(vhds.baothanhhoa.vn) - Lâu nay phần lớn các sách đều giải thích “lộng” có nghĩa là đùa, đùa cợt , và giải thích cả câu là: điều nói đùa mà thành sự thật , hoặc đùa quá hoá thật . Thậm chí có sách lại giải thích “lộng” ở đây có nghĩa là “lộng hành”: Cái giả cứ mặc sức lộng hành, thì dần dà sẽ trở thành cái chân. Thành thử, mỗi tác giả nói mỗi phách, mỗi sách giải thích mỗi kiểu. Được cái nọ thì mất cái kia, không có cuốn nào giải thích chính xác và đầy đủ.

“Lộng giả thành chân”, và “Bỡn quá hóa thật”

Lâu nay phần lớn các sách đều giải thích “lộng” có nghĩa là đùa, đùa cợt, và giải thích cả câu là: điều nói đùa mà thành sự thật, hoặcđùa quá hoá thật. Thậm chí có sách lại giải thích “lộng” ở đây có nghĩa là “lộng hành”: Cái giả cứ mặc sức lộng hành, thì dần dà sẽ trở thành cái chân. Thành thử, mỗi tác giả nói mỗi phách, mỗi sách giải thích mỗi kiểu. Được cái nọ thì mất cái kia, không có cuốn nào giải thích chính xác và đầy đủ.

“Lộng giả thành chân”, và “Bỡn quá hóa thật”

Vì sao vậy?

Có một nguyên nhân quan trọng, đó là các soạn giả đoán nghĩa, chứ không tìm về xuất xứ, và đặt câu thành ngữ vào ngữ cảnh sử dụng. Trong khi “Lộng giả thành chân” là một thành ngữ gốc Hán. Mà đã gọi là gốc Hán (có nguồn gốc, xuất xứ từ Hán ngữ), thì trước tiên phải tìm về cái gốc, xem nó được hiểu và dùng như thế nào, sau đó mới tính đến nghĩa phái sinh, nghĩa mới của thành ngữ, nếu có.

1-Tìm về gốc Hán

Theo Hán điển, thành ngữ “Lộng giả thành chân” vốn xuất xứ từ tác phẩm Lộng bút ngâm của Thiệu Ung đời Tống, trong đó có câu “Lộng giả tượng chân, chung thị giả/Tương cần bổ chuyết tổng thâu cần”, nghĩa là “Biến giả thành thật, thì cuối cùng cái thật ấy cũng là giả/ Lấy cần cù để bù cho tối dạ, thì kẻ tối dạ sẽ thành thông minh”.

Về sau, Lộng giả thành chânđược hiểu theo hai nghĩa: ban đầu có ý làm giả, sau trở thành thật; biến giả thành thật. Cụ thể, Hán ngữ đại từ điển giảng 2 nghĩa rõ ràng như sau:

1) Vốn có nghĩa lấy giả làm thật, sau chỉ việc ban đầu có ý làm giả, kết quả lại hoá thành thật (Bản vị dĩ giả tác chân, hậu vị nguyên ý tác giả, kết quả biến thành chân sự).

2) Chỉ việc biến giả thành thật (Vị biến giả vi chân).

Chữ “lộng” trong “Lộng giả thành chân” có nghĩa là làm, khiến cho – nghĩa (nghĩa thứ 13 màHán ngữ đại từ điểnghi nhận). Bởi thế, trong Hán ngữ còn có các câu như: “Giả tố chân, thời chân diệc giả, chân tố giả thời giả diệc chân”, nghĩa là: Biến giả thành thật, thì cái thật ấy cũng là giả; thật làm thành giả, thì cái giả ấy vẫn là thật. Câu này có một dị bản, trong đó chữ tố做 được thay bằng tác 作: Giả tác chân thời chân diệc giả, chân tác giả thời giả diệc chân. Trong đó, lộng 弄, tố 做, hay tác 作 đều có nghĩa là làm cho, khiến cho.

2-Đặt vào ngữ cảnh

Về nghĩa 1, ban đầu có ý làm giả, sau lại trở thành thật. Hán ngữ minh hoạ bằng ví dụ: Hai người đóng giả yêu nhau, đến chăm sóc, an ủi mẹ già đang bệnh nặng, cuối cùng, lộng giả thành chân, họ trở thành vợ chồng thật.

Nghĩa 1 này có thể ứng với câu chuyện lộng giả thành chân trong tiếng Việt. Ví như có anh chàng thuê một cô đóng giả người yêu về ra mắt gia đình. Bố mẹ anh rất vui mừng và quý mến cô gái. Cô gái khi tiếp xúc với gia đình cũng mến người, mến cảnh…Rồi chàng trai cũng nảy sinh tình cảm một cách tự nhiên với cô gái. Cuối cùng thành ra yêu thật, lấy nhau thật. Tình huống này hoàn toàn không phải là đùa, mà nằm trong ý đồ làm giả, đóng giả.

Với nghĩa 2, chỉ việc biến giả thành thật.

Hán ngữ đại từ điển dẫn ngữ liệu trong Tây du ký hồi thứ 95: “Hành Giả túm lấy Công chúa lớn tiếng mắng: “Đồ nghiệt súc! Ngươi lộng giả thành chân, chừng ấy chưa đủ, còn muốn lừa dối cả thầy ta sao!

Sở dĩ Hành Giả mắng Công chúa là “Đồ nghiệt súc! Ngươi lộng giả thành chân chừng ấy chưa đủ…”, là bởi kẻ “nghiệt súc” này vốn là yêu khí, nhưng “biến giả thành thật”, đội lốt Công chúa. Và việc quỷ giả làm người đối với Hành Giả đã là quá đáng lắm rồi, giờ còn muốn lừa dối cả thầy Đường Tăng nữa.

Nghĩa này tương đương với câu chuyện Lộng giả thành chân -biến giả thành thật, mà báo Lao động (11-8-1999) viết: “…Đồ giả có vẻ thật đến nỗi những nhà chuyên môn thiếu kinh nghiệm không phân biệt nổi. Sự “lộng giả thành chân” làm khó dễ trong việc quản lý sưu tầm loại sản phẩm văn hoá vật thể đặc biệt này” (ngữ liệu củaTrung tâm từ điển học Vietlex).

Ngoài ra, chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều ngữ liệu khác trên báo chí như:

- “Giả mạo trang thông tin của các cơ quan công quyền - một âm mưu “lộng giả thành chân”.

-“Ca sĩ hát sai lời: Ý thức kém […] Giống như câu “lộng giả thành chân”, dần dà họ mặc định cái sai thành đúng”.

-“Báo Phụ Nữ TP.HCM xin gửi đến độc giả những phân tích của tiến sĩ Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, người có vai trò rất quan trọng trong Hiệp định biên giới Việt - Trung - về chiêu trò “lộng giả thành chân” này của nhà cầm quyền Trung Quốc trong âm mưu độc chiếm Biển Đông…”.

Như vậy, câu thành ngữ gốc Hán đang xét có hai nghĩa, thì cả hai nghĩa mà Hán điểnHán ngữ đại từ điển giảng, đều được vận dụng trong tiếng Việt, giống hệt như trong tiếng Hán. Trong đó, nghĩa 2 được vận dụng khá nhiều.

3-“Lộng giả thành chânBỡn quá hoá thật

Trong tiếng Việt, chữ “lộng” với nghĩa là “làm” không phải là một từ có khả năng độc lập trong hành chức, và rất ít được sử dụng với tư cách là một yếu tố cấu tạo tư gốc Hán; trong khi “lộng” với nghĩa là chơi đùa, đùa cợtđược nhiều người biết đến qua những từ như trào lộng, lộng ngữ, lộng ngôn…Bởi thế, người ta phỏng đoán lộng trong Lộng giả thành châncó nghĩa là đùa cợt, lộng hành. Từ đây, câu Bỡn quá hoá thật được cho là bản đối dịch của Lộng giả thành chân.

Tuy nhiên, “Đùa/bỡn quá hóa thật”, là một câu tục ngữ Việt. Ví dụ A và B trêu đùa nhau. A nói đùa thái quá, xúc phạm đến B, khiến B cáu, thế rồi lời qua tiếng lại, thành ra cãi nhau to, đánh nhau thật. Theo đây, Đùa/bỡn quá [thì] hóa thật, là một câu tục ngữ(tổng kết kinh nghiệm mang tính qui luật), trong khi Lộng giả thành chân lại là một thành ngữ (chỉ đơn thuần là một nhận xét). Chẳng qua vì lầm lẫn nên người ta ngỡ nó là bản đối dịch của Lộng giả thành chân

Có thể đưa ra một số dẫn chứng. Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (Vũ Dung – Vũ Thuý Anh – Vũ Quang Hào), thu thập thành ngữ Lộng giả thành chân và hướng dẫn xem Bỡn quá hoá thật. Mục Bỡn quá hoá thật” sách này giảng: “Bỡn quá hoá thật [Đùa quá hoá thật] Đùa quá mức sinh ra mất lòng nhau”.

Tham khảo thêm Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên), ta thấy sách này giảng tương tự: “Bỡn quá hoá thật: Đùa quá mức sinh ra mất lòng nhau: tưởng là chuyện vặt, ai dè bỡn quá hoá thật”.

Như vậy, Bỡn quá hoá thật là một câu tục ngữ Việt, trong khi Lộng giả thành chân, lại là một thành ngữ gốc Hán. Việc gán ghép chúng với nhau chẳng khác nào Hồn trương ba, da hàng thịt, hay nói một cách hài hước là “Hồn của Ta, da của Tàu vậy.

Hoàng Tuấn Công



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]