(vhds.baothanhhoa.vn) - Giáo dục mầm non (MN) là cấp học đầu tiên đặt nền móng cho sự phát triển cả về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ của trẻ. Do đó, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện trong trường MN là vô cùng cần thiết và đặc biệt quan trọng. Xác định rõ điều này, trong những năm qua, ngành giáo dục đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng môi trường giáo dục an toàn và lành mạnh cho trẻ.

Xây dựng trường học an toàn trong cấp học mầm non

Giáo dục mầm non (MN) là cấp học đầu tiên đặt nền móng cho sự phát triển cả về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ của trẻ. Do đó, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện trong trường MN là vô cùng cần thiết và đặc biệt quan trọng. Xác định rõ điều này, trong những năm qua, ngành giáo dục đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng môi trường giáo dục an toàn và lành mạnh cho trẻ.

Xây dựng trường học an toàn trong cấp học mầm nonCô, trò Trường Mầm non thị trấn Lang Chánh 2 trong một giờ học.

Ngoài chuẩn bị và bảo đảm các điều kiện về nguồn nhân lực, trang thiết bị để phục vụ công tác giảng dạy, chăm sóc, giáo dục trẻ, việc xây dựng môi trường học đường an toàn, thân thiện là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Trường MN Thọ Thanh (Thường Xuân) thực hiện thường xuyên, liên tục. Nhiệm vụ này không đơn thuần là nhằm bảo vệ sức khỏe, sự an toàn cho trẻ; mà còn là trách nhiệm, thể hiện mức độ uy tín của nhà trường đối với học sinh, các bậc cha mẹ cũng như cộng đồng xã hội. Cô giáo Lê Thị Bình, Hiệu trưởng Trường MN Thọ Thanh, cho hay: “Ngay từ đầu mỗi năm học, nhà trường đã quán triệt, triển khai đầy đủ các văn bản về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích đến toàn thể cán bộ, giáo viên và nhân viên. Đồng thời, rà soát, sửa chữa kịp thời cơ sở vật chất bị hư hỏng, loại bỏ các yếu tố gây mất an toàn cho trẻ. Đặc biệt, trong các hoạt động giáo dục, ban giám hiệu luôn nhắc nhở đội ngũ giáo viên phải ân cần, gần gũi, yêu thương trẻ, chăm sóc trẻ tận tình chu đáo, thân thiện để trẻ tự tin, yêu trường, yêu lớp; tuyệt đối không dùng bất kỳ một hình thức trách phạt nào ảnh hưởng đến thể chất và tâm lý trẻ”.

“Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” - đó là khẩu hiệu và cũng là mục tiêu mà Trường MN thị trấn Lang Chánh 2 (Lang Chánh) hướng tới để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Để hiện thực hóa mục tiêu này, cùng với công tác tuyên truyền nhà trường đã tham mưu cho chính quyền địa phương huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất theo hướng hiện đại, đồng bộ. Hiện, cơ sở vật chất phòng lớp học, phòng chức năng của nhà trường đã được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang, khuôn viên trường học xanh - sạch - đẹp. Môi trường lớp học được sắp xếp gần gũi, quen thuộc, thiết kế an toàn. Đặc biệt để lớp học thêm lôi cuốn trẻ, giáo viên nhà trường đã tạo dựng không gian lớp học với những màu sắc sinh động và ngộ nghĩnh. Cô giáo Lê Thị Ngọc, Hiệu trưởng Trường MN thị trấn Lang Chánh 2 chia sẻ: Cán bộ, giáo viên nhà trường luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao đạo đức nghề nghiệp trong chăm sóc, giáo dục trẻ; nỗ lực, phấn đấu xây dựng môi trường giáo dục tốt nhất cho sự phát triển của trẻ. Trong quá trình xây dựng môi trường giáo dục an toàn, ngoài đầu tư cơ sở vật chất, cảnh quan khuôn viên xanh, sạch, đẹp, nhà trường đặc biệt chú trọng đến công tác bán trú. Đây cũng là hoạt động nhận được sự quan tâm của các bậc phụ huynh. Phương châm của nhà trường trong hoạt động này là “thực phẩm sạch, đồ dùng sạch, khẩu phần ăn bảo đảm dinh dưỡng”.

Theo cô giáo Trương Thị Hạnh, Trưởng Phòng Giáo dục MN, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ngành giáo dục luôn xác định bảo đảm an toàn cho trẻ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu quyết định đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Theo đó, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ÐT đã chỉ đạo, hướng dẫn phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố cũng như các trường MN trên địa bàn tỉnh quan tâm và làm tốt nhiệm vụ này. Trong đó, các nhà trường thường xuyên rà soát, kiểm tra chất lượng công trình, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, phương tiện, dụng cụ máy móc phục vụ công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em; phát hiện và xử lý kịp thời các hạng mục bị xuống cấp, hư hỏng có nguy cơ gây mất an toàn đối với trẻ. Trong hoạt động giáo dục, các nhà trường đã lồng ghép giáo dục trẻ kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng tránh xâm hại. Đối với hoạt động bán trú, thực hiện chỉ đạo của ngành, các trường học đã bố trí bếp ăn theo nguyên tắc một chiều, bảo đảm chế độ kiểm tra thực phẩm 3 bước và lưu mẫu thức ăn theo đúng quy định. Ngoài ra, các trường học cũng đã làm tốt công tác phối hợp với ngành y tế về thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ cho trẻ, phòng chống dịch bệnh trong môi trường học đường...

Thực tế cho thấy, những nỗ lực của các trường MN trong xây dựng môi trường học đường an toàn, thân thiện thời gian qua đã được ngành chức năng, chính quyền địa phương và phụ huynh học sinh ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, an toàn trường học chỉ có tính tương đối, do đó, mỗi cán bộ, giáo viên, mỗi đơn vị trường cần nỗ lực hơn nữa, nêu cao vai trò, trách nhiệm cùng với toàn ngành giáo dục, chính quyền địa phương để xây dựng môi trường giáo dục thực sự an toàn, lành mạnh, thân thiện nhằm hiện thực hóa mục tiêu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Bài và ảnh: Lê Phong



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]