(vhds.baothanhhoa.vn) - Để tận dụng lợi thế của một tỉnh có khu kinh tế biển với cảng nước sâu, có nhiều khu công nghiệp với nhà máy lọc hóa dầu lớn nhất khu vực ASEAN cũng như lợi thế về giao thông vận tải với cảng hàng không kết nối ngày càng rộng, Thanh Hóa tập trung ưu tiên thu hút đầu tư vào 5 trụ cột phát triển...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xúc tiến đầu tư - Cánh cửa rộng để bứt phá phát triển (Bài 3): Những trụ cột phát triển tương lai

Để tận dụng lợi thế của một tỉnh có khu kinh tế biển với cảng nước sâu, có nhiều khu công nghiệp với nhà máy lọc hóa dầu lớn nhất khu vực ASEAN cũng như lợi thế về giao thông vận tải với cảng hàng không kết nối ngày càng rộng, Thanh Hóa tập trung ưu tiên thu hút đầu tư vào 5 trụ cột phát triển...

Với lợi thế là tỉnh đứng thứ 5 cả nước về diện tích, thứ 3 về dân số, thứ 8 về quy mô nền kinh tế, những năm qua, Thanh Hóa đang khai thác và tận dụng hiệu quả các tiềm năng. Tỉnh hiện có 8 khu công nghiệp trọng điểm có khả năng phát triển toàn diện các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và thương mại, dịch vụ. Đáng chú ý là KKT Nghi Sơn - khu kinh tế ven biển trọng điểm quốc gia, rộng 106 nghìn ha với nhiều chính sách ưu đãi, được Chính phủ dành nguồn lực để phát triển. Tại đây có cảng nước sâu Nghi Sơn với hàng loạt cảng biển đã được đầu tư xây dựng, hiện có thể tiếp nhận tàu lên tới 7 vạn tấn, chính là tiềm năng lớn để tỉnh phát triển dịch vụ Logistics. Cùng với đó, khu công nghiệp - nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng rộng 600 ha đã được đầu tư đồng bộ, hiện đại, kết nối trực tiếp với Khu kinh tế Nghi Sơn, tạo thành hành lang nông nghiệp công nghệ cao kéo dài từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đến KKT Nghi Sơn.

Đi trước một bước, hệ thống GTVT của Thanh Hóa từ lâu đã được quan tâm đầu tư, quy hoạch đến nay không chỉ đa dạng về loại hình: Đường bộ, đường biển, đường hàng không mà cơ sở hạ tầng cũng ngày càng được đồng bộ hóa, hiện đại hóa. Chính nhờ vậy, giao thông đi lại, vận chuyển hàng hóa trở nên thuận lợi cả trong nước lẫn đi các nước khác trong khu vực ASEAN và quốc tế. Đây được đánh giá là lợi thế cạnh tranh rất lớn để Thanh Hóa phát triển sản xuất, đa dạng các loại sản phẩm.

Trên cơ sở tổng hòa các lợi thế có được, Thanh Hóa đã xác định rõ việc tham gia cuộc cách mạng chế biến - chế tạo; thiết lập lại trọng tâm nông nghiệp vào các sản phẩm giá trị cao; phát triển thành điểm đến du lịch vừa túi tiền nổi trội; xây dựng Thanh Hóa trở thành trung tâm y học vừa túi tiền hàng đầu; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng hợp nhất sẽ hình thành nên những trụ cột mới của nền kinh tế. 5 trụ cột này cũng đã được cụ thể hóa trong quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 của tỉnh.

Công nghiệp chế biến là một trong những trụ cột phát triển kinh tế.

Trung tâm chế biến - chế tạo

Sự ra đời và việc đưa vào vận hành thương mại Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sau nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ nỗ lực triển khai đến nay đã mở ra cơ hội phát triển mới cho Thanh Hóa. Từ đại dự án này, tỉnh ven biển thuần nông khi xưa sẽ trở thành một trung tâm chế biến - chế tạo mới của đất nước về lọc hóa dầu, sau lọc hóa dầu. Bên cạnh đó, sự phát triển của khu kinh tế và các khu công nghiệp, nguồn vốn thu hút đầu tư ngày càng lớn cũng là động lực phát triển các ngành công nghiệp may mặc, nông nghiệp công nghệ cao. Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều doanh nghiệp may mặc, giày da quy mô lớn đang hoạt động, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Các trang trại chăn nuôi bò sữa, bò thịt, lợn thịt chất lượng cao... đang được đầu tư, sau khi hoàn thành đi vào hoạt động được đánh giá sẽ tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.

Trung tâm du lịch vừa túi tiền nổi trội

Được biết đến là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, từng là kinh đô của đất nước, nơi phát tích nhiều triều đại hưng thịnh của Việt Nam, Thanh Hóa đang tận dụng lợi thế của mình khi có được một hệ thống các di tích và danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ, khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng; bãi biển Sầm Sơn... đang đưa Thanh Hóa dần trở thành một trong những trung tâm du lịch hàng đầu của đất nước. Những tiềm năng này đã và đang được khai thác ngày càng hiệu quả. Những năm qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong thu hút đầu tư vào du lịch, trong đó trọng tâm là đầu tư phát triển du lịch biển, kết hợp du lịch sinh thái và du lịch văn hóa tâm linh.

Trung tâm y tế chất lượng - vừa túi tiền

Là một tỉnh rộng, đông dân, nằm ở cửa ngõ miền Trung lại đang có sự bứt phá không ngừng về phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Thanh Hóa cũng xác định y tế là một trong những trụ cột phát triển trong tương lai. Trên cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực y tế đã, đang được đầu tư, Thanh Hóa tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Việc thành lập Phân hiệu Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa và đưa vào sử dụng Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa đã mở rộng hơn, đáp ứng tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho người dân, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ và cho khu vực.

Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao

Đi lên từ một tỉnh thuần nông, lợi thế về đất đai, khí hậu, tài nguyên thiên nhiên và hòa theo xu thế phát triển chung hiện nay, nông nghiệp công nghệ cao là một trụ cột nữa mà kinh tế Thanh Hóa chú trọng. Cũng theo quy hoạch tổng thể vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh Thanh Hóa là 1 trong 10 địa phương trên cả nước sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng, hoạt động có hiệu quả khu nông nghiệp công nghệ cao. Tín hiệu khả quan từ một số khu nông nghiệp công nghệ cao như Lam Sơn - Sao Vàng; dự án chăn nuôi bò sữa Vinamilk; mô hình chăn nuôi theo chuỗi của Công ty CP Nông sản - Thực phẩm Việt Hưng; Công ty CP Nông sản Phú Gia... đã “bật đèn xanh” cho nông nghiệp công nghệ cao phát triển trên đất Thanh Hóa. Một vài năm trở lại đây, tỉnh cũng đặc biệt chú trọng tới việc xây dựng chính sách, hỗ trợ tích cực để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào mảng này.

Tạo ra hệ thống cơ sở hạ tầng hợp nhất

Và để phát triển mạnh mẽ từng trụ cột trên các lĩnh vực, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tỉnh xác định trụ cột thứ 5 cũng là nền tảng quan trọng cho mọi trụ cột khác đó chính là việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, ưu tiên trước hết là hạ tầng giao thông, hạ tầng Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp. Trên cơ sở ưu tiên kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP, tỉnh Thanh Hóa đặt ra mục tiêu đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống hạ tầng.

Bước đầu hiện thực hóa những mục tiêu trên, tỉnh đã thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm cơ cấu lại nền kinh tế, tạo bước phát triển mới cho 5 trụ cột tăng trưởng. Qua một thời gian không dài, tỉnh đã vươn lên là một trong những nền kinh tế nổi trội của cả nước với những cái “nhất” mà trước đó chưa bao giờ đạt được. Đây có thể xem là kết quả ban đầu - nền tảng vững chắc để Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh xây dựng thành công những trụ cột vững trãi trong tương lai, thu hút ngày càng nhiều nguồn lực đầu tư phát triển.

Nguyên Mai - Hoàng Lan


Nguyên Mai - Hoàng Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]