(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Cứ tưởng mua được nhà là đã có đất ở, nhiều hộ dân vốn là công nhân của Xí nghiệp Secpentin (nay là Công ty cổ phần Secpentin và Phân bón Thanh Hóa) đã tin rằng cuộc đời họ sẽ mãi thuộc về khu Bãi Áng, thôn Yên Bái, xã Tế Lợi (huyện Nông Cống). Nào ngờ sau 40 năm gắn bó, họ lại nhận được thông báo yêu cầu phải trả lại đất cho công ty.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hàng chục hộ dân xã Tế Lợi hoang mang lo mất nhà

(VH&ĐS) Cứ tưởng mua được nhà là đã có đất ở, nhiều hộ dân vốn là công nhân của Xí nghiệp Secpentin (nay là Công ty cổ phần Secpentin và Phân bón Thanh Hóa) đã tin rằng cuộc đời họ sẽ mãi thuộc về khu Bãi Áng, thôn Yên Bái, xã Tế Lợi (huyện Nông Cống). Nào ngờ sau 40 năm gắn bó, họ lại nhận được thông báo yêu cầu phải trả lại đất cho công ty.

Đi tìm nguyên nhân

Ông Lê Thanh Kề, một người dân trong diện này phản ánh: Từ năm 1975, hầu hết công nhân của Xí nghiệp Secpentin đều được xí nghiệp cho mượn nhà cấp 4 để ở tạm. Đến năm 1991 thì xí nghiệp này thanh lý toàn bộ khu nhà ở. Một số hộ dân đã mua lại những ngôi nhà này với giá phải trả tại thời điểm lúc bấy giờ là 238,100đ/gian. Hiện các gia đình vẫn giữ Biên bản bàn giao nhà ở, trong đó ghi rất rõ là “khi nộp tiền đủ thì gia đình được toàn quyền sử dụng tại chỗ gian nhà đã bàn giao”. "Người dân ở đây những tưởng mua nhà là đồng nghĩa có đất, vì không ai mua nhà xong rồi bê đi chỗ khác" - Ông Lê Thanh Kề cho biết.

Người dân phản ánh với phóng viên.

Trong khoảng thời gian từ năm 1991 - 2005, các gia đình đã cơi nới nhà cửa để tiện cho sinh hoạt; đồng thời khai hoang trồng trọt, đào ao nuôi cá, nuôi gia súc, gia cầm vừa tạo công ăn việc làm, vừa cải thiện chất lượng đời sống vật chất và tinh thần. Từ năm 2006 đến nay, khi doanh nghiệp cổ phần hóa thì các hộ dân buộc phải đóng tiền thuê đất. 6 năm trở lại đây các gia đình không đóng thì công ty liên tục gửi thông báo đòi lấy lại đất với lý do để phục vụ cho khai thác khoáng sản.

Giải thích về điều này, ông Nguyễn Tiến Cường - Giám đốc Công ty Cổ phần Secpentin và Phân bón Thanh Hóa cho biết: Lịch sử của công ty có từ năm 1975 và trước khi đi vào hoạt động, công ty đã được Nhà nước giao đất để khai thác khoáng sản. Từ đó đến nay, doanh nghiệp vẫn quản lý toàn bộ diện tích đó. Chỉ có điều, đến năm 1991, Nhà nước có pháp lệnh mới về khai thác khoáng sản, thay vì doanh nghiệp được giao đất như trước kia thì lại phải làm thủ tục thuê đất mới được tiếp tục hoạt động.

Đến năm 2003, trong quá trình làm hồ sơ, các bộ phận chuyên môn của xã, của huyện đã tiến hành đo đạc lại toàn bộ diện tích mà công ty đã được bàn giao từ năm 1975. Đến ngày 14/1/2006, công ty chính thức được UBND tỉnh Thanh Hóa ký quyết định cho thuê đất. Đó cũng là lí do mà trên bản đồ địa chính xã Tế Lợi (số 16 - 01 - 2006) có ô thửa và diện tích đất của 46 hộ dân đang sinh sống, trong đó có các hộ đã mua nhà thanh lý của công ty trước đó.

Lại nói về việc bán nhà thanh lý, ông Cường khẳng định mục đích của việc này là để cho người dân tự nâng cấp, sửa chữa chứ công ty không có quyền được bán đất. Điều này đã có đơn cam kết của các cá nhân, hộ dân khi thuê mượn đất, trong đó nói rõ các gia đình phải trả lại khi công ty có nhu cầu. Vì vậy mà nhiều năm nay, nhận thấy việc các hộ cố tình ở lại và lại trong bán kính 300m trong khu vực cảnh báo nguy hiểm nên công ty đã thông báo để các hộ dân chủ động di dời chỗ ở.

Nỗi lo không nơi ở

Trước nguy cơ bị mất nhà ở, các hộ gia đình không khỏi hoang mang, lo lắng. Nhiều gia đình cả 3 thế hệ cùng sinh sống, lại có điều kiện kinh tế khó khăn nên việc đi tìm kiếm một chỗ ở mới là điều vô cùng nan giải. Như trường hợp của ông Nguyễn Văn Thọ, từ khi công ty có thông báo trả lại đất thì ông gần như mất ăn, mất ngủ. Ông tâm sự: “Ở tuổi này mà đến mảnh đất cắm dùi cũng còn không có thì còn có cái khổ nào hơn. Đã 40 năm gắn bó, giờ mà các cơ quan chức năng chấp thuận cho công ty thu hồi đất thì chúng tôi thật sự không biết đi đâu, về đâu, công ăn việc làm thế nào?

Đó cũng là tâm trạng của các hộ dân đang sinh sống tại khu Bãi Áng, thôn Yên Bái, xã Tế Lợi, huyện Nông Cống. Hầu hết các gia đình còn ở lại (theo ông Cường nói là 23 hộ - PV) đều thuộc diện khó khăn. Do đó, cùng với việc yêu cầu các hộ phải di dời, các cấp chính quyền của địa phương và Công ty Cổ phần Secpentin và Phân bón Thanh Hóa cần có sự quan tâm, hỗ trợ thích đáng.

Mai Vui



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]