(vhds.baothanhhoa.vn) - Đã nhiều năm trôi qua, người dân các thôn Khụ I, Khụ II, xã Giao Thiện và thôn Trô, xã Giao An (Lang Chánh) vẫn hàng ngày “liều mình” đi trên chiếc cầu treo Bến Lậm bắc qua sông Âm đã xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Người dân huyện vùng cao mong mỏi cây cầu cứng

Đã nhiều năm trôi qua, người dân các thôn Khụ I, Khụ II, xã Giao Thiện và thôn Trô, xã Giao An (Lang Chánh) vẫn hàng ngày “liều mình” đi trên chiếc cầu treo Bến Lậm bắc qua sông Âm đã xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Người dân huyện vùng cao mong mỏi cây cầu cứngCầu treo Bến Lậm (huyện Lang Chánh).

Đến xã Giao Thiện, chúng tôi phải đi trên những cung đường bê tông chắp vá, nhiều đoạn xuống cấp, cơn mưa phùn kéo dài khiến một số đoạn sình lầy, trơn trượt. Khi hay tin có đoàn vào tìm hiểu về cầu treo Bến Lậm, anh Trịnh Quốc Việt, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Giao Thiện xung phong dẫn đường.

Cầu treo Bến Lậm bắc qua dòng sông Âm có chiều dài hơn 100m, rộng 2,2m và cao 14m, được làm bằng gỗ. Đây là cây cầu duy nhất phục vụ nhu cầu đi lại của hàng trăm hộ dân thôn Khụ I, Khụ II, xã Giao Thiện, cùng nhiều hộ dân của xã Giao An (Lang Chánh) và xã Vân Am (Ngọc Lặc). Cầu được xây dựng từ năm 2006, mặc dù đã qua nhiều lần tu sửa, nhưng do thời gian cầu được đưa vào sử dụng đã lâu, người dân đi lại nhiều, cộng thời tiết mưa lũ nên các dây néo giữ thăng bằng của cầu đã rão và hoen rỉ. Mặt cầu và lan can cùng những tấm ván, thanh gỗ hai bên thành cầu đã mục nát, ọp ẹp, nhiều đoạn dây sắt cũng bị đứt gây nguy hiểm cho người qua lại.

Người dân huyện vùng cao mong mỏi cây cầu cứngNhiều đoạn ván mục nát, “bẫy” người tham gia giao thông.

Theo anh Lê Văn Lợi, Trưởng thôn Khụ II (xã Giao Thiện), trời tạnh có thể đi xe máy qua cầu, nếu gặp hôm trời mưa hoặc mới mưa xong thì chỉ đi bộ vì sợ trơn trượt, té ngã. Thôn Khụ II hiện có 188 hộ với trên 875 nhân khẩu, dân tộc Mường chiếm hơn 90% dân số. Kinh tế chủ yếu chỉ dựa vào nghề trồng luồng, keo, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao. Do đường sá đi lại xa xôi, lại bất tiện nên việc vận chuyển, buôn bán, giao thương hàng lâm sản của người dân với bên ngoài chủ yếu đi đường vòng hoặc đường sông, chi phí vận chuyển khá cao. Trưởng thôn Lê Văn Lợi cho biết, người dân thôn Khụ I, Khụ II nếu muốn lên trung tâm huyện thường chọn con đường qua cầu Bến Lậm sang đất Giao An thay vì đi vòng lên trung tâm xã rồi đến huyện vì thuận lợi hơn trong việc di chuyển, rút ngắn thời gian. Ngay cả một số con em trong thôn đang học lớp 6, lớp 7 cũng chọn sang bên Trường THCS Giao An học vì thuận tiện đi lại hơn. Ngoài ra, một số cháu ở đây đang học THPT ở thị trấn Lang Chánh cũng thường xuyên đến trường bằng cách đi qua cây cầu này. Cầu xuống cấp, nhưng người dân vẫn phải mạo hiểm sử dụng hàng ngày để di chuyển, chúng tôi cũng rất lo lắng. Nhân dân rất mong các cấp, các ngành quan tâm xây dựng cầu cứng để bảo đảm an toàn và tạo điều kiện giao thương phát triển kinh tế - xã hội.

Người dân huyện vùng cao mong mỏi cây cầu cứngCây cầu xuống cấp nghiêm trọng, dù được tu sửa vài lần trước đó.

Theo ông Lê Văn Tá, Chủ tịch UBND xã Giao Thiện: Do nguồn ngân sách địa phương hạn hẹp, việc duy tu, bảo dưỡng cầu treo gặp nhiều khó khăn, trước mắt xã yêu cầu các thôn tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân, đặc biệt là vào mùa mưa bão phải cắm biển cảnh báo nguy hiểm, bố trí lực lượng hướng dẫn để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi đi lại qua cầu.

Bài và ảnh: Viết Trung



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]