(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau 3 năm triển khai, thực hiện, Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025", đã góp phần hình thành các chuẩn mực văn hóa, giúp các thành viên trong nhà trường có nhận thức đúng, suy nghĩ, tình cảm, hành vi tốt đẹp, thực hiện văn hóa ứng xử lành mạnh,…

Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học: Cần sự vào cuộc từ nhiều phía

Sau 3 năm triển khai, thực hiện, Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025", đã góp phần hình thành các chuẩn mực văn hóa, giúp các thành viên trong nhà trường có nhận thức đúng, suy nghĩ, tình cảm, hành vi tốt đẹp, thực hiện văn hóa ứng xử lành mạnh,…

Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học: Cần sự vào cuộc từ nhiều phíaTuyên truyền giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên cho học sinh lớp 10A15, Trường THPT Tĩnh Gia 1.

Giáo dục văn hóa ứng xử là cả quá trình…

Năm học 2021-2022, cô giáo Vũ Thị Quỳnh được phân công làm giáo viên chủ nhiệm lớp 9A, Trường THCS Hoằng Châu (Hoằng Hóa). Theo chia sẻ của cô giáo Quỳnh thì học sinh (HS) trong lớp đa số ngoan nhưng vẫn còn một số em ăn nói chưa đúng mực. Cô Quỳnh kể lại: “Chưa đúng mực ở chỗ, có em trong cách nói năng với thầy cô rất cộc lốc. Không phải HS vô lễ. Tôi cho đó là một thói quen ở ngay trong gia đình, khi bố mẹ chưa quan tâm đến lời ăn, tiếng nói của con mình. Ví dụ, khi cô giáo nói là em cố gắng làm bài tập đầy đủ hơn, thì HS chỉ trả lời “vâng”. Như thế chưa đủ, tôi hoàn toàn không đồng ý, nên yêu cầu các em nói là: Thưa cô, vâng ạ! Phải uốn nắn, hướng dẫn cho các em, nói có trước, có sau”.

Trong năm học này, thầy giáo Nguyễn Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường THCS Hoằng Châu đã đưa ra sáng kiến, HS ở mỗi lớp viết thư gửi bố mẹ. Thầy Hòa cho biết: “Ngoài tạo môi trường ứng xử văn hóa cho HS như chăm sóc di tích, quét dọn đường làng, ngõ xóm, nhà trường còn tổ chức cho HS viết thư gửi bố mẹ để nói lên tâm tư, tình cảm, những vướng mắc của bản thân. Tại cuộc họp phụ huynh đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm sẽ là người truyền tải nội dung này đến bố mẹ các em để không chỉ phụ huynh mà giáo viên sẽ có thay đổi trong ứng xử với học trò. Bước đầu đã có những hiệu ứng tích cực”.

Là người đã từng chủ nhiệm nhiều khóa học và là 1 trong 5 thành viên của tổ tư vấn tâm lý nhà trường, cô giáo Hoàng Thị Lan, giáo viên chủ nhiệm lớp 11A12, Trường THPT Tĩnh Gia 1 (thị xã Nghi Sơn) cho rằng, trong văn hóa ứng xử trường học, đầu tiên phải luôn yêu thương, quan tâm và chia sẻ với HS. Giáo viên phải là tấm gương từ lời ăn tiếng nói đến ứng xử… Cô giáo Lan nhớ lại câu chuyện về một học trò cá biệt của năm học trước. Cô kể: “Đó là HS bị trầm cảm, nói năng khó nghe, thậm chí vô lễ. Học kỳ I, xếp loại hạnh kiểm yếu. Tôi có trao đổi với phụ huynh, cố gắng gần gũi và động viên con. Về phía nhà trường, là giáo viên chủ nhiệm, tôi vừa bảo ban vừa dỗ dành. Sang học kỳ II, học trò này thay đổi rất rõ, vui vẻ hơn, học tập tiến bộ hơn và được xếp hạnh kiểm loại khá. Tôi thấy việc nắm bắt tâm lý của HS rất quan trọng. Tại các buổi hội nghị cha mẹ HS, tôi đều tâm sự với phụ huynh, khi con điểm thấp, con lười học, cố gắng đừng mắng, đừng đánh, đừng lên án các em, cứ yêu thương là có hiệu quả… Giáo dục văn hóa ứng xử phải từ từ, đó là cả quá trình, không thể nóng vội”.

Ở Trường THPT Tĩnh Gia 1, năm học này có gần 2.000 HS. HS đông cũng là áp lực đối với nhà trường, ngoài đảm bảo chất lượng dạy và học thì xây dựng văn hóa ứng xử trường học cũng đặt ra nhiều vấn đề. Theo Phó Hiệu trưởng nhà trường, thầy giáo Nguyễn Hữu Hòa: “Điều đáng lo nhất đối với nhà trường, sự quan tâm của bố mẹ dành cho con cái rất ít nên có nhiều HS cá biệt, không vi phạm pháp luật nhưng thường rơi vào trầm cảm, có những em không kiểm soát được hành vi. Nhà trường đã có nhiều hình thức tuyên truyền thông qua tổ tư vấn tâm lý, các buổi sinh hoạt ngoại khóa… Sau 3 năm thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025”, HS cá biệt giảm, sự gắn kết giữa nhà trường và gia đình tốt hơn”.

Cần thêm sự vào cuộc

Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025” thực hiện theo Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 3-10-2018 của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu là tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ, quản lý, nhà giáo, nhân viên, HS, sinh viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa, xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT)…

Sau 3 năm thực hiện, đề án đã tạo nét đẹp văn hóa học đường và là động lực để hoàn thiện, phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ và lối sống tốt đẹp của cán bộ quản lý, giáo viên, HS trên địa bàn tỉnh. Trưởng phòng GD&ĐT Đông Sơn, ông Phạm Văn Dũng cho biết: “100% trường học trên địa bàn huyện đã xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học. Cán bộ, quản lý, giáo viên, nhân viên trong các nhà trường được bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và có năng lực tốt trong tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học. Đến nay, 90% trường học đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện, góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường. Còn theo ông Chu Văn Cường, chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Hoằng Hóa: “Sau 3 năm thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025”, HS tại các nhà trường ứng xử với nhau bằng ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu. Giáo viên khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh đồng thời lắng nghe, động viên khích lệ HS, tích cực phòng, chống bạo lực học đường”.

Thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025”, Sở GD&ĐT đã phát động nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động lớn mang lại hiệu quả tích cực, tỷ lệ HS tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh được xếp loại hạnh kiểm tốt tăng dần qua các năm. Bộ Quy tắc ứng xử được xây dựng và thực hiện đã có tác động lớn đến văn hóa giao tiếp ứng xử trong các trường học. Tuy nhiên, ở một số đơn vị trường học, hình thức tuyên truyền chưa đa dạng, phong phú. Tình trạng bạo lực học đường vẫn xảy ra ở một số các điểm trường. Bà Bùi Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: “Tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo, ứng xử thiếu văn hóa của HS, cán bộ, giáo viên vẫn xảy ra. Công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội còn bất cập, chưa huy động được sức mạnh của các hội, đoàn thể tại địa phương; đặc biệt của gia đình HS. Thời gian tới, các nhà trường cần đổi mới nội dung, phương thức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học, công tác tư vấn tâm lý cho HS trong các trường phổ thông. Chủ động phối hợp với ngành công an, chính quyền địa phương để xử lý các vấn đề phức tạp về chính trị, tư tưởng liên quan đến cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và HS, không để HS bị lôi kéo tham gia các hội, nhóm, tổ chức hoạt động trái pháp luật và các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, tụ tập gây rối an ninh, trật tự an toàn xã hội…”.

Bài và ảnh: Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]