị, một cháu vào lớp 3 còn một cháu lên lớp 10. Khi chồng còn sống, gia đình chị thuộc hộ cận nghèo. Chồng mất, gia đình xuống hộ nghèo. 3 mẹ con có 1 sào ruộng. Sinh hoạt hàng ngày nhờ vào trồng rau, trồng lúa. Đến ngày mùa, chị đi cấy thuê. Nói về mua SGK cho con, chị ngập ngừng: “Cô giáo chủ nhiệm của cháu học lớp 3 vào nhà, bảo ra nhận sách cho con nhưng em chưa có tiền, cũng đang cố gắng xoay xở vì những hơn 500 nghìn. Năm ngoái, cũng gần đến năm học mới của con thì em bị ốm, bà ngoại ra lấy SKG nhưng định khất lại tiền với nhà trường thì phụ huynh và cô giáo đã góp ủng hộ mua sách cho con em”.

Học sinh nghèo miền núi và câu chuyện sách giáo khoa năm học mới

Bà Quách Thị Hà cùng cháu nội nhận cắt chỉ quần áo cho công ty may để kiếm thêm thu nhập.

Đối với Phạm Thị Ngân, học sinh lớp 7A, Trường TH&THCS Cẩm Liên (Cẩm Thủy) có hoàn cảnh cũng đặc biệt. Bố mẹ bỏ nhau khi Ngân mới 2 tuổi. Kể từ đó, không ai có trách nhiệm nuôi em và giao phó toàn bộ cho ông bà nội. Bà Quách Thị Hà, bà nội của em năm nay 53 tuổi, là người khuyết tật. Ông nội bị thoát vị đĩa đệm. Mấy năm qua, bà Hà nhận cắt chỉ quần áo cho một công ty may gần nhà. Mấy tháng hè có cháu nội phụ giúp, hai bà cháu làm được 40-50 nghìn/ngày. Dù ngày khai giảng đã cận kề, nhưng lúc này bà vẫn chưa mua được SGK cho cháu. “Năm ngoái, tôi cũng mua nợ SGK cho cháu rồi trả dần. Năm nay, chắc cũng vậy, cô giáo cũng có nhắn cứ ra lấy sách, lúc nào có tiền gửi nhà trường cũng được. Tôi và ông ấy bệnh tật nhiều quá, gia đình cứ nghèo mãi thôi”.

Không chỉ là SGK tăng hay không tăng giá mà với học sinh nghèo nói chung, học sinh nghèo ở miền núi nói riêng luôn là câu chuyện khó. Năm nay, SGK chương trình mới tăng gấp 2-3 lần SGK hiện hành thì càng thêm gánh nặng với học sinh nghèo. Theo thầy giáo Trần Hùng, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Cẩm Liên thì nhà trường có 1/3 học sinh nghèo, cận nghèo. Nhiều em không có điều kiện mua đầy đủ SGK để học tập. Do đó, ngoài việc kêu gọi học sinh quyên góp sách cũ để xây dựng thư viện dùng chung, nhà trường cũng kêu gọi các nhà hảo tâm, các trường trong và ngoài huyện có điều kiện để giúp đỡ học sinh về các loại sách đã qua sử dụng. Ông cho biết: “Đầu năm học, nhà trường cũng dựa trên số lượng học sinh các khối để đăng ký sách với phòng giáo dục, với mục tiêu là học sinh có SGK ngay từ khi khai giảng năm học mới và thu kinh phí dần trong cả năm học đối với các học sinh có hoàn cảnh khó khăn”. Thầy giáo Đỗ Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Lương cũng cho rằng: “Quan điểm của nhà trường, tất cả học sinh phải có sách để học, học sinh nghèo càng phải được quan tâm, không để bất cứ học sinh nào thiếu sách khi vào năm học mới. Chưa có tiền trả thì trả sau, trả dần...”.

Bài và ảnh: Vi An


Bài và ảnh: Vi An

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]