(vhds.baothanhhoa.vn) - Hưởng ứng chiếu Cần Vương, các văn thân, sĩ phu yêu nước và Nhân dân cả nước nói chung, Thanh Hóa nói riêng đã nhất tề đứng lên, quyết tâm kháng chiến chống quân Pháp xâm lược, trong đó có cuộc nổi dậy do Lãnh Phiên lãnh đạo đã gây được tiếng vang rất lớn.

"Lãnh Phiên danh giá vẻ vang nước nhà...”

Hưởng ứng chiếu Cần Vương, các văn thân, sĩ phu yêu nước và Nhân dân cả nước nói chung, Thanh Hóa nói riêng đã nhất tề đứng lên, quyết tâm kháng chiến chống quân Pháp xâm lược, trong đó có cuộc nổi dậy do Lãnh Phiên lãnh đạo đã gây được tiếng vang rất lớn.

Lãnh Phiên danh giá vẻ vang nước nhà...”Bia đá “Vũ từ đường bi ký” được dựng ngay lối đi vào khu nhà thờ.

Ngày 1/9/1858, thực dân Pháp nổ súng tại Đà Nẵng, công khai phát động chiến tranh xâm lược nước ta. Triều đình nhà Nguyễn đã ký hai hòa ước ngày 25/8/1883 và 6/6/1884, thực chất đây là những hòa ước thừa nhận sự đô hộ lâu dài của thực dân Pháp trên đất nước ta. Việt Nam trở thành một xứ thuộc địa nửa phong kiến của thực dân Pháp. Trong nội bộ triều đình, phái chủ chiến do Tôn Thất Thuyết cầm đầu đã tấn công thực dân Pháp ngày 5/7/1885. Nhưng do tương quan lực lượng và sự chuẩn bị chưa đầy đủ, cuộc phản công đã thất bại, kinh thành Huế rơi vào tay giặc. Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi rút ra phía Bắc để tính toán một cuộc kháng chiến lâu dài. Ngày 13/7/1885, tại vùng rừng núi ở miền Tây Bình - Trị - Thiên, vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương kêu gọi toàn dân đứng dậy chống Pháp. Ngày 19/9/1885, vua Hàm Nghi lại ban chiếu Cần Vương lần thứ 2 để phát động phong trào chống Pháp mạnh mẽ hơn nữa.

Ở Thanh Hóa, phong trào ngay từ ngày đầu đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Đặc biệt, từ sau năm 1885, kế thừa và phát huy kinh nghiệm chiến đấu của giai đoạn trước, nhiều cuộc nổi dậy, nhiều phong trào ở Thanh Hóa đã phát huy tinh thần yêu nước của đông đảo các tầng lớp Nhân dân, đoàn kết các dân tộc, mở rộng quy mô, lợi dụng địa hình, địa vật hiểm trở của vùng rừng núi miền Tây Thanh Hóa để tiếp tục kháng chiến chống Pháp và duy trì cuộc chiến đấu đến cuối thế kỷ XIX. Trong suốt một thập kỷ (1885-1895) cầm quân, Cầm Bá Thước cùng các thủ lĩnh Hà Văn Mao, Hà Văn Nho... đã chiến đấu kiên cường vì cuộc sống của bản làng và đồng bào các dân tộc, vì độc lập tự do của Tổ quốc. Nhân dân các dân tộc miền núi Thanh Hóa: Mường, Thái, Dao... đã có mặt trong hàng ngũ nghĩa quân Ba Đình, Hùng Lĩnh và là lực lượng kháng chiến chủ yếu khi phong trào chuyển lên miền núi Thanh Hóa.

Trong giai đoạn đó, ở vùng Quảng Xương, Vũ Đình Phiên (hay còn gọi là Lãnh Phiên) nổi lên là một chàng trai chí khí hơn người và có tinh thần yêu nước, thương dân.

Sinh năm 1826 tại làng Xuân Phương, xã Quảng Châu, huyện Quảng Xương (nay là phường Quảng Châu, TP Sầm Sơn) trong một gia đình có người cha tên là Vũ Đình Trực đầy khí phách và uy tín, từ nhỏ Vũ Đình Phiên đã bộc lộ tố chất khác người.

Ông có vóc dáng cao to, mặt vuông chữ điền, đồng thời là con nhà gia thế, sớm được đi học chữ và học võ nghệ nên khắp vùng đều biết đến tên. Khi trưởng thành, Vũ Đình Phiên đã được bổ làm Trương tuần, Lý trưởng, đến Thanh tra hàng tổng và phó tổng Cung Thượng. Dân trong vùng gọi ông là phó tổng Phiên.

Nhận được chiếu Cần Vương chống Pháp, ông đã nhanh chóng liên kết, liên lạc với nhiều văn thân, sĩ phu, những người yêu nước ở quanh vùng như: ông Cát, ông Chiệc, ông Chùy, ông Soạn, ông Thú ở làng Lan (làng Xuân Phương), ông Tĩnh, ông Lý Xang, ông Cai Đề, ông Cai Trắm, ông Đễ ở làng Kiều Thôn; ông Bạ Chính ở Trại Mãu... là những người trong xã; ông Cử Mãu, ông Đoàn Xuân ở làng Nghệ (làng Trường Thọ, xã Quảng Ninh, Quảng Xương), ông Lê Viêm, ông Đường Hiêng ở làng Hòa Chúng (nay là phường Quảng Thọ, TP Sầm Sơn)... Đó chính là những hạt nhân cho sự phát triển của lực lượng sau này.

Tháng 11/1885, các lãnh tụ văn thân của triều đình và Thanh Hóa đã phong cho ông chức Lãnh binh. Từ đó mọi người thường gọi là ông Lãnh Phiên.

Sau khi nhận chức và chịu sắc mệnh đánh Tây của triều đình kháng chiến, đứng đầu là vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết, Lãnh Phiên đã chiêu mộ hào kiệt, quân sĩ... thanh thế nghĩa quân ngày càng mạnh, tráng đinh tụ nghĩa ngày một đông, các hào phú cũng tự nguyện đóng góp lương thực, thực phẩm nuôi quân sĩ.

Quân số nghĩa quân tăng nhanh, Lãnh Phiên quyết định di chuyển đại bản doanh từ làng Xuân Phương sang làng kề bên để dễ bề hoạt động. Nghĩa quân đóng chốt ở làng Trù Lễ, Hòa Chúng, Kiều Thôn gần cánh đồng Cồn Tiên, Mỏ Giang ở phía Nam lưu vực sông Mã, liên lạc với các lãnh tụ nghĩa quân ở các huyện lỵ quanh vùng, mở rộng địa bàn, quân sĩ lên tới hàng ngàn người.

Đầu năm 1886, nghĩa quân Lãnh Phiên đã tế cờ, tế súng và khai đao, với sự có mặt đông đủ các văn thân, sĩ phu, Nhân dân trong và ngoài tổng, quyết thề không đội trời chung với quân xâm lược. Nghĩa quân chiến đấu nhiều trận, lập nhiều chiến công vang dội. Ngày 9/6/1886, quân Lãnh Phiên đến Ba Đình (Nga Sơn) chi viện cho căn cứ chống Pháp ở Ba Đình của Đinh Công Tráng và Phạm Bành. Cuộc chiến ở Ba Đình vô cùng quyết liệt, nghĩa quân Lãnh Phiên chiến đấu anh dũng, kiên cường, làm cho quân Pháp thất điên bát đảo. Giặc Pháp luôn lùng sục để tiêu diệt nghĩa quân, đi đến đâu chúng cũng đốt nhà, cướp của, giết người để trả thù nghĩa quân.

Thực dân Pháp tập trung lực lượng tấn công căn cứ Ba Đình - mối lo của chúng lúc bấy giờ. Ba Đình thất thủ đêm 21/1/1887, tức ngày 28 tháng Chạp năm Bính Tuất, nghĩa quân rút về địa phương và căn cứ Mã Cao.

Ngày 24 tháng Giêng năm Đinh Hợi (1887), do có kẻ chỉ điểm, giặc đã bắt được Lãnh Phiên tại làng Trường Lệ, xã Quảng Vinh (nay là phường Quảng Vinh, TP Sầm Sơn) khi ông gặp Đề Đớn để bàn việc quân binh. Bắt được Lãnh Phiên, giặc Pháp đã tìm mọi cách dụ dỗ ông đầu hàng. Biết không thể khuất phục được người anh hùng, thực dân Pháp đã chém ông vào sáng ngày 3/4/1887 ở thành Thọ Hạc, khi đó ông 61 tuổi. Con cháu đã đưa thi hài ông về an táng tại gò đất Nghĩa Trũng (nay thuộc phường Quảng Cát, TP Thanh Hóa).

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, 4 làng Xuân Phương, Kiều Thôn, Yên Trạch, Bình Hòa ghép lại thành một xã, gọi là xã Lãnh Phiên. Năm 1947, 3 xã Lê Viêm, Lãnh Phiên, Bạch Đằng hợp lại thành xã Quảng Châu. Chợ cầu Trõi, làng Hòa Chúng, được đổi tên là chợ Lãnh Phiên cho đến tận ngày nay, cầu Trõi còn được gọi là cầu Lãnh Phiên.

Về nhà thờ Lãnh Phiên tại khu phố Xuân Phương, phường Quảng Châu, TP Sầm Sơn, người cháu đời thứ 5 của ông, anh Vũ Đình Thiện giới thiệu với chúng tôi về căn nhà gỗ 5 gian, gian giữa là nơi bày hương án và các đồ thờ, có câu đối từ xưa do cụ Đồ San để lại: “Quốc thế dĩ trầm quân thượng phấn/ Tướng đầu vị đoạn tạc do binh” với ý nghĩa là nước nhà dù có đắm vẫn còn dân, đầu tướng chưa lìa, giặc vẫn kinh.

Anh còn giới thiệu tấm bia đá “Vũ từ đường bi ký” rộng 50cm, dày 10cm, cao 90cm, chữ còn sắc nét, được soạn khắc năm 1904. Vì sợ thực dân Pháp trả thù, văn bia không ghi chép rõ về lai lịch của Lãnh Phiên, nhưng lời lẽ trong bia rất ý tứ nhắc nhở con cháu tu nhân tích đức, phụng thờ cha mẹ để trở thành người nhân nghĩa và giữ tình thân giữa anh em.

Có thể khẳng định, Lãnh Phiên đã để lại tấm gương sáng về lòng yêu quê hương, Tổ quốc, đồng bào, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. “Thế hệ con cháu chúng tôi đến dịp giỗ cụ vẫn đọc cho nhau nghe Bài ca Lãnh Phiên, gồm 60 câu của cụ Đồ San, tên thật là Đinh Viết Tiến viết tặng. Trong đó có những câu như:

“Lãnh Phiên danh giá vẻ vang nước nhà

Vốn dòng dõi ông cha họ Vũ,

Bẩm sinh ra hào phú tài hoa

Khi phó tổng, khi thanh tra

Lúc vào trại chủ, khi ra trương tuần

Vừa gặp hội văn thân khởi nghĩa

Ông cùng người sức khỏe chí cao

Tinh thông tam lược lục thao

Văn ôn võ luyện bên nào cũng nên...”.

"Công lao của cụ Lãnh Phiên không chỉ là niềm tự hào của dòng họ mà còn là sự hãnh diện của Nhân dân phường Quảng Châu. Bởi thế, hằng năm vào ngày tết, lãnh đạo phường đều đến thắp hương viếng cụ. Đây là trách nhiệm của thế hệ sau với những người đã hy sinh xương máu, vì tự do và hạnh phúc của mọi người", bà Nguyễn Thị Mận, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng Châu (TP Sầm Sơn), cho biết.

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]